Điện thoại từ Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 50 thị trường trên thế giới

Chủ Nhật, 10/10/2021, 10:06

Mặc dù các ngành sản xuất công nghiệp chịu sự tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, nhưng trong 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu (XK) điện thoại các loại và linh kiện của Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định và tăng trưởng tốt, tiếp tục thể hiện là điểm sáng trong các mặt hàng XK chủ lực. Đây là những tín hiệu đáng mừng, sẽ đóng góp lớn cho quá trình khôi phục và đạt mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch XK điện thoại các loại và linh kiện của Việt Nam tăng trưởng liên tục trong giai đoạn 2016 - 2020, với tốc độ tăng trưởng bình quân 10,5%/năm. Năm 2020, mặc dù toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng kim ngạch XK mặt hàng này đạt 51,184 tỷ USD, vẫn đứng ở vị trí thứ nhất, chiếm 18,1% tỷ trọng XK hàng hóa của Việt Nam.

Điện thoại từ Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 50 thị trường trên thế giới và khai thác tốt các thị trường truyền thống và tìm kiếm, phát triển các thị trường mới. Dẫn đầu tiêu thụ nhóm điện thoại các loại và linh kiện trong 8 tháng đầu năm 2021 là Trung Quốc đạt 8,062 tỷ USD, chiếm 22,8% tỷ trọng kim ngạch XK điện thoại của cả nước, tăng 64,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp đến là Mỹ đạt 6,240 tỷ USD, chiếm 17,7% tỷ trọng XK nhóm hàng điện thoại thì từ đầu năm 2021 đến nay, XK điện thoại và linh kiện tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động thương mại của Việt Nam.

Đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 gần đây tại khu vực châu Á gây gián đoạn chuỗi cung ứng điện thoại di động, có thể làm giảm lượng hàng xuất xưởng và làm chậm trễ việc giao hàng trong những tháng cuối năm 2021. Các nhà sản xuất điện thoại và các nhà cung cấp linh kiện đang cố gắng giảm bớt tác động của COVID-19, nhưng tình trạng thiếu lao động và nguyên liệu thô, linh kiện đầu vào, cũng như hạn chế vận chuyển đang gây áp lực lên hoạt động sản xuất và hậu cần.

Trong đó, tác động lớn nhất đến thị trường điện thoại là linh kiện bán dẫn đang trong tình trạng khan hàng và giá tăng. Sự thiếu hụt chip bán dẫn trên toàn cầu đã ảnh hưởng đến các ngành sản xuất. Dù vậy, ngành sản xuất điện thoại của Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định và từng bước phục hồi. Giai đoạn hậu COVID-19, sẽ có sự chuyển dịch sản xuất cơ học của các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực điện tử sang Việt Nam. Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam để trở thành vệ tinh, cung cấp linh kiện, phụ kiện cho họ.

Trân Trân
.
.