Khai thác thị trường “ngách” từ nguồn nông sản bản địa

Chủ Nhật, 11/09/2022, 07:30

Triển vọng xuất khẩu (XK) sản phẩm mít non với giá trị tăng cao hơn mít tươi là bằng chứng cho thấy, việc thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới đối với sản phẩm thịt thực vật. Có thể thu được kim ngạch XK lớn từ thị trường thịt thực vật, thực phẩm chay, sữa thực vật, đạm thực vật, nếu các doanh nghiệp (DN) Việt chịu khó tìm tòi, sáng tạo từ nguồn nông sản bản địa để không bỏ lỡ cơ hội XK vào thị trường “ngách”…

Theo đó, thịt thực vật với nguyên liệu đơn thuần là các loại thực vật hiện đang là xu hướng của người tiêu dùng (NTD) không chỉ trong nước mà của thế giới. Trong khi đó, nông sản nhiệt đới của Việt Nam rất đa dạng, là nguồn nguyên liệu vô cùng phong phú để chế biến các sản phẩm chay, sản phẩm thịt thực vật cung ứng cho thị trường nội địa và XK. Thế nhưng, hiện nay phân khúc này vẫn còn bỏ ngỏ, chưa được các DN tập trung khai thác mạnh.

4-2.jpg -0
Doanh nghiệp cần tận dụng sáng tạo nguồn nông sản bản địa để khai thác hiệu quả XK.

Tại thị trường trong nước, để sản phẩm thịt thực vật tiếp cận với NTD, đầu năm 2020, Công ty TNHH thương mại dịch vụ Biển Phương (TP Hồ Chí Minh) đã mang sản phẩm đến tham gia một số hội chợ thương mại ở ĐBSCL và đến siêu thị để NTD sử dụng thử sản phẩm, để lắng nghe ý kiến đóng góp của khách hàng, từ đó DN mới xác định được hướng đi mới phù hợp. Năm 2021, DN đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm thịt thực vật với nguyên liệu 100% thực vật, đáp ứng được đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng, khẩu vị của NTD như: Chả chay, viên thả lẩu bách hoa chay, chả cá chay, chả nấm chay… Hiện, sản phẩm của DN không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn XK sang thị trường Campuchia.

Tại thị trường Bắc Âu, các sản phẩm thân thiện môi trường, đặc biệt là sản phẩm mít non đóng hộp đang rất được thị trường này ưa chuộng. Về XK mít non, theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), đây là một loại sản phẩm có tiềm năng khai thác rất lớn. Tại nhiều quốc gia, mít non được biết đến là một trong những loại nguyên liệu được ưa chuộng để làm thịt thực vật. Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19, nhu cầu tiêu thụ đối với thịt thực vật tăng cao khiến các nhà sản xuất tích cực đa dạng hóa nguồn nguyên liệu cho sản phẩm, trong đó có nguồn nguyên liệu mít non.

Theo chuyên gia của BSA, nhu cầu sử dụng mít non làm nguyên liệu cho các sản phẩm thực phẩm có tiềm năng lâu dài và có thể còn lớn hơn tiềm năng khai thác được từ mít tươi. Giá mít tươi XK trong 8 tháng đầu năm nay vào khoảng 0,4 – 0,42 USD/kg, tương đương 9.000 – 10.000 đồng/kg, nếu theo điều kiện DAF (giao hàng tại biên giới) có thời điểm đến 0,53 – 0,55 USD/kg, tương đương 12.000 – 13.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá mít non XK trung bình khoảng 2 – 2,1 USD/kg, tương đương 23.000 – 25.000/kg.

Để tiếp cận với xu hướng tiêu dùng mới này, ngay tại cuộc thi “Dự án Khởi nghiệp nông nghiệp – đổi mới sáng tạo” do BSA phối hợp cùng Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức trong tháng 9/2022 cũng có nhiều dự án khởi nghiệp được đánh giá cao, có nhiều cơ hội vào chung kết, như: Dự án “Các loại sản phẩm thay thế thịt có nguồn gốc thực vật từ đồng bằng sông Cửu Long, dự án “Sữa thực vật”…

Anh Nguyễn Hoàng An (An Giang) - chủ cơ sở sản xuất sữa thực vật cho biết, cơ sở của anh đã sản xuất ra các dòng sản phẩm sữa thực vật gồm: Sữa gạo lứt, sữa gạo Nhật Bản, sữa vị trái cây, mỗi ngày bán ra thị trường từ 8.000 - 16.000 chai sữa các loại. Thời gian tới, cơ sở sản xuất của anh sẽ phát triển thêm các dòng sản phẩm mới như sữa xoài, sữa mãng cầu, sữa nha đam…

Triển vọng của thị trường sữa thực vật được cho là khá tiềm năng để các DN Việt khai thác từ nguồn nguyên liệu nông sản trong nước. Theo báo cáo của Research&Market, sữa thực vật được dự đoán sẽ đạt mức tăng trưởng kép 10,18% và doanh thu khoảng 21,52 tỷ USD vào năm 2024. Đi đầu cho xu hướng tiêu dùng này có thể kể đến Mỹ, châu Âu, châu Á. Riêng thị trường châu Á, khi ngày có càng nhiều người châu Á chú trọng đến nguồn thịt, sữa, đạm có nguồn gốc từ thực vật nên các DN Việt cần nỗ lực phát triển các sản phẩm phù hợp hơn với khẩu vị của họ. Nhất là khi các DN ở Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với các công ty quốc tế nhờ khả năng nội địa hóa sản phẩm, tận dụng tốt nguồn nông sản bản địa.

Tận dụng nguồn nông sản bản địa, ngoài chế biến các sản phẩm thịt thực vật, sữa thực vật, đạm thực vật… thì việc các DN tận dụng các loại phụ phẩm để XK cũng mang về giá trị lớn.

T.Hà - T.Giang
.
.