Không để “đồng tiền dễ dãi”

Thứ Sáu, 21/07/2023, 08:33

Tại tọa đàm “Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới”, được Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 20/7, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần tập trung dòng tiền vào các lĩnh vực ưu tiên.

Ngay từ tháng 10 năm ngoái, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra chủ trương chuyển chính sách tiền tệ từ "chặt chẽ" trước đó sang "chắc chắn" và đến nay, tiếp tục chuyển sang "linh hoạt, nới lỏng hơn". Các chuyên gia nhận định chủ trương này sát với tình hình cả quốc tế và trong nước.

Không để “đồng tiền dễ dãi” -0
Chính sách tiền tệ chuyển sang linh hoạt hơn, nới lỏng hơn.

“Chúng ta đã có những điều chỉnh về mặt chính sách kinh tế vĩ mô nói chung và chính sách tiền tệ nói riêng phù hợp với bối cảnh, với thời điểm và mức độ. Lúc này, chúng ta cần thay đổi chính sách phù hợp để phục hồi và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Mặc dù vậy, chúng ta nới lỏng nhưng linh hoạt, tức là vẫn bảo đảm mục tiêu ổn định được kinh tế vĩ mô. Cuối cùng là phối hợp đồng bộ hơn với các chính sách khác, trong đó có chính sách tài khóa, giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thì chúng ta mới bảo đảm được thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra”, TS Cấn Văn Lực nhận định.

Cũng chung quan điểm, Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 6 của Chính phủ phù hợp với cả bối cảnh của Việt Nam và thời điểm.

“Trong Nghị quyết lần này, đầu tiên là sự rõ ràng về mặt thông tin. Chính phủ chỉ đạo rất rõ ràng, có rất nhiều con số. Ở đây chúng ta nhìn thấy, thứ nhất là "nới lỏng", "linh hoạt" được sử dụng thay cho "chặt chẽ", "chắc chắn". Thứ hai, phấn đấu giảm ít nhất khoảng 1,5-2% lãi suất đã có. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cũng đã được xác định. Rõ ràng cái này rất cần thiết cho xã hội. Chúng ta cũng nhìn thấy ở đây nữa là dư địa, ta gọi là tính lâu dài ổn định của chính sách, đã bắt đầu xuất hiện. Lần này chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã được xác định ít nhất là cho đến cuối năm nay, những thông điệp đưa ra vừa có tính rõ ràng vừa có thời hạn nào đó về mặt thời gian, về dài hạn để doanh nghiệp có thể tiên liệu trước được, chuẩn bị các kịch bản, kế hoạch sản xuất kinh doanh. Ngoài việc nới lỏng chính sách tiền tệ, Chính phủ cũng nêu đến việc gia cố sự an toàn của hệ thống ngân hàng, xử lý dứt điểm những vấn đề phát sinh, rồi củng cố nền tảng của ngân hàng. Thậm chí có những giải pháp, tôi lấy ví dụ như rất thận trọng trong cung cấp tiếp tín dụng cho một số đối tác đang có dư nợ tín dụng trước đây. Như vậy, rõ ràng là lần này Nghị quyết xử lý rất phù hợp nhưng đồng thời có rất nhiều điểm thay đổi trong điều hành chính sách. Ở đây tôi nhấn mạnh là "cụ thể, rõ ràng, có thể tiên liệu trước được và đồng bộ, vừa tiền tệ vừa kết hợp yếu tố để đảm bảo an toàn”, ông Hiếu phân tích

Đặt vấn đề nới lỏng hơn không có nghĩa là buông lỏng, theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, mặc dù lạm phát ở nước ta được kiểm soát rất tốt trong thời gian qua, song có nhận định cho rằng trong bối cảnh tình hình còn có những diễn biến phức tạp, sức ép lạm phát còn lớn, việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với vấn đề kiểm soát lạm phát, cũng như liên quan tới nợ xấu và an toàn hệ thống. Liệu đây có phải là vấn đề đáng lo ngại không và các cơ quan chức năng cần làm gì để thực hiện hiệu quả việc nới lỏng hơn tiền tệ, vừa kiểm soát được tốt lạm phát theo mục tiêu, vừa thúc đẩy tăng trưởng? Chia sẻ góc nhìn về vấn đề này, TS Võ Trí Thành cho rằng ổn định kinh tế vĩ mô là quan trọng nhưng hiện nay bối cảnh tạo điều kiện cho chúng ta có những chuyển hướng chính sách, cả về chính sách tài khóa và tiền tệ mà về cơ bản, hướng vào việc hỗ trợ tăng trưởng.

“Ví dụ, chúng ta nói đến nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất, tăng cung tiền. Đối với chính sách tài khóa, có điểm khác biệt là vấn đề liều lượng, là tương quan giữa rủi ro và liều lượng (liều lượng quá mức thì tăng rủi ro). Thế nhưng, hiện nay chúng ta đều thống nhất là chính sách tài khóa có dư địa còn khá lớn, nhất là lĩnh vực đầu tư công "có tiền mà không tiêu được". Vừa qua, Thủ tướng có nêu rõ mục tiêu giải ngân hơn 710.000 tỷ đồng đầu tư công trong năm nay là phấn đấu đạt 95%. Về nợ công so với mức trần mà Quốc hội đề ra thì hiện nay dư địa còn lớn. Đối với chính sách tiền tệ, câu chuyện liều lượng bao nhiêu là vừa thì hiện còn nhiều ý kiến khác nhau. Chính sách tiền tệ có thể nới lỏng nhưng về nguyên tắc quản trị thì không thể để "đồng tiền dễ dãi". Chúng ta còn dư địa hạ lãi suất nhưng mà tính toán con số hạ 1-1,5 điểm phần trăm có một số lý do”, ông Thành phân tích.

Theo vị chuyên gia này, thứ nhất, nới lỏng chính sách tiền tệ để vừa đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng, đồng thời vẫn kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu đề ra. Thứ hai là liên quan đến tỉ giá. Thứ ba, trong bất cứ tình huống nào cũng phải bảo đảm an toàn hệ thống. Bên cạnh thanh khoản, nếu đồng tiền trở lên dễ dãi thì mục tiêu hướng đến thúc đẩy tăng trưởng, sản xuất kinh doanh có thể bị ảnh hưởng khi dòng tiền này không đổ vào sản xuất kinh doanh mà "đi chơi tài sản tài chính" – điều này nếu diễn ra quá mức thì sẽ trở thành vấn đề.

“Tôi xin khẳng định lại là còn dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ lãi suất. Lãi suất không phải liều thuốc vạn năng mặc dù rất quan trọng, mà cần kết hợp với nhiều chính sách khác như kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ người lao động, kích cầu du lịch, đầu tư công, giải quyết khó khăn cho xuất khẩu; tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn”, ông Thành nói.

Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh điều hành chính sách tiền tệ dứt khoát phải vào 5 lĩnh vực ưu tiên, bao gồm xuất khẩu, nông nghiệp, công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, tập trung vào 3 động lực tăng trưởng của nền kinh tế, có trọng tâm, trọng điểm; tiếp đến là lĩnh vực đầu tư, đặc biệt liên quan đến đầu tư xây dựng và bất động sản, trong đó có nhà ở xã hội hoặc là nhà ở; cùng với đó, phải hướng vào tiêu dùng… 

Hà An
.
.