DN cần lưu ý để được hưởng mức thuế quan ưu đãi từ FTA

Thứ Năm, 03/09/2015, 10:15
Việt Nam đang tham gia 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 10 FTA đã ký và 5 FTA đang đàm phán. Trong 10 FTA đã ký thì có 8 FTA đã có hiệu lực. 

Bà Bùi Kim Thùy, Phó phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (thuộc Bộ Công Thương) cho rằng, động lực chính để hình thành các FTA giữa các nước chính là mức thuế quan lý tưởng giữa các nước dành cho nhau, cắt giảm về 0% theo lộ trình. Hiện nay các yếu tố như: lao động giá rẻ, dân số trẻ... không còn là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam nữa, vì vậy mức ưu đãi lý tưởng về thuế quan là một trong những điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu.

Điển hình, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu (gọi tắt là FTA Việt Nam - EAEU) được ký kết ngày 29/5/2015 và  khi FTA Việt Nam – EAEU có hiệu lực thì 90% dòng thuế sẽ cắt giảm xuống 0%. Điều này sẽ tạo ra những cơ hội rất lớn một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường này.

Như mặt hàng dệt may, có đến 82% tổng số dòng thuế được cam kết cắt giảm. Mặt hàng giày dép, túi xách, có đến 77% tổng số dòng thuế cam kết cắt giảm, trong đó 73% là xoá bỏ hoàn toàn với lộ trình tối đa 5 năm... Tuy nhiên, đứng trước “cánh cửa” hội nhập AFTA, rất nhiều doanh nghiệp tỏ ra bỡ ngỡ, lo lắng, vì để tận dụng được các ưu đãi không phải chuyện đơn giản. Như mặt hàng thủy sản, theo cam kết của Liên minh Á – Âu, thì 95% dòng thuế sẽ được xóa bỏ, trong đó hơn 71% dòng thuế về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. 

Ngành Dệt may được hưởng nhiều ưu đãi về thuế khi hội nhập AFTA.

Tuy nhiên, “những quy định về kiểm soát, kiểm dịch, an toàn thực phẩm của Nga cũng như các nước Liên minh Kinh tế Á – Âu từ trước giờ khá nghiêm ngặt cũng và chưa rõ ràng, nên đó cũng là rào cản khiến số doanh nghiệp xuất khẩu vào các thị trường này (chủ yếu là Nga) rất thấp so với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản băn khoăn.

Trước nhiều thay đổi về chính sách thuế khi hội nhập AFTA, các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp để được hưởng các ưu đãi về thuế quan thì doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ  các quy định trong Hiệp định, nắm bắt đầy đủ cam kết về lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu liên quan đến lĩnh vực doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh để từ đó xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp. Đặc biệt, doanh nghiệp phải chủ động đổi mới công nghệ, áp dụng máy móc tiên tiến để cho ra sản phẩm chất lượng cao với giá thành hợp lý.

Bà Bùi Kim Thùy lưu ý các doanh nghiệp: Điều quan trọng nhất mà doanh nghiệp cần chú ý là để được hưởng mức thuế quan ưu đãi lý tưởng theo các FTA chính là "quy tắc xuất xứ" hàng hóa. Hàng hóa  của doanh nghiệp bắt buộc phải đáp ứng “quy tắc xuất xứ” được thiết kế riêng cho từng FTA. 

Chỉ khi đáp ứng được “quy tắc xuất xứ” thì hàng hóa đó mới được cấp giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi vốn là căn cứ pháp lý quan trọng nhất để cơ quan hải quan nước nhập khẩu xác định hàng hóa đến từ đâu, hàng hóa nhập khẩu có đủ điều kiện để hưởng mức thuế quan ưu đãi lý tưởng của FTA hay không. Nếu hàng hóa không đáp ứng “quy tắc xuất xứ” thì không còn cách nào khác là phải chịu mức thuế bình thường.

T.Hà
.
.