Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất

Thứ Tư, 11/01/2023, 06:28

Năm 2022, tình hình biến động giá xăng dầu theo chiều hướng tăng làm cho các chi phí sản xuất tăng theo, những tháng cuối năm nhiều ngành sản xuất thiếu đơn hàng xuất khẩu (XK), và xung đột Nga - Ukraine là những khó khăn được dự báo trước, sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2023…

Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2022 ước tăng 13,9% so với cùng kỳ (trong đó 4 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm ước tăng 20,4% so với cùng kỳ), cho thấy xu hướng phục hồi của nền kinh tế ngày càng trở nên rõ nét hơn.

Tổng kim ngạch XK của doanh nghiệp (DN) qua cửa khẩu ước đạt 47,18 tỷ USD (tăng 5,1% so với cùng kỳ), đặc biệt ngành công nghiệp đã chuyển biến tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giảm dần tỉ trọng các ngành công nghệ thấp, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghệ trung bình và công nghệ cao.

Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất -0
Trong năm 2022, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn.

Mặc dù kinh tế TP Hồ Chí Minh đã có những phục hồi ấn tượng nhưng kim ngạch XK của nhiều ngành đã có những bức phá ấn tượng trong 7 tháng đầu năm 2022 và sau đó giảm dần, đặc biệt là trong quý 4/2022 nhiều ngành XK chủ lực thiếu đơn hàng, thậm chí không có đơn hàng để sản xuất như ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, thủy sản…

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do biến động giá xăng dầu theo chiều hướng tăng, làm cho chi phí sản xuất, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Nhưng nghiêm trọng hơn, đó là do ảnh hưởng của lạm phát, ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến các thị trường trọng điểm của những ngành XK chủ lực là Hoa Kỳ và EU đã bị sút giảm nghiêm trọng. Điển hình như ngành dệt may TP Hồ Chí Minh, số lượng đơn hàng tại thị trường EU giảm tới 60%, thị trường Mỹ giảm 30-40%, lượng hàng tồn kho tăng mạnh, chiếm tới 20-25%.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh nhận định, bước sang năm 2023, DN sản xuất, kinh doanh vẫn tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn. Cụ thể, sức mua giảm ở các thị trường XK nên ảnh hưởng đến một số ngành, DN phải ngừng hoặc điều chỉnh quy mô sản xuất, khả năng tiếp cận tín dụng của DN vẫn còn khó, chi phí nguyên vật liệu tiếp tục gia tăng và chi phí trong logistic tương đối lớn mà DN phải đối diện…

Vì vậy, trong năm 2023, Sở Công Thương thực hiện các nhóm giải pháp chính là làm sao thúc đẩy công nghiệp phát triển, trong đó khuyến khích và hướng dẫn DN chuyển đổi số và sản xuất xanh.

Song song đó, Sở tăng cường kết nối DN và ngân hàng, tạo cầu nối cho hai bên gặp gỡ để DN tiếp cận vốn được thuận lợi hơn, đầu tư chuyển đổi số mạnh mẽ hơn trong logistics để giảm chi phí, triển khai các trung tâm hoạt động logistics trên địa bàn thành phố và bổ sung quy hoạch kêu gọi đầu tư để sớm hình thành các trung tâm logistics.

Về hợp tác thương mại với các tỉnh, thành để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa cho DN, thực tế cho thấy trong thời gian qua việc cung ứng và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp giữa các địa phương có thế mạnh sản xuất nguyên liệu với TP Hồ Chí Minh thì “mạnh ai nấy làm”. Các địa phương tự sản xuất những sản phẩm nào mà địa phương có ưu thế, còn TP Hồ Chí Minh thiếu sản phẩm nào thì tự tìm mua.

Do cung - cầu không gặp nhau nên dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá” vẫn thường xuyên xảy ra. Ngoài ra, do mối liên kết giữa bên mua - bên bán thiếu bền vững nên nhiều vùng nguyên liệu thiếu cơ sở thông tin dữ liệu để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã vùng trồng, chất lượng sản phẩm chưa ổn định...

Đặc biệt, với sản phẩm thịt, việc mua bán phụ thuộc rất lớn vào thương lái thu mua nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Trước tình hình đó, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh đề xuất, năm 2023, thành phố cần có cơ chế chính sách hỗ trợ riêng gắn với sự phối hợp, tham mưu của Sở Công thương để thực hiện 2 đề án. Đó là phát triển kho lạnh, kho dự trữ bảo quản và xây dựng vùng nguyên liệu. Đây được xem là đề án quan trọng trong chương trình phát triển ngành chế biến lương thực thực phẩm thành phố giai đoạn 2021-2030.

Đồng thời, Hội cũng đề xuất thành phố tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, liên kết để phát huy sức mạnh của cộng đồng DN, nhất là các DN vừa và nhỏ, thông qua tổ chức nhiều chương trình đưa hàng hóa đến các tỉnh, thành và ở chiều ngược lại tổ chức liên kết với các địa phương có vùng nguyên liệu sản xuất lớn.

Tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại trực tiếp cho DN sang các thị trường trọng điểm XK hoặc đang có lợi thế XK như Ấn Độ, EU... và một số thị trường lớn khác. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai mạnh mẽ hợp tác thương mại với các tỉnh, thành nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa cho DN, đảm bảo cân đối cung cầu, chủ động nguồn hàng và ổn định giá cả trên địa bàn.

Thúy Hà
.
.