Khai thác hiệu quả lợi thế vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai

Thứ Hai, 30/10/2023, 08:22

Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (Thừa Thiên Huế) là vùng đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á. Nhiều năm qua, chính quyền địa phương và các cơ quan bộ, ngành Trung ương đã nghiên cứu xây dựng, triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng vùng đầm phá Tam Giang, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, du lịch địa phương.

Những ngày cuối tháng 10/2023, người dân vùng ven phá Tam Giang thuộc huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) vui mừng khi các đơn vị đang triển khai khảo sát địa chất công trình, khoan lấy mẫu thí nghiệm nhằm xây dựng các phương án chuẩn bị triển khai thực hiện dự án cầu vượt phá Tam Giang nối thị trấn Phú Đa với xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang. Đây là dự án có tổng kinh phí dự kiến hơn 1.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Dự án cầu vượt này có chiều dài toàn tuyến khoảng 3km, bao gồm cầu qua phá Tam Giang dài khoảng 1,4km; rộng 15,5m và đường dẫn hai đầu cầu khoảng 1,6km.

Khaithac_2-1698628952035.jpg
Người dân xã Quảng Lợi khai thác dừa nước trồng trên đầm phá Tam Giang.

Trò chuyện cùng PV Báo CAND, ông Nguyễn Văn Lợi (SN 1960, ở thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang) cho biết do bị ngăn cách bởi đầm phá Tam Giang rộng lớn nên người dân đi từ thị trấn Phú Đa đến các xã ven biển trên địa bàn huyện đều phải theo hướng tỉnh lộ 10D đến tỉnh lộ 18 qua cầu Trường Hà hoặc tỉnh lộ 10A đi QL49A qua cầu Thuận An. Tuy nhiên do tuyến đường hai hướng này đều nhỏ hẹp, qua khu vực đông dân cư dẫn đến giao thông kết nối hai bờ Đông - Tây phá Tam Giang không thuận lợi. Việc đi lại, trao đổi mua bán hàng hóa, nông sản của người dân gặp nhiều trở ngại, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, nhất là ngành du lịch.

Theo lãnh đạo UBND huyện Phú Vang, các xã ven biển như Vinh Xuân, Phú Diên... đi đến UBND huyện Phú Vang khoảng 15km, trong khi đó theo đường thẳng qua phá Tam Giang chỉ khoảng 3km. Vì thế khi tỉnh Thừa Thiên Huế có chủ trương đầu tư xây dựng cầu vượt qua phá Tam Giang thì người dân ở địa phương rất phấn khởi. Cầu vượt qua phá Tam Giang sau khi hoàn thành sẽ giúp địa phương khai thác tốt tiềm năng, lợi thế trên vùng đầm phá này.

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trải dài từ cửa sông Ô Lâu đến cửa biển Tư Hiền với diện tích hơn 22.000ha. Theo thống kê, hiện có khoảng 300.000 cư dân sinh sống xung quanh vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Phần lớn người dân lấy nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản trên đầm phá để mưu sinh, chỉ một bộ phận nhỏ người dân sống dựa vào khai thác du lịch đầm phá. Tại địa bàn huyện Quảng Điền, thời gian qua, chính quyền cùng với người dân địa phương đã mạnh dạn triển khai thực hiện nhiều giải pháp để khai thác lợi thế do đầm phá Tam Giang mang lại.

Ông Phan Đăng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi cho biết, ngoài khai thác, đánh bắt thủy sản, hiện người dân ở địa bàn xã đã mở rộng diện tích trồng rừng ngập mặn trên đầm phá Tam Giang lên hàng chục héc ta với các loại cây sú, đước, bần chua, dừa nước. Những cánh rừng ngập mặn xanh tốt không những tạo vành đai chắn sóng, chắn gió, làm nơi trú ẩn, bãi đẻ của tôm, cá mà người dân còn biết cách “biến” rừng dừa nước thành điểm du lịch hấp dẫn lôi cuốn du khách. Bên cạnh đó, lá cây dừa nước được khai thác phục vụ nghề đan lát truyền thống. Những sản phẩm thủ công như nón lá, túi xách, hàng lưu niệm được làm từ lá dừa nước được du khách rất ưa chuộng.

Theo ông Trần Quốc Thắng, Bí thư Huyện ủy Quảng Điền, toàn huyện có diện tích mặt nước đầm phá hơn 2.200ha. Phát triển du lịch đầm phá là một trong những chủ trương, định hướng lớn trong phát triển kinh tế, xã hội của huyện giai đoạn 2020-2025 với quyết tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện từ nông nghiệp dần sang công nghiệp và dịch vụ, du lịch. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, huyện đang tiếp tục kêu gọi tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp đến đầu tư khai thác du lịch đầm phá. Đồng thời, huyện sẽ hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông, kết nối các tua tuyến để thu hút du khách đến địa phương.

Để phát huy tiềm năng vùng đầm phá lớn nhất Đông Nam Á, mới đây HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông qua đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2030”. Phạm vi không gian thực hiện đề án gồm 44 đơn vị cấp xã thuộc TP Huế và các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang và Phú Lộc thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Đề án này sẽ xây dựng vùng Tam Giang - Cầu Hai trở thành vùng động lực phát triển cụm ngành kinh tế biển Trung Trung Bộ; đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển phát triển mạnh của cả nước, tiến tới thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á; phát triển hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trở thành công viên đầm phá Quốc gia có vùng đất ngập nước, khu dự trữ môi trường sinh quyển có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương khẳng định, đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai nhằm kết nối kinh tế biển, du lịch biển, khơi dậy tiềm năng kinh tế biển, đầm phá. Trong đó quan trọng là giải pháp huy động nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng ven đầm phá. Vì thế dựa trên nội dung đề án, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ đề xuất Chính phủ cho phép áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Anh Khoa
.
.