Cải thiện môi trường đầu tư để thu hút dòng vốn FDI nhiều hơn

Thứ Bảy, 08/07/2023, 08:33

Ngày 7/7, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức hội nghị "Tăng cường thu hút đầu tư và đề xuất giải pháp pháp lý hiệu quả cho nhà đầu tư tại TP Hồ Chí Minh".

Thời gian qua, đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam liên tục tăng trưởng. Kể cả khi toàn cầu vẫn còn ảnh hưởng bởi tác động đại dịch COVID-19 và những căng thẳng địa chính trị kéo dài, hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư vào Việt Nam vẫn không giảm về độ sôi động, tính hiệu quả và chất lượng. Là địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm của quốc gia, cùng với rất nhiều lợi thế về vị trí địa lý, trình độ lao động, nền tảng công nghệ,...TP Hồ Chí Minh vẫn luôn là điểm hấp dẫn cho các FDI.

Theo Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, tổng số vốn đầu tư nước ngoài (tính từ đầu năm đến ngày 20/6/2023) vào TP Hồ Chí Minh đạt 2,8 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ. Trong đó có 514 dự án cấp mới (tăng 69,1%), song số vốn đăng ký chỉ đạt 231 triệu USD (tương đương so với cùng kỳ năm trước). Đối với dự án điều chỉnh vốn đăng ký có 163 dự án (tăng 139,7%), với vốn đăng ký tăng 458 triệu USD, chỉ bằng 33,3% so với cùng kỳ. Vốn FDI vào TP Hồ Chí Minh "bật tăng" trong 6 tháng đầu năm đã cho thấy tình hình kinh tế của Thành phố có sự khởi sắc trong quý II sau khi giảm sâu ở quý I/2023.

Cải thiện môi trường đầu tư để thu hút dòng vốn FDI nhiều hơn -0
Cải thiện môi trường đầu tư để thu hút doanh nghiệp FDI vào hoạt động.

"Thế nhưng câu hỏi đặt ra là Thành phố cần làm gì để tiếp tục giữ vững sức hút đối với dòng vốn FDI nhất là khi chính sách Thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) sẽ áp dụng cho 141 quốc gia bao gồm cả Việt Nam, bắt đầu từ năm 2024, sẽ đặt ra thách thức đáng kể cho các thị trường mới nổi như Việt Nam, nơi ưu đãi thuế là một trong những điểm hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư FDI. Nếu không tính đến ưu đãi về thuế nữa thì vấn đề còn lại trong thu hút FDI chính là tập trung cải thiện môi trường đầu tư", bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC nói.

Luật sư Châu Việt Bắc - Phó Tổng thư ký Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, theo thống kê của VIAC, tỷ lệ các tranh chấp có yếu tố FDI trong năm 2022 chiếm khoảng 40% trên tổng số toàn bộ tranh chấp được thụ lý ở VIAC. Các tranh chấp này thường phát sinh từ một số nguyên nhân: Tranh chấp phát sinh từ giao dịch mua bán, chuyển nhượng cổ phần, vốn góp (M&A); Tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa nhà đầu tư nước ngoài và DN trong nước. Ngoài ra, tranh chấp trong hoạt động đầu tư còn có thể phát sinh giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam.

Theo VIAC, trong những năm gần đây, Việt Nam đẩy mạnh mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới, tính đến tháng 5/2023, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 19 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 15 FTA đã có hiệu lực. Việc tham gia đa dạng các hiệp định thương mại tự do đánh dấu bước đệm giúp chúng ta mở rộng thị trường, có thêm nhiều cơ hội mới; nhưng điều này cũng đồng thời đặt ra cho DN thách thức về những rủi ro, tranh chấp mới có thể phát sinh. Thực tiễn cho thấy, thời gian gần đây, tỷ lệ tranh chấp phát sinh giữa nhà đầu tư nước ngoài và các cơ quan ban, ngành, chính phủ Việt Nam ngày càng tăng. Hầu hết các tranh chấp đều phát sinh từ các dự án lớn, tính chất phức tạp. Để phòng ngừa và xử lý các tranh chấp này một cách hiệu quả, việc cập nhật thông tin, hướng dẫn cho nhà đầu tư về các quy định mới, cách thức áp dụng quy định pháp luật trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

TP Hồ Chí Minh vẫn đang còn nhiều hạn chế cần phải cải thiện để thu hút dòng vốn FDI nhiều hơn nữa. Cụ thể, Thành phố đang phải đối mặt với tình trạng kẹt xe, ngập lụt, triều cường, ô nhiễm... làm cho các nhà đầu tư và các chuyên gia ngần ngại. Ngoài ra, số lượng DN tham gia chuỗi cung ứng chưa nhiều (ngành dịch vụ, thiết bị, nguyên vật liệu gián tiếp), giá trị sản xuất trong nước chưa cao, hoạt động nghiên cứu, phát triển (R&D) chưa được triển khai, chưa thành lập đội ngũ R&D trong nhà máy. Đặc biệt, hiệu quả sử dụng đất của nhiều dự án FDI đầu tư nước ngoài chưa cao...

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban pháp chế Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, để thu hút đầu tư vào TP Hồ Chí Minh cần tháo gỡ những rào cản từ thể chế, rào cản từ chính sách và thực hiện chính sách. Hiện, DN còn gặp khó khăn đáng kể ở một số thủ tục hành chính với 50% gặp trở ngại về các thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng, 48% gặp trở ngại với các thủ tục về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và hơn 40% gặp khó khăn các thủ tục về thẩm định, thẩm duyệt.

Giải pháp đặt ra là: Xây dựng và hoàn thiện chính sách về Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS... Đẩy mạnh chất lượng thực thi, tháo gỡ khó khăn; Phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng; Phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; Môi trường đầu tư kinh doanh xanh, trong đó có bảo vệ môi trường, giảm phát thải, năng lượng tái tạo...

Thúy Hà
.
.