Đồng Việt Nam đang lên giá?

Thứ Ba, 13/10/2015, 19:37
Ngày 13/10, thị trường tài chính tiếp tục chứng kiến sự biến động khá mạnh của đồng USD, sau khi tỷ giá USD/VND đảo chiều tăng trở lại trong ngày đầu tuần 12-10.

Như vậy, sau khi đóng cửa tuần trước với những phiên lao dốc, đồng bạc xanh đã có dấu hiệu phục hồi trong 2 phiên liên tiếp.

Sáng 13/10, ngân hàng Vietcombank niêm yết tỷ giá USD/VND ở mức 24.370 – 22.450 đồng/USD (mua vào – bán ra), điều chỉnh tăng 50 đồng chiều mua vào và tăng 50 đồng chiều bán ra so với ngày 12-10. Ngân hàng Vietinbank niêm yết tỷ giá USD/VND ở mức 22.310 – 22.395 đồng/USD (mua vào – bán ra), điều chỉnh tăng 5 đồng chiều mua vào và tăng 5 đồng chiều bán ra.

Ngân hàng Eximbank niêm yết tỷ giá USD/VND ở mức 22.360 – 22.450 đồng/USD (mua vào – bán ra), điều chỉnh tăng 60 đồng chiều mua vào và tăng 50 đồng chiều bán ra. Ngân hàng BIDV niêm yết tỷ giá USD/VND ở mức mua vào là 22.370 đồng/USD, bán ra là 22.450 đồng/USD, điều chỉnh tăng 60 đồng chiều mua vào và tăng 50 đồng chiều bán ra…

Trên thị trường tự do tại Hà Nội, đồng USD được giao dịch ở mức 22.350- 22.400 đồng/USD. Với mức niêm yết này, cặp tỷ giá USD/VND đã tiếp tục điều chỉnh tăng với biên độ rộng.

Trước đó, tỷ giá giữ đồng bạc xanh và VND đã có những ngày biến động hiếm có, khi các nhà băng liên tục giảm giá mua vào theo từng giờ giao dịch.

Ví dụ trong ngày 8/10, chỉ trong 1 buổi sáng, USD đã bị down (hạ) xuống tới 220 đồng so với mức đóng cửa phiên liền trước. Đó là mức sụt giảm chưa từng thấy trong nhiều năm qua, chỉ trong vòng ba giờ giao dịch, với mức thấp nhất ghi nhận 1 USD chỉ còn 22.160 VND. Điểm đáng chú ý là chênh lệch giữa giá bán ra - mua vào đã doãng rộng tới 100 - 170 VND, khoảng cách thường chỉ có ở thời điểm thị trường biến động mạnh, giá giảm quá sâu và nhanh khiến các ngân hàng thận trọng trước rủi ro.

Đi tìm nguyên nhân của sự giảm giá của đồng USD trong tuần trước, Công ty chứng khoán Bảo việt (BVSC) cho rằng có hai nguyên nhân chính: Quyết định giảm trần lãi suất huy động ngoại tệ và Thông tư 15/2015/TT-NHNN. “Đà lao dốc của tỷ giá trong tuần qua được cho là xuất phát từ hai nguyên nhân chính.

Một là quyết định giản trần lãi suất huy động USD xuống mức 0% và 0,25% đối với tổ chức kinh tế và cá nhân bắt đầu phát huy tác dụng.

Lãi suất USD giảm giúp VND hấp dẫn hơn.

Thứ 2 là Thông tư số 15/2015/TTNHNN ban hành ngày 5/10 với một vài quy định mang tính kỹ thuật đã giúp hạn chế việc găm giữ ngoại tệ”, BVSC nhận định.

Trước sự biến động này của USD, các chuyên gia cho rằng dù USD đã đảo chiều tăng, nhưng xu hướng thị trường cho thấy VNĐ đang “lên giá”. Bên cạnh 2 nguyên nhân nội tại, còn có nguyên nhân khách quan là giá trị đồng USD sụt giảm trên thị trường thế giới trong tuần qua.

Hãng tin AFP thống kê cho rằng, đồng USD đang tiếp tục giảm giá so với một số đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi, khi những đồn đoán về khả năng Mỹ sớm tăng lãi suất đang có xu hướng lắng xuống.

AFP dẫn số liệu tại thị trường châu Á, các đồng bản tệ như đồng Rupiah của Indonesia, đồng Rupee của Ấn Độ, đồng Peso của Philippines, đồng Won của Hàn Quốc… đang tăng giá khá mạnh so với đồng USD.

Với thực tế hiện nay, khi giới phân tích đưa ra dự đoán và đặt cược vào khả năng Mỹ sẽ lùi thời điểm tăng lãi suất sang năm 2016, tâm lý găm giữ đồng USD đã phần nào bị suy giảm và niềm tin quay trở lại các nền kinh tế mới nổi.

Bởi vậy, dù đã có sự phục hồi trở lại so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt, nhưng USD vẫn đối mặt với xu hướng sụt giảm trên thị trường khu vực và thế giới. Điều này sẽ “kích” đồng bản tệ của các nước mới nổi, trong đó có VND của Việt Nam lên giá.

Nhóm PV
.
.