Lao động thất nghiệp "bỏ quên" quyền lợi học nghề

Chủ Nhật, 24/03/2024, 07:51

Dù học miễn phí nhưng tỷ lệ lao động thất nghiệp tham gia học nghề lại rất thấp thời gian qua. Đa số người lao động chỉ tập trung vào việc làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp mà "bỏ quên" quyền lợi học nghề.

Theo con số của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, 2 tháng đầu năm 2024 có 8.729 người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cùng với số hồ sơ chưa giải quyết xong trước đó, 2 tháng đầu năm đã có 10.741 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thế nhưng con số đáng chú ý là chỉ có 117 người có quyết định học nghề.

Dù học miễn phí nhưng tỷ lệ lao động thất nghiệp tham gia học nghề lại rất thấp thời gian qua. Đa số người lao động chỉ tập trung vào việc làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp mà "bỏ quên" quyền lợi học nghề.

Lao động thất nghiệp
Dù học miễn phí nhưng tỷ lệ lao động thất nghiệp tham gia học nghề lại rất thấp thời gian qua.

Vì sao lao động không quan tâm học nghề

Hàng ngày, luôn có hàng trăm lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội để làm hồ sơ đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Đa số đều là lao động phổ thông, thế nhưng khi nghe nhân viên trung tâm tư vấn việc học nghề thì đa số họ lại từ chối. Theo Luật Bảo hiểm xã hội về trợ cấp thất nghiệp, người lao động trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được hỗ trợ học nghề sơ cấp, chi phí học nghề do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả trực tiếp cho đơn vị dạy nghề. Thế nhưng tại sao, người lao động lại không học nghề để có thể mở rộng cơ hội tìm việc làm?

Lý giải cho việc không học nghề của mình, anh Nguyễn Văn Quyết (phường Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, danh mục nghề ít, nghề muốn học lại không có nên gần như không có lựa chọn. Một nghề cũng có thể học là nghề sửa xe máy nhưng lại có quá ít người đăng ký. Nhân viên tư vấn cho biết, cứ đăng ký trước khi nào có đủ người đăng ký, xếp đủ lớp thì trung tâm sẽ gọi. Việc chờ đợi có thể sẽ lâu nên anh quyết định không học.

"Khi làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tôi cũng được nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tư vấn nhiệt tình về việc học nghề. Tuy nhiên, danh mục nghề không mang tính cập nhật, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường việc làm. Thêm nữa là khi đi học thì người ta cũng phải ăn uống sinh hoạt, đi lại. Trong khi việc hỗ trợ chỉ dừng lại ở học phí khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Việc hỗ trợ chỉ trong vài tháng mà thấp như thế thì những người ở xa địa điểm học sẽ rất khó", anh Quyết chia sẻ.

Theo con số của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, số lao động tham gia học nghề rất thấp. Năm 2021 là 558 người, năm 2022 là 1.117 người, năm 2023 là 487 người và 2 tháng đầu năm 2024 chỉ có 36 người. Các ngành nghề chủ yếu được người lao động lựa chọn đăng ký học là: Kỹ thuật nấu ăn, Kỹ thuật pha chế đồ uống, Lái xe ôtô hạng B2 và C, Tin học văn phòng, Làm bánh ngọt và một số ngành nghề khác. "Năm 2021, số lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 63.170 người, năm 2022 tăng lên thành 72.546 người, năm 2023 là 85.616 người và 2 tháng đầu năm 2024 có 8.729 người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nếu tính trên tỷ lệ người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo từng năm thì số lao động đăng ký học nghề ngày càng có xu hướng giảm và giảm rất sâu", Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Thị Thanh Liễu cho biết.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam, do tình hình kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn nên vấn đề lao động việc làm vẫn luôn là vấn đề "nóng", cần tập trung nhiều giải pháp căn cơ để giải quyết.

Ông Nam cho rằng, số lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp có xu hướng tăng liên tiếp trong 3 năm vừa qua đã phản ánh rất rõ điều đó. "Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội cũng có những quy định rất rõ về việc hỗ trợ lao động thất nghiệp học nghề. Đây là các chính sách rất tốt và nhân văn, thế nhưng điều đáng tiếc là số người quan tâm học nghề lại chưa cao. Nguyên nhân là do sự không thiết tha của người lao động hay công tác thông tin truyền thông chưa tới được người lao động, cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc mức kinh phí đào tạo còn thấp là vấn đề chúng tôi đang triển khai đánh giá để có các giải pháp cụ thể", ông Nguyễn Tây Nam nói.

Nâng trợ cấp, điều chỉnh danh mục đào tạo

Theo con số của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, từ 2015 đến nay, trung bình cả nước mỗi năm chỉ có hơn 28 nghìn lao động thất nghiệp tham gia học nghề. Chiếm 4% số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, một con số rất thấp. Nguyên nhân theo các chuyên gia là việc hỗ trợ học nghề còn thấp. Theo quy định hiện nay, điều 49, Luật Việc làm quy định ngoài trợ cấp thất nghiệp, người lao động đủ điều kiện còn được hỗ trợ chi phí học nghề.

Cụ thể, chi phí hỗ trợ học nghề tối đa 4,5 triệu đồng/khóa học với các nghề nghiệp có thời gian học dưới 3 tháng. Với những nghề nghiệp có thời gian học trên 3 tháng sẽ được hỗ trợ tối đa 1,5 triệu đồng/tháng nhưng không quá 6 tháng. Tiền hỗ trợ này sẽ được chuyển cho các cơ sở đào tạo. Nếu người lao động ở xa thì phải thêm các chi phí ăn ở, sinh hoạt và đi lại nữa, rất lớn. Chính vì thế rất khó để thu hút được lao động thất nghiệp tham học nghề.

Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Vũ Trọng Bình cho biết, trên cơ sở thực tiễn, giai đoạn 2015 - 2023, cả nước có 256.350 người được hỗ trợ học nghề, bình quân 28.483 người/năm. Chế độ hỗ trợ học nghề theo quy định của Luật Việc làm mới chỉ tập trung giải quyết được nhu cầu học nghề cho người thất nghiệp mà chưa có giải pháp hỗ trợ cho người lao động được đào tạo, phát triển kỹ năng nghề hoặc nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Đồng thời, mức hỗ trợ học nghề còn tương đối thấp, chỉ hỗ trợ học phí học nghề, chưa có các hỗ trợ khác trong thời gian học nghề (chi phí ăn ở, đi lại …) dẫn đến khó khăn trong việc tham gia học nghề nhất là với những người cư trú xa cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

"Do đó, dự thảo Luật Việc làm sửa đổi lần này đã sửa đổi chế độ hỗ trợ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động theo hướng mở rộng phạm vi hỗ trợ, không chỉ hỗ trợ người lao động tham gia khóa đào tạo nghề mà cả các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Cùng với đó, dự thảo luật cũng bổ sung nội dung hỗ trợ (tiền ăn) cho người lao động trong thời gian tham gia đào tạo mà không hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đây là những thay đổi lớn về mặt chính sách để hỗ trợ và thu hút người lao động tham gia học nghề chuyển đổi công việc", ông Bình cho biết.

Phan Hoạt
.
.