Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng chia sẻ những đột phá có lợi cho dân năm 2015

Thứ Hai, 23/02/2015, 09:26
"Làm tài chính phải cố gắng có của ăn, của để. Chưa xong năm nay đã phải lo cho năm sau. Tay phải thu, tay trái chi, làm sao để cân đối theo dự toán là cả vấn đề không dễ, nhất là trong thời buổi kinh tế khủng hoảng: vất vả từ trong ra, khó khăn từ ngoài vào…" - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chia sẻ.

Thế nhưng, vượt lên mọi trở ngại, thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2014 đã cán đích một cách ngoạn mục. Nhân dịp năm mới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng có những chia sẻ về những tín hiệu lạc quan của đà phục hồi kinh tế.

-Thưa Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, tập quán tốt đẹp của dân tộc chúc phúc đầu xuân trước là sức khỏe dồi dào, sau mong làm ăn tấn tới. Với Bộ trưởng, mong ước ưu tiên cho năm Ất Mùi là gì?

- Còn gì vui hơn đất nước bình an, nhà nhà hạnh phúc. Ngành Tài chính đạt được mục tiêu có của ăn, của để. Hẳn bạn đọc cũng chia sẻ cùng tôi mong ước này, nhất là thời điểm khởi đầu năm mới.

-Năm 2014 qua đi với nhiều thách thức tưởng như khó vượt qua trong công tác thu ngân sách, nhưng kết quả lại khá ấn tượng khi con số thu vượt dự toán. Đâu là mấu chốt cho kết cuộc khả dĩ này, thưa Bộ trưởng?

-Đây là thành quả chung. Còn nếu nói gọn lại thì đó chính là sự nỗ lực của toàn ngành bằng tinh thần chủ động. Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã xác định kế hoạch thu ngân sách sẽ rất khó khăn, do: Thứ nhất, nền kinh tế đất nước đang khó khăn. Thứ 2, 2014 là năm triển khai thực hiện nhiều chính sách thuế lớn (thuế TNDN, thuế GTGT, thuế TNCN) theo hướng giảm động viên vào ngân sách, tạo thêm nguồn lực cho doanh nghiệp (DN) tái đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh, làm giảm thu NSNN trong ngắn hạn...

Bên cạnh đó còn khó khăn mới xuất hiện, chưa được hơn nửa chặng đường thì giá dầu lao dốc đã khiến cho công tác thu khó khăn gấp bội. Thử hình dung, giá dầu thế giới cứ giảm 1 USD thì ngân sách hụt thu tới 1.000 tỷ đồng (điều mà chúng ta chưa lường hết).

Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, chủ động trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung một số giải pháp, chính sách về thuế, nhằm thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, phát triển DN. Kết quả như đã biết, thu ngân sách cả năm đạt 846,4 nghìn tỷ đồng, vượt so với dự toán. Hầu hết các địa phương đều thu đạt và vượt dự toán được giao.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng (bên trái) trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo CAND.

-Hoạt động của ngành Tài chính tác động tới đời sống và sản xuất rõ nét và dễ nhận biết trong năm qua chính là điều hành giá xăng dầu và cải cách thủ tục thuế. Người dân kỳ vọng được hưởng lợi nhiều hơn nữa trong năm 2015 từ việc điều hành giá xăng dầu, giá sữa, Bộ trưởng có thể “bật mí” sự linh hoạt của vấn đề này?

- Chủ trương nhất quán là điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định rất rõ, từ việc sử dụng công cụ thuế, điều hành giá, biên độ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, quỹ bình ổn giá xăng dầu... theo hướng linh hoạt, công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, Nhà nước và DN.

Tổ liên ngành Công thương - Tài chính tham mưu điều hành giá xăng dầu đảm bảo hạn chế thấp nhất tác động xấu của nó đối với sản xuất và đời sống. Tất nhiên, nếu phát huy tối đa mặt tích cực  từ giá xăng dầu thì chúng ta không thể bỏ qua.

Mới nhất là Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giao thông vận tải có văn bản tới các địa phương tăng cường quản lý cước vận tải bằng ôtô trên địa bàn, buộc các DN vận tải phải kê khai giảm giá cước khi giá xăng dầu liên tục giảm, để đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng.

Một điểm mới thể hiện sự linh hoạt trong điều hành giá xăng dầu, là tổ liên ngành Công thương - Tài chính làm việc theo nguyên tắc tập thể, bám sát thị trường, tham mưu kịp thời với cơ quan có thẩm quyền quyết định giảm giá xăng dầu liên tục như bạn đọc đã thấy thời gian qua...

- Thế còn cải cách thủ tục thuế, năm 2015, Bộ Tài chính sẽ có bước chuyển động như thế nào để hanh thông hơn nữa trong lĩnh vực này?

-Năm 2015, nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ còn phải làm rất quyết liệt. Chúng tôi có niềm tin bởi thời gian qua, công tác này đã đạt được kết quả khả quan, đặc biệt là cải cách trong lĩnh vực thuế, hải quan, tạo thuận lợi ở mức cao nhất cho DN, người nộp thuế. Cụ thể, đã rà soát, hệ thống hoá 645 thủ tục hành chính,rút ngắn 54% số giờ nộp thuế. Ước tính, có khoảng 95% số DN đã thực hiện khai thuế điện tử, đã thí điểm thực hiện nộp thuế điện tử ở 18 địa phương...

-Dư luận đánh giá việc công khai nợ công như vừa qua là hành động can đảm, qua đó giúp chúng ta tự tin hơn khi nhìn rõ những điều đang có và những gì cần nỗ lực giải quyết. Bộ trưởng bình luận về đánh giá này?

-Đây là việc phải làm. Chúng tôi có chung một quan điểm là phải hiểu rõ thực tại, trong đó có vấn đề nợ công để rồi có giải pháp phù hợp là hết sức cần thiết. Qua đó, nhận được sự chia sẻ của cả xã hội. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện vay, trả nợ hàng năm; hạn mức vay thương mại nước ngoài của Chính phủ và Chính phủ bảo lãnh năm 2014; Phê duyệt phương án tái cơ cấu nợ gốc trái phiếu quốc tế.

Trên cơ sở đó đã tổ chức phát hành thành công1 tỷ USD trái phiếu quốc tế kỳ hạn 10 năm, với lãi suất 4,8%/năm, thấp hơn khoảng 2%/năm so với mức lãi suất của các trái phiếu cũ. Trong điều hành,đảm bảo chi trả nợ đầy đủ, đúng hạn (cả gốc và lãi) trong phạm vi dự toán;thường xuyên theo dõi, đánh giá về an toàn nợ công; đảm bảo các chỉ tiêu nợ nằmtrong giới hạn cho phép...

-Thưa Bộ trưởng, năm 2015 có những cơ hội thuận lợi đan xen những thách thức, khó khăn. Bộ Tài chính có giải pháp nào để phát huy thuận lợi và “hóa giải” khó khăn để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển?

-Năm 2015 có vị trí và ý nghĩa rất quan trọng. Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2015, Bộ Tài chính đã đề ra 8 nhóm giải pháp.

Trong đó, tập trung tổ chức triển khai thực hiện tốt các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội và NSNN trên tinh thần tiếp tục giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tăng trưởng hợp lý, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; điều hành thu NSNN quyết liệt, bảo đảm hoàn thành dự toán được giao năm 2015 và quản lý chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho việc tái cơ cấu, nhất là cổ phần hoá, xác định giá trị DN; đặc biệt, phải đẩy mạnh việc đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính về thuế và hải quan, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính; thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với các mặt hàng quan trọng, thiết yếu, như: điện, than bán cho sản xuất điện, xăng dầu... Đây là những khâu đột phá rất quan trọng tác động trực tiếp tới lợi ích người dân.

Năm mới, dù còn gặp khó khăn nhưng chúng ta có niềm tin bởi kinh tế nước ta đã có dấu hiệu phục hồi. Các chuyên gia dự báo tăng trưởng năm 2015 có thể đạt từ 6-6,2%; việc sắp xếp lao động từng bước hợp lý hơn... Điều đó cho thấy bức tranh kinh tế - xã hội năm 2015 có nhiều gam màu sáng.

-Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Thanh Phong
.
.