Du lịch Việt thua đau trên sân nhà

Thứ Năm, 28/05/2015, 08:22
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam liên tục giảm trong thời gian qua, cộng với du lịch nội địa phát triển không bền vững đã trở thành vấn đề “nóng” của ngành Du lịch tại hội thảo "Những giải pháp cấp bách thúc đẩy du lịch Việt Nam tăng trưởng" do Hiệp hội Du lịch tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Tại hội thảo đã đề ra những nhóm giải pháp cho du lịch Việt Nam khi lượng khách quốc tế vào Việt Nam trong 11 tháng (từ tháng 6/2014 đến tháng 4/2015) giảm liên tiếp so với cùng kỳ. Theo báo cáo tại hội nghị tốc độ tăng trưởng khách giai đoạn 2010-2015, chỉ trong 4 tháng đầu năm tăng trưởng âm -12,8%. Tốc độ tăng trưởng giảm dần từ 34,8% năm 2010 đến 2014 đạt có 4%. Trong khi đó, khách nội địa tăng trung bình 10% năm.

Lý giải một số nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian qua, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, nguyên nhân đến từ nhu cầu đi du lịch giảm do tình hình kinh tế thế giới, bất ổn khu vực. Trong đó, một chính sách mới làm khó cho thu hút khách du lịch như chế độ visa mới, bỏ Transit, siết lại du lịch tàu biển… nên khách du lịch còn khá “ngần ngại” khi đến Việt Nam.

Theo ông Vũ Thế Bình, đến thời điểm hiện tại Việt Nam mới chỉ miễn visa cho 16 quốc gia, trong khi đó các quốc gia láng giềng của Việt Nam là Thái Lan đã miễn visa cho 66 quốc gia, Lào miễn visa cho 40 quốc gia, Malaysia miễn visa cho 155 quốc gia. Bên cạnh đó, còn có các nguyên nhân đến từ chính ngành Du lịch Việt Nam, trong đó công tác xúc tiến du lịch còn thiếu chuyên nghiệp, thiếu nguồn lực đầu tư cho xây dựng sản phẩm du lịch và hỗ trợ nguồn nhân lực du lịch.

Trong khi khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đang suy giảm, tỷ lệ người Việt Nam đi du lịch nước ngoài lại tăng trưởng khá nhanh (khoảng 10%/năm). Riêng trong năm 2014, khách Lào sang Việt Nam là 136.636 lượt khách thì người Việt Nam sang Lào du lịch cao hơn gấp  nhiều lần là 910.164 lượt, tỷ lệ chênh lệch outbound (khách quốc tế vào Việt Nam)/inbound (khách Việt Nam ra nước ngoài) là 6,66%; tương tự, tỷ lệ này đối với Campuchia là 2,24% và Thái Lan là 2,26%, nghĩa là khách Việt Nam đi du lịch ở quốc gia này luôn cao hơn du khách nước bạn sang Việt Nam.

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thừa nhận: Khách du lịch nội địa là mảng thị trường quan trọng và ngày càng khẳng định vai trò then chốt đối với ngành Du lịch. Tuy nhiên, khi lượng khách càng tăng thì ngành Du lịch càng bộc lộ những điểm yếu đã tồn tại từ lâu như “chặt chém”, ép giá du khách…

Thực tế, ngành Du lịch đã triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo môi trường du lịch, bình ổn giá cả, yêu cầu các địa phương công khai mức giá, kiểm soát chất lượng dịch vụ, nhưng vào mùa cao điểm, dường như những giải pháp đó không thể phát huy hiệu quả triệt để.

Đứng trước thực trạng này, nhiều chuyên gia du lịch tỏ ra lo ngại du lịch Việt sẽ đánh mất niềm tin ngay cả với “người nhà” khi hiện nay xu hướng người Việt đi du lịch nước ngoài ngày càng phổ biến bởi giá cả và chất lượng dịch vụ được đảm bảo hơn. Những điểm đến outbound (khách Việt đi nước ngoài) thu hút đông du khách Việt ở thời điểm này là Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc và ngay cả những quốc gia vốn được xem là lép vế hơn Việt Nam về du lịch như: Campuchia, Myanmar, Phillippines, Lào …

Ông Vũ Thế Bình kiến nghị Chính phủ có cơ chế miễn lệ phí visa cho tất cả khách quốc tế vào Việt Nam trong 6 tháng từ tháng 7/2015 đến hết tháng 12/2015. Bên cạnh đó vị này kiến nghị Chính phủ miễn thuế VAT một năm cho DN du lịch tham gia chương trình kích cầu du lịch (từ tháng 7/2015 đến tháng 6/2016), cho phép nộp chậm một năm đối với thuế thu nhập DN của các DN này.

Lưu Hiệp
.
.