Nhiều địa phương bộc lộ bất cập trong đấu giá quyền thăm dò, khai thác khoáng sản

Chủ Nhật, 31/03/2024, 05:42

Địa phương chậm triển khai thực hiện việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; không công khai tên tổ chức, tên loại khoáng sản và vị trí khu vực đề nghị thăm dò khoáng sản trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; đưa vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản không thuộc quy hoạch, không phù hợp với quy hoạch…

Đó là hàng loạt bất cập mà Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã phát hiện sau khi thực hiện kiểm toán chuyên đề “Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản (TNKS) giai đoạn 2017-2021” với phạm vi kiểm toán tại Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam và 28 tỉnh, thành phố trên cả nước.

6-1.jpg -0
Kiểm toán Nhà nước phát hiện nhiều vi phạm trong khai thác khoáng sản tại một số tỉnh.

Quy hoạch và quản lý quy hoạch thiếu đồng bộ

KTNN chỉ rõ, tỉnh Hà Giang đã phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản với 67 điểm mỏ, chủ yếu là đá vôi, cát sỏi làm vật liệu xây dựng trong giai đoạn 2017-2021, nhưng tỉnh lại chưa thực hiện đấu giá. Còn Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã theo dõi, tổng hợp không đầy đủ công tác tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ở các tỉnh. Trong khi đó, việc phê duyệt bổ sung tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của 13 Quyết định tại Bộ TNMT chưa đảm bảo quy định tại Điều 6 Nghị định số 67/2019/NĐ-CP. Vì thế, KTNN đã kiến nghị Bộ TNMT cần thực hiện kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan trong việc xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, rà soát ra thông báo hằng năm giai đoạn 2018-2022 đối với 2 mỏ đồng Sin Quyền và Vi Kẽm.

Cũng liên quan đến việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, KTNN phát hiện 3 tỉnh: Bình Phước, Phú Thọ, Bắc Kạn đã xác định trữ lượng để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là trữ lượng khai thác; tỉnh Cao Bằng và Tuyên Quang ban hành văn bản phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và gửi cơ quan Thuế chậm; tỉnh Thái Bình ban hành văn bản tạm dừng việc nộp tiền cấp quyền không đúng đối tượng; có địa phương chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp xử lý đối với số nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đến ngày 31/12/2021, số nợ được KTNN xác định lên tới 957 tỷ đồng.

Trước những bất cập này, KTNN kiến nghị Bộ TNMT chỉ đạo các đơn vị có liên quan kiểm tra xác định, làm rõ cơ sở tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với một số quyết định để đảm bảo thu đúng, đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Đánh giá về công tác quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn giai đoạn 2016-2020, KTNN cho biết, tỉnh Bắc Kạn không ban hành Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản theo quy định; các tỉnh Bắc Kạn, Hà Giang, Bình Định đã thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chưa phù hợp. Còn tỉnh Yên Bái quy hoạch thiếu nội dung “Đánh giá môi trường chiến lược theo từng giai đoạn”.

Trong khi đó, tỉnh Phú Thọ, Bình Định không thực hiện lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn, không làm rõ các ý kiến, đề nghị của Bộ Xây dựng, Bộ TNMT trước khi ban hành quyết định phê duyệt bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Còn tại tỉnh Bình Định, địa phương này chưa dự báo được nhu cầu đất san lấp phục vụ cho các công trình trọng điểm. Đáng lưu ý, KTNN phát hiện diện tích cấp giấy phép khai thác khoáng sản đến năm 2020 tại tỉnh Thái Nguyên vượt Nghị quyết của Chính phủ.

Liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường, KTNN nêu rõ, trong giai đoạn 2017-2020, Tổng cục Môi trường mới thực hiện xác nhận 23 dự án hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trên tổng số 160 báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tại 4 địa phương có tình trạng dự án đã đi vào khai thác nhưng chưa có Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Đánh giá về công tác quản lý sau cấp phép, đối với giấy phép do Bộ TNMT cấp, KTNN nêu rõ, còn đơn vị được cấp phép thăm dò không nộp, chậm nộp báo cáo định kỳ; có 71 giấy phép khai thác khoáng sản chậm nộp và 7 giấy phép khai thác khoáng sản không nộp báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản. Có 24 giấy phép không nộp và 58 giấy phép nộp chậm báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác.

Đồng thời, còn 16 đơn vị với 17 giấy phép có sản lượng khai thác vượt công suất khai thác, trong đó có 13 giấy phép có sản lượng khai thác vượt công suất khai thác trên 15%. Cá biệt có 5 giấy phép mà sản lượng khai thác vượt công suất khai thác tới trên 100%.

Ngoài ra, một số địa phương có tình trạng đơn vị không làm thủ tục thuê đất nhưng vẫn thực hiện khai thác nhiều năm; chưa hoàn chỉnh thủ tục đất đai nhưng đã thực hiện khai thác; được cấp phép khai thác nhưng chưa hoàn thiện thủ tục giao đất, thuê đất. Thậm chí, có tỉnh đã phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nhưng chưa tính tiền thuê đất… Chưa kể, nhiều doanh nghiệp giấy phép đã hết hạn hoặc tạm dừng nhưng vẫn khai thác; khai thác khi chưa có thiết kế mỏ; khai thác các loại khoáng sản khác không có trong giấy phép.

Các cơ quan tham mưu chưa làm tròn trách nhiệm

Cũng trong khuôn khổ cuộc kiểm toán này, KTNN đã đánh giá về việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại các cơ quan tham mưu trên địa bàn các tỉnh trong việc quản lý TNKS. Kết quả cho thấy, cơ quan tham mưu tại tỉnh Thái Nguyên chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quá trình luân chuyển, đề xuất xử lý dẫn đến việc không ban hành quyết định xử phạt do hết thời hạn; chưa thực hiện đầy đủ các quy định của UBND tỉnh, cũng như chưa thực hiện đầy đủ chức năng tham mưu theo quy định.

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, cơ quan tham mưu thực hiện nhiệm vụ “Tiếp nhận, chủ trì thẩm định hồ sơ, tổ chức tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, trình UBND tỉnh phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp theo thẩm quyền trong Khu kinh tế” khi chưa được UBND tỉnh giao nhiệm vụ.

Trong khi đó, tại tỉnh Bình Định, cơ quan tham mưu ban hành kế hoạch kiểm tra và thực hiện kế hoạch kiểm tra không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và chưa kịp thời báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo đơn vị có thẩm quyền xử lý kịp thời các sai sót, tồn tại của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản được phát hiện qua kiểm tra. Cục Thuế tỉnh Bình Định đã ban hành quyết định gia hạn thời gian kiểm tra tại Quyết định số 942/QĐ-CCT ngày 25/6/2021 chậm 14 ngày so với quy định, quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty khai thác khoáng sản nhưng không đúng mức phạt quy định. Cục Thuế tỉnh Hà Giang không phát hiện ra sai sót của Hợp tác xã Sơn Hải đã thực hiện khai thác cát từ năm 2017 - lúc chưa được cấp phép - với sản lượng kê khai theo quyết toán phí Bảo vệ môi trường là 5.722m3 cát.

KTNN cũng cho biết, nhiều địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong quản lý TNKS, nhất là sự phối hợp giữa Cục Thuế và Sở TNMT tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Cao Bằng, Phú Thọ, Bình Định, Bình Phước, Hà Giang, Thái Bình. Chính vì sự phối hợp thiếu chặt chẽ nên Tổng cục Địa chất và Khoáng sản không lập được báo cáo tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản trên phạm vi cả nước theo đúng quy định. Do đó, KTNN yêu cầu Bộ TNMT chấn chỉnh công tác này.

Đặng Nhật
.
.