Chính thức tăng giá điện vào ngày 16/3:

Vẫn băn khoăn về tính minh bạch của EVN

Thứ Ba, 17/03/2015, 08:02
Trước thềm ngày giá điện chính thức tăng (16/3), vẫn chủ đề những tác động của việc tăng giá điện, xăng dầu tới nền kinh tế và đời sống của người dân, chiều 15/3, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức buổi toạ đàm liên quan đến chủ đề này với sự có mặt của đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và chuyên gia kinh tế.
Trả lời câu hỏi về việc nhiều nhận định cho rằng việc tăng giá điện vừa qua là khá đột ngột, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) viện dẫn nhiều văn bản và cho rằng việc tăng giá đã tuân thủ đúng các quy trình.

Lý giải nguyên nhân việc tăng giá xăng dầu và giá điện liên tiếp nhau, gây những lo ngại nhất định cho người dân và doanh nghiệp, ông Võ Văn Quyền – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết hoàn toàn do ngẫu nhiên. Giá xăng dầu hiện được điều hành theo thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và bám sát giá thế giới. Nếu tính đúng, đáng lẽ thời điểm trước Tết đã phải tăng giá một lần 2.500 đồng và sau Tết phải tăng thêm 1.000 đồng.

Tuy nhiên, do tính toán tác động đến xã hội tại thời điểm nhạy cảm là Tết âm lịch, liên Bộ đã quyết định dùng quỹ bình ổn nên cả 2 đợt điều chỉnh chỉ tăng giá 1.600 đồng. Tuy việc tăng giá cả 2 nhiên liệu đầu vào này sẽ có tác động đến lạm phát tháng 3 và tháng 4, tuy nhiên ông Quyền cho biết, lạm phát cơ bản (đã loại trừ giá xăng dầu, thực phẩm…) vẫn dương và nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ.

Nhiều chuyên gia cho rằng cần có cuộc “đại phẫu” đối với EVN. Ảnh PCHK

“Thời gian gần đây, xăng dầu đã có 14/15 lần giảm giá với mức trên 10.000 đồng/lít, tức giảm khoảng 40%; đợt điều chỉnh vừa qua có tăng 10%, nhưng nhìn tổng thể chung, xu hướng giảm giá vẫn là chính và mức độ vẫn lớn, vẫn đang có những tác động tích cực đến sản xuất và đời sống” – ông Quyền khẳng định.

Trả lời câu hỏi về việc giá đầu vào tăng sẽ tác động thế nào đến thu ngân sách, ông Phạm Đình Thi – Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) thừa nhận việc tăng giá sẽ tác động đến đầu vào của sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của DN sẽ giảm, sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách.

Dù vậy, ông Thi cho rằng, việc tăng giá là tất yếu và phù hợp vì chúng ta kiên quyết điều hành theo thị trường, và việc tăng giá là do tác động của giá thế giới. Để phòng tránh việc tăng giá theo kiểu “té nước theo mưa”, đại diện Bộ Tài chính cho  biết, đã có văn bản yêu cầu giám sát chặt chẽ thị trường, thực hiện tốt việc kê khai giá và kiên quyết không cho điều chỉnh giá hàng hóa ăn theo điện, xăng dầu; rà soát kỹ giá đầu vào, tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp tăng giá bất hợp lý. Đại diện Bộ Công Thương cũng cam kết sẽ đảm bảo cung cầu hàng hoá để tránh lạm phát kỳ vọng, tăng giá do tâm lý.

Tuy nhiên, chủ đề chính của buổi tọa đàm lại xoay quanh EVN và câu chuyện công khai minh bạch vẫn được đề cập đến bấy lâu nay. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long tỏ vẻ không đồng tình về lý do “công tác đột xuất” dẫn đến vắng mặt của Phó Tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri, cho rằng đáng lẽ đại diện EVN phải có mặt để lắng nghe ý kiến của công luận và các nhà nghiên cứu.

TS Ngô Trí Long dẫn số liệu cho biết, từ năm 2007 đến nay, Việt Nam đã tăng 7 lần giá điện, riêng lần này tăng biên độ tương đối lớn so với 4 lần gần đây nhất, gây sự phân tâm, bức xúc đối với người dân. “Không phải người tiêu dùng không chia sẻ với EVN, mà vấn đề chính là sự minh bạch. EVN hoạt động chưa thực sự có hiệu quả, tổn thất điện năng, năng suất lao động thấp vẫn được tính vào giá thành, đổ cho người tiêu dùng gây bất cập.

Theo tôi, để có sự đồng thuận, phải có minh bạch hơn khi tính toán giá thành”, ông Long khẳng định. Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Tuấn cho rằng, Chính phủ đã để EVN được tăng giá ở mức thấp nhất trong các kịch bản được đưa ra, có xét đến tác động đến nền kinh tế, lạm phát và các yếu tố khác, tương đối phù hợp với mặt bằng thị trường và những thay đổi trong cơ chế đầu vào.

Về công khai, minh bạch, ông Tuấn cho rằng, việc EVN và Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm toán giá điện và công khai kết quả, cũng là một bước công khai minh bạch để người dân có thể giám sát được EVN.

Tuy nhiên, TS Ngô Trí Long không bị thuyết phục bởi ý kiến này, bởi “tính toán giá điện là hết sức phức tạp, muốn tính chính xác cần có một cuộc đại phẫu thuật, cần cơ quan chuyên môn, độc lập”.

“Như đã biết, qua kết quả kiểm toán được công khai tháng 7/2014 và kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ, ngành Điện hoạt động không hiệu quả, năng suất kém, lỗ đầu tư ngoài ngành hay lỗ chủ quan do quản trị kém cũng do người tiêu dùng gánh chịu. Cần có một cuộc đại phẫu thuật, cần có cơ quan tư vấn độc lập có đủ khả năng chuyên môn xem xét về giá”.

Ông Long cũng phê phán Bộ Công Thương trong những lần phát ngôn gần đây “đứng về phía độc quyền, chứ ít khi đứng về phía người dân”, và có những phát ngôn như “giá điện tăng tất cả được lợi”, “không tăng giá thì EVN sẽ phá sản”… là rất khó chấp nhận. Vị chuyên gia này cho rằng, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước nên công tâm, khách quan, đứng ở trung gian để điều hành cho chính xác.

Cùng với đó, ông Long cũng phản đối việc EVN viện lý do giá điện thấp nên tiến hành cổ phần hóa chậm, bởi so sánh đầu vào của giá điện tại Việt Nam có rất nhiều thuận lợi hơn so với các nước khác như: chi phí lương thấp, cơ cấu thủy điện giá rẻ rất cao kéo giảm giá điện trung bình.

Vũ Hân
.
.