Nâng tầm nông, thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Hai, 15/05/2023, 08:28

Châu thổ Cửu Long đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản của cả nước. Song vùng này nhiều thời điểm rơi vào tình trạng “được mùa rớt giá”, thu nhập bấp bênh.

Để nâng tầm nông sản ĐBSCL đòi hỏi sự hợp lực, phát huy tốt vai trò từ bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân… TP Cần Thơ có ngành chế biến nông sản, thủy sản xuất khẩu với 45 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu gạo trực tiếp; 44 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản với vùng nguyên liệu ở khắp các tỉnh, thành trong vùng.

2.jpg -0
Vùng châu thổ Cửu Long đóng góp gần 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chuỗi giá trị nông sản của thành phố vẫn bị tắc ở khâu liên kết. Đến nay chỉ có mặt hàng cá tra là có tỷ lệ hợp đồng liên kết sản xuất tiêu thụ trên 90%, còn lúa gạo, các các loại rau màu, cây ăn trái chỉ đạt khoảng 30%. Ngoài ra, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông, thủy sản trên địa bàn thành phố còn vướng các điểm nghẽn như: quy mô nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm không đồng đều; nông dân sản xuất tự phát không dựa vào nhu cầu của thị trường, chưa chú trọng đến việc xây dựng phát triển nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm, hàng hóa; ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế.

Ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, phát triển thủy sản của địa phương đang bị ảnh hưởng nặng nề từ BĐKH; môi trường nước ô nhiễm khiến dịch bệnh trên tôm nuôi xảy ra nhiều. Người dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm sản xuất truyền thống. Một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh chưa nắm bắt kịp các tiêu chuẩn, yêu cầu của nước nhập khẩu như: “Lệnh 248” về quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu và “Lệnh 249” về biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu của Trung Quốc… từ đó ảnh hưởng một phần trong chuỗi cung ứng thủy sản do gặp khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu.

Dịch vụ logistics khu vực ĐBSCL chưa phát triển đã làm giảm sức cạnh tranh của nông sản, thủy sản của vùng.

Ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) chia sẻ, hệ thống cơ sở hạ tầng logistics, dịch vụ phụ trợ phát triển chưa tương xứng. ĐBSCL vẫn chưa có nhiều vùng nuôi tôm tập trung, quy mô trang trại, hệ thống cảng biển đón tàu container chưa phát triển cũng như hệ thống cung ứng, phân phối vật tư, nguyên liệu phải qua nhiều khâu trung gian khiến giá thành sản xuất còn cao, khó cạnh tranh. Đây là những trở ngại làm xuất khẩu nông, thủy sản của vùng khó bắt kịp với xu hướng hiện nay khi mà thị trường thế giới ngày càng quan tâm nhiều đến an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cũng như phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Khi hội nhập sâu rộng, Việt Nam phải đáp ứng các quy định nghiêm ngặt hơn đối với hàng hóa xuất khẩu. Hội nhập đồng nghĩa với việc mở rộng hơn thị trường trong nước, chấp nhận cạnh tranh ngay tại nội địa.

Thách thức này đối với ĐBSCL càng lớn hơn một phần do năng lực dự báo, cung cấp thông tin, quản lý thị trường, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế; việc phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất nông lâm thủy sản còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao. Kinh tế hộ tại vùng vẫn là chủ lực, sản xuất quy mô nhỏ vẫn phổ biến; kinh tế trang trại chưa trở thành động lực để thúc đẩy hộ gia đình vươn lên sản xuất lớn.

Để nâng tầm nông, thủy sản, vùng ĐBSCL phải tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả chiến lược phát triển NN&NT bền vững giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH; tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”; chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp trên cơ sở phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh; phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao.

Các địa phương cần phát triển, hoàn thiện hạ tầng logistics tích hợp tại ĐBSCL, nhất là tại TP Cần Thơ, đáp ứng nhu cầu phát triển xuất khẩu của khu vực, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp dịch vụ logistics cung cấp dịch vụ trực tiếp tại khu vực. Quan tâm phát triển các trung tâm giao dịch thủy sản, các chợ đầu mối thủy sản tại các vùng nguyên liệu, các kho lạnh thương mại trong khu vực.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, chúng ta cần phải thay đổi tư duy ngắn hạn thuận mua vừa bán sang tư duy đi đường dài. Nông dân bỏ tư duy mùa vụ, doanh nghiệp bỏ tư duy thương vụ... Các hiệp hội ngành hàng phải phát huy hơn nữa vai trò cùng các địa phương kiến tạo không gian phát triển với các địa phương. Chúng ta phải định hình lại khâu tổ chức lại sản xuất; trong đó hợp tác liên kết, thị trường là những vấn đề lớn của ĐBSCL phải giải quyết sau đó mới đến tiết giảm chi phí, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp…

Đức Văn
.
.