Liên kết phát triển tiểu vùng Bắc Trung bộ trong bối cảnh mới

Thứ Hai, 15/08/2022, 06:40

Ngày 12/8 vừa qua, tại TP Đồng Hới, Quảng Bình, lãnh đạo các tỉnh tiểu vùng Bắc Trung bộ gồm Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị đã tổ chức tọa đàm “Liên kết phát triển tiểu vùng Bắc Trung bộ trong bối cảnh mới”.

Tham dự buổi tọa đàm có đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các tỉnh vùng Bắc Trung bộ; đại diện một số ban, bộ, ngành Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập Đề án; một số viện, trường, chuyên gia, nhà khoa học…

Tại tọa đàm, lãnh đạo các địa phương đã phân tích, mổ xẻ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ nhằm thúc đẩy phát triển liên kết phát triển tiểu vùng Bắc Trung bộ. Đề xuất các quan điểm, giải pháp, cơ chế, chính sách, thu hút nguồn lực (tài chính, khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực…) để thúc đẩy liên kết phát triển tiểu vùng Bắc Trung bộ trong thời gian tới. Cung cấp thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng Đề án tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ (Nghị quyết 39-NQ/TW). Và Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39- NQ/TW.

Liên kết phát triển tiểu vùng Bắc Trung bộ trong bối cảnh mới -0
Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, lãnh đạo các tỉnh tiểu vùng Bắc Trung bộ và các đại biểu tham dự buổi tọa đàm.

Về định hướng tổ chức không gian phát triển: Căn cứ vào điều kiện tự nhiên và kinh tế, xã hội và nhằm định hướng phát triển phù hợp với tiềm năng, lợi thế tạo hiệu ứng phát triển cho cả vùng, Nghị quyết 39-NQ/TW và Quy hoạch của Chính phủ chia Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ thành 3 tiểu vùng gồm: Tiểu vùng Nam Trung bộ; tiểu vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; tiểu vùng Bắc Trung bộ.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đều có chung nhận định, tiểu vùng Bắc Trung bộ (bao gồm 5 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị) là vùng nằm kề bên vùng Đồng bằng song Hồng và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trên trục giao thông Bắc Nam về đường sắt, đường bộ, đường Hồ Chí Minh, đường ven biển; kết nối với nước bạn Lào qua các cửa khẩu biên giới Cầu Treo, Cha Lo, Lao Bảo... là mắt xích quan trọng trong việc hình thành các hành lang kinh tế tiểu vùng sông Mêkông mở rộng.

Với điều kiện tự nhiên của các tỉnh trong vùng chia thành 2 vùng rõ rệt là khu vực phía Tây và khu vực phía Đông (ven biển), khu vực này: thuận lợi cho phát triển các ngành kinh tế biển như Du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới, do vậy, tiểu vùng Bắc Trung bộ có vai trò ngày càng lớn đối với vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ cũng như đối với cả nước.

Sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, các cấp, các ngành, nhất là các địa phương trong tiểu vùng đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết 39-NQ/TW và Kết luận số 25- KL/TW; vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; cụ thể hóa nội dung Nghị quyết thành các kế hoạch, chương trình, đề án và đã hoàn thành được phần lớn các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra trên địa bàn để triển khai thực hiện, nhờ đó, các cấp, các ngành, các địa phương đã nhận thức ngày càng rõ hơn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của tiểu vùng; tư duy về phát triển vùng, tiểu vùng cũng đã có nhiều đổi mới; tiềm năng, lợi thế của tiểu vùng từng bước được khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả. Đảng bộ và chính quyền các địa phương đã có nhiều nỗ lực vươn lên, chủ động khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, về nguồn lực con người để phát triển.

Nhiều địa phương đã trở thành điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế - xã hội. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ngày càng tăng. Kết cấu hạ tầng được dần đầu tư mở rộng theo hướng hiện đại.

Hệ thống đô thị hình thành, phát triển. Các khu du lịch ven biển, sinh thái, chất lượng cao, có thương hiệu dần trở thành động lực quan trọng cho phát triển. Kinh tế biển, đảo được chú trọng và khai thác hiệu quả hơn. Một số vùng sản xuất thâm canh cây trồng, vật nuôi tập trung, có sản lượng lớn phục vụ sản xuất và chế biến nông sản xuất khẩu. Văn hóa - xã hội có bước phát triển và đạt được những kết quả tích cực. Giáo dục - đào tạo, y tế phát triển nhanh. Công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội có nhiều tiến bộ. Đời sống nhân dân tiểu vùng từng bước được cải thiện.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, lãnh đạo các địa phương tiểu vùng Bắc Trung bộ đã thẳng thắn thừa nhận những tồn tại, hạn chế của vùng như chất lượng tăng trưởng chưa bền vững, năng lực cạnh tranh chưa cao. Mặc dù nhiều công trình, dự án đã huy động đầu tư từ ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước, nhưng do xuất phát của nền kinh tế thấp, chưa phát huy hết lợi thế cạnh tranh, môi trường đầu tư chưa thực sự hấp dẫn nên nguồn lực đầu tư xây dựng và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng của các địa phương trong vùng chưa đáp ứng đủ và kịp thời cho các mục tiêu phát triển đề ra.

Dương Sông Lam
.
.