Định hướng mới trong xuất khẩu của TP Hồ Chí Minh

Thứ Tư, 26/01/2022, 08:10

Theo đánh giá của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, do tác động nặng nề của đại dịch COVID - 19, kim ngạch xuất khẩu (XK) của doanh nghiệp (DN) thành phố chỉ đạt 44,9 tỷ USD, tăng 1% so với năm 2020.

Trong đó, 10 mặt hàng XK lớn nhất chiếm 76,4% tổng kim ngạch XK của TP Hồ Chí Minh và 10 thị trường XK lớn của DN chiếm đến 73,3% tổng kim ngạch XK của thành phố. Điều đó cho thấy, các mặt hàng XK chưa đa dạng hóa và thị trường XK chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Đông Bắc Á. Chính vì điều đó, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng, triển khai đề án định hướng phát triển XK của TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, theo hướng tư duy mới…

Theo đó, 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch XK lớn nhất của TP Hồ Chí Minh là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hàng dệt may, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác... Theo phân tích cuả Sở Công Thương, các mặt hàng có kim ngạch XK lớn nhất của TP Hồ Chí Minh từ năm 2012 - 2014 là những mặt hàng truyền thống có sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày… nhưng những năm đó thì chỉ tăng nhẹ, gần như đi ngang.

4.jpg -0
TP Hồ Chí Minh xác định phát triển dịch vụ logistics để dẫn dắt hoạt động xuất khẩu.

Đặc biệt trong năm 2020 và 2021, tác động bởi dịch COVID -19 thì XK những mặt hàng trên bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, trong khi những mặt hàng XK truyền thống đang bị đuối sức, thì có một nhóm hàng XK vươn lên mạnh mẽ kể từ năm 2015, 2016 cho đến nay là nhóm sản phẩm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (nhóm công nghệ cao). Trong năm 2021, nhóm sản phẩm này XK chiếm khoảng 44% tỷ trọng trong tổng thể các mặt hàng XK của TP Hồ Chí Minh.

Về thị trường XK, trong những năm 2000 – 2015, Hoa Kỳ là thị trường XK hàng đầu của TP Hồ Chí Minh, nhưng đến khoảng 2017, 2018 thì Trung Quốc đã soán ngôi, trở thành thị trường lớn nhất của DN TP Hồ Chí Minh cho đến điểm hiện nay. Hiện, thị trường Trung Quốc đang chiếm đến 23,4% tổng kim ngạch XK của TP Hồ Chí Minh; Hoa Kỳ 16,9%; Nhật Bản 6%; Hàn Quốc 4,9%; Hà Lan 3,1%; Philippines 2,3%; Thái Lan 2,2%, Đức 2,1%; Các thị trường còn lại 26,7%. “Nếu lấy 10 mặt hàng nói trên XK vào 10 thị trường này thì kim ngạch XK chiếm tỷ trọng lớn. Điều đó cho thấy đặc điểm các mặt hàng XK chưa được đa dạng hóa, thị trường XK chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Đông Bắc Á.

Ở góc độ quản lý Nhà nước, từ 2017, 2018 chúng tôi đã phát hiện ra những vấn đề này. Chính vì vậy, chúng tôi xin ý kiến cuả UBND TP Hồ Chí Minh và được sự chấp thuận của TP để xây dựng “đề án định hướng phát triển XK cuả TP đến năm 2030” theo hướng tư duy mới. Đề án này được UBND TP ban hành trong năm 2021”, ông Nguyễn Khắc Hiếu - Phó trưởng Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu – Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết.

Theo quyết định phê duyệt của UBND TP thì đề án có 5 quan điểm chiến lược mới về XK trong thời gian tới. Cụ thể, lấy chất lượng của tăng trưởng làm nền tảng, đặc biệt chú tâm phát triển sản phẩm phần mềm và kỹ thuật số; TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết các tỉnh thành Đông Tây Nam bộ để phát triển XK theo hình dạng chuỗi…

Từ những quan điểm chiến lược đó, định hướng và giải pháp phát triển của TP Hồ Chí Minh là sẽ hỗ trợ để phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh một số sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm chủ lực có kim ngạch và tốc độ tăng trưởng cao, tạo nhiều việc làm và ngân sách lớn. Nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại theo hướng tập trung vào những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh gắn với thị trường mà Việt Nam có ký kết FTA. Đồng thời hỗ trợ DN tăng cường XK theo phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới.

Đặc biệt, cải cách thủ tục hành chính, để hỗ trợ tối đa cho DN... Mục tiêu, giai đoạn 2021-2025 XK hàng hóa tăng bình quân 11%, XK dịch vụ tăng 15%; giai đoạn 2026 -2030 XK hàng hóa tăng bình quân 10%/năm và XK dịch vụ tăng 15%.

Thúy Hà
.
.