“Gỡ” vốn cho doanh nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Sáu, 15/09/2023, 16:32

Chiều 15/9, tại TP Cần Thơ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức Hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng chiến lược quan trọng, có nhiều sản phẩm xuất khẩu như lúa gạo, thủy sản, trái cây… mang lại nguồn ngoại tệ lớn. Đây là khu vực phát triển rất năng động, đã và đang triển khai nhiều giải pháp có tính khu vực lan tỏa mạnh mẽ, ứng dụng khoa học công nghệ cho ĐBSCL cùng với giải pháp của Chính phủ để giải quyết vấn đề môi trường, hạ tầng giao thông, quy hoạch phát triển điện gió, điện khí… Rất nhiều giải pháp vĩ  mô đã được đưa ra để tạo điều kiện phát triển khu vực này.

Xác định đây là địa bàn quan trọng, NHNN đã có nhiều cơ chế chính sách riêng đẩy mạnh tín dụng cho ĐBSCL thời gian qua, tập trung vào lúa gạo, thủy hải sản. Trong qua trình tổ chức điều hành, ngoài chỉ đạo nghiệp vụ, NHNN cũng  chỉ đạo các ngân hàng thương mại có trách nhiệm cộng đồng, trách nhiệm phát triển khu vực này. Hàng năm, bao giờ cũng có hội nghị trực tiếp với ĐBSCL để giải quyết vấn đề tín dụng, tiền tệ.

“Gỡ” vốn cho doanh nghiệp: Cần sự nỗ lực từ 2 phía -0
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị.

"NHNN luôn coi nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên để điều hành tập trung tín dụng, khuyến khích TCTD cho vay để đáp ứng vốn từ khâu sản xuất - chế biến - thu mua - tiêu thụ; chỉ đạo TCTD thường xuyên rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa sản phẩm tín dụng, chủ động làm việc trực tiếp với khách hàng để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn", bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) thông tin.

Tuy nhiên, hiện nay, tình hình kinh tế trong nước và thế giới còn gặp nhiều khó khăn. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, tính tới ngày 31/8, tín dụng nền kinh tế mới tăng 5,56% (cùng kỳ tăng 9,88%). Doanh nghiệp đã ngấm khó khăn, song chưa ai có thể trả lời được khó khăn đã chạm đáy hay chưa. ĐBSCL là địa bàn chiến lược quan trọng, được NHNN quan tâm và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ riêng, song tín dụng khu vực này từ đầu năm đến nay chỉ tăng 5,3%.

Trong bối cảnh này, đẩy mạnh bơm tín dụng ra nền kinh tế là vấn đề được Chính phủ quan tâm. Tuy vậy, để có thể thúc đẩy tín dụng, cần có sự tháo gỡ từ hai phía.

Từ phía doanh nghiệp, đầu tiên là phải gỡ khó về thị trường tiêu thụ, về tạm trữ… để doanh nghiệp có thể tiếp tục sản xuất kinh doanh, từ đó có nhu cầu vay vốn. Bởi ngân hàng không thể cho vay nếu doanh nghiệp cứ “xua tay” không cần vốn, vì vay cũng không để làm gì trong thời điểm này.

Ở góc độ vĩ mô, nhiều vấn đề gỡ khó cho doanh nghiệp cần bàn tay của Chính phủ như câu chuyện xúc tiến thị trường, thúc đẩy hợp tác chiến lược với các nước… Ngoài ra, cần tháo gỡ khó  về mặt pháp lý cho doanh nghiệp bất động sản. Hiện nay, với nhiều dự án bất động sản, ngân hàng sẵn vốn nhưng không thể giải ngân vì thiếu pháp lý.

Đương nhiên, phía ngân hàng cũng phải tích cực phát huy vai trò chủ động, giảm thêm lãi vay và đơn giản hóa thủ tục để hỗ trợ khách hàng. Theo Phó thống đốc, trước đây vẫn có tình trạng một số ngân hàng thương mại chậm giảm lãi vay song hiện nay, không còn ngân hàng nào không giảm lãi suất nếu không muốn mất khách hàng. Việc NHNN cho phép khách hàng vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác đã tạo sức ép khiến các ngân hàng cạnh tranh về lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. 

Dù nỗ lực đẩy mạnh dòng chảy tín dụng, song Phó thống đốc Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh, “Không thể ném tiền qua cửa sổ, dẫn tới mất vốn, mất an toàn của các tổ chức tín dụng. Bởi nguồn cho vay của các ngân hàng là tiền huy động của dân, phải trả lại cho người dân. Vì vậy, ngân hàng có thể giãn, hoãn nợ để hỗ trợ doanh nghiệp song không phải là cấp phát, cho vay vẫn phải thu hồi được nợ”.

Còn từ phía doanh nghiệp, ngoài nâng cao năng lực quản trị, tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực nh tranh, thì để tiếp cận với vốn ngân hàng, cần xây dựng phương án kinh doanh có hiệu quả, dự đoán và cân đối quy mô, chiến lược phát triển, có phương án dự phòng, tránh bị động, khi có hợp đồng lại bị thiếu vốn…

Với riêng ĐBSCL, NHNN cho biết tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, gắn việc đầu tư tín dụng ngân hàng để thực hiện các chương trình, dự án theo quy hoạch của từng địa phương và cả vùng ĐBSCL. Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao); các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu)...

Hà An
.
.