Cải thiện môi trường đầu tư để hút vốn nước ngoài

Thứ Bảy, 22/10/2022, 08:52

Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh vừa phối hợp với Thương vụ Đại sứ quán Áo (Cộng hoà Áo) tổ chức “Diễn đàn Kinh tế Bang Styria– TP Hồ Chí Minh”. Tại diễn đàn này, bà Cao Thị Phi Vân – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh khẳng định: “Việt Nam đang là điểm đến của các nhà đầu tư trên thế giới, và TP Hồ Chí Minh là nơi mà nhà đầu tư tìm đến nhiều nhất tại Việt Nam”.

Nói thêm về lý do các DN FDI lựa chọn TP Hồ Chí Minh là điểm đến đầu tư, bà Cao Thị Phi Vân cho biết, TP Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt, với vị thế trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (bao gồm TP Hồ Chí Minh và 7 tỉnh), có đầy đủ mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không hiện đại. Đồng thời, cùng với các địa phương lận cận đã và đang khẩn trương triển khai xây dựng các cơ sở hạ tầng giao thông, là đòn bẩy để TP Hồ Chí Minh kết nối tốt hơn trục hành lang trong khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, thành phố luôn duy trì đà tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững, toàn diện và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Cụ thể, về hạ tầng phát triển công nghiệp đã có 17 khu công nghiệp, 2 khu chế xuất đi vào hoạt động với tổng quy mô diện tích khoảng 4.000ha và Khu Công nghệ cao 913ha, thu hút nguồn vốn FDI khoảng 5,4 tỷ USD với nhiều DN uy tín toàn cầu.

Cải thiện môi trường đầu tư để hút vốn nước ngoài -0
Cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các DN công nghệ cao đầu tư vào các lĩnh vực.

Thành phố có hạ tầng thương mại hiện đại và phát triển rộng khắp các địa bàn quận, huyện với 238 chợ, 206 siêu thị, 49 trung tâm thương mại và 2.656 cửa hàng tiện ích. Đặc biệt, các trung tâm logistic lớn của các tập đoàn đa quốc gia đã và đang được đầu tư để hướng đến hình thành trung tâm phân phối hàng hóa lớn cho cả vùng Đông Nam bộ và các tỉnh lân cận. Một trong những thuận lợi lớn nhất của TP Hồ Chí Minh là nguồn nhân lực có chuyên môn, chất lượng cao với hơn 4,6 triệu lao động, đây là nguồn nhân lực đủ lớn để hỗ trợ thành phố trở thành trung tâm sản xuất và dịch vụ công nghệ của Việt Nam.

Hiện, TP Hồ Chí Minh có hơn 11.007 dự án FDI còn hiệu lực từ 115 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Cộng hòa Áo có 21 dự án với tổng số vốn đầu tư hơn 42 triệu USD, đứng thứ 33/115 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư, kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh.

Theo một khảo sát của Cushman & Wakefield, hơn 200 đại diện cấp cao từ các công ty đầu tư hàng đầu đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư ưu tiên nhất và nhì trong nhóm các thị trường mới nổi. Theo đó, Việt Nam chiếm gần 80% số phiếu bầu cho hai vị trí ưu tiên, 75% cho Ấn Độ.

Theo bà Trang Bùi - Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield, những lo ngại về bất ổn kinh tế vĩ mô trên toàn cầu đã làm chậm các hoạt động đầu tư từ đầu năm nay. Với tình hình lãi suất và lạm phát tăng đã khiến nhà đầu tư phần nào chùn chân và cẩn trọng xem xét lại các danh mục đầu tư. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục triển khai vốn vào những dự án mà họ đã cam kết.

Để hiểu rõ hơn về thị trường Việt Nam, Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng mời hơn 1.200 thành viên, đại diện cho hầu hết mọi lĩnh vực kinh tế cung cấp thông tin cập nhật hàng quý về đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam và đưa ra dự báo tình hình hoạt động kinh doanh của các DN tại Việt Nam. Kết quả chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) cho thấy, khi lãnh đạo các DN được hỏi về triển vọng kinh doanh của chính DN họ trong quý 4/2022, có 45% trả lời tích cực và các DN kỳ vọng kế kế hoạch đầu tư, đơn đặt hàng và doanh thu vẫn tương đối ổn định so với quý trước. 42% DN châu Âu tại Việt Nam dự tính sẽ tăng vốn đầu tư vào Việt Nam vào cuối năm 2022.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/9, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần,... của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 18,7 tỷ USD. Tuy vốn đầu tư đăng ký mới giảm nhưng cả vốn đầu tư điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ. Trước đó, Việt Nam ghi nhận một kỷ lục mới với 10,06 tỷ USD vốn từ nhà đầu tư nước ngoài giải ngân vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua. Ghi nhận, bất động sản là phân khúc chiếm 26% tổng vốn với các nhà đầu tư hàng đầu đến từ Singapore, Nhật Bản, Đan Mạch, Trung Quốc và Hàn Quốc. Các loại tài sản công nghiệp và hậu cần, khu đất phát triển, khách sạn và văn phòng đang là những “món hàng” được săn lùng bởi các nhà đầu tư.

Mặc dù là điểm lựa chọn của rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhưng các DN FDI vẫn mong muốn môi trường đầu tư tại Việt Nam cần được cải thiện hơn nữa để giữ chân DN cũ và thu hút DN mới vào đầu tư. Các nhà đầu tư FDI cũng chỉ ra những hạn chế đang là rào cản trong hoạt động của các DN FDI, cần được khắc phục, đó là giảm bớt khó  khăn về thủ tục hành chính, cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển năng lực nguồn nhân lực, giảm rào cản thị thực cho các chuyên gia nước ngoài...

T.Hà- H.Giang
.
.