Phát triển công nghiệp cần có “sếu đầu đàn”

Thứ Năm, 27/04/2023, 08:38

Ngày 26/4, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo quốc tế “Định hướng phát triển công nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050”.

Ngành công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh chiếm khoảng 20% GRDP của thành phố, khoảng 30% sản lượng công nghiệp Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp trên 10% quy mô sản xuất công nghiệp toàn quốc. Tốc độ phát triển công nghiệp của thành phố tăng trưởng ổn định với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giai đoạn 2015-2019 tăng trung bình 7,83%/năm.

Phát triển công nghiệp cần có “sếu đầu đàn” -0
Công nghiệp thời gian qua và hiện nay là ngành tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Năm 2022, khi thành phố kiểm soát tốt dịch COVID-19, ngành công nghiệp đã hồi phục mạnh mẽ với chỉ số IIP tăng 13,87%. Công nghiệp thời gian qua và hiện nay là ngành tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Vì thế, việc định hướng phát triển công nghiệp TP Hồ Chí Minh sẽ có vai trò quan trọng, mang tính dẫn dắt cho sự phát triển công nghiệp của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và thúc đẩy phát triển công nghiệp cả nước.

Theo kế hoạch, đến năm 2030, công nghiệp TP Hồ Chí Minh đạt trình độ phát triển hiện đại, đạt giá trị gia tăng cao, đặc biệt là 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu. Tầm nhìn đến năm 2045, TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm nghiên cứu phát triển công nghiệp của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Để hiện thực hóa định hướng và các mục tiêu trên, TP đang tập trung vào một số nhóm nội dung chiến lược: Hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên; Phát triển quỹ đất công nghiệp; Hỗ trợ vốn và thu hút đầu tư; Hỗ trợ phát triển công nghệ, khoa học, kỹ thuật; Phát triển thị trường, xúc tiến thương mại; Hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; Liên kết vùng; và cuối cùng là phối hợp đề xuất cơ chế chính sách phát triển công nghiệp.

Ông Nguyễn Mạnh Linh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương - Bộ Công Thương đánh giá, TP Hồ Chí Minh là “đầu tàu” có sức thu hút và lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước. Tuy nhiên, công nghiệp TP Hồ Chí Minh còn tồn tại nhiều hạn chế. Theo ông Linh, để thực hiện mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp vững mạnh, hiện đại, góp phần quan trọng sự phát triển chung của thành phố, vùng và cả nước thì TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong phát triển công nghiệp.

Cụ thể, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cả về nhà đầu tư và lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án có giá trị gia tăng và tác động lan tỏa cao, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, khai thác triệt để cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bên cạnh đó, thành phố cần tăng cường các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực DN. Nghiên cứu, đổi mới các chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng các yêu cầu quốc tế, chủ động tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Ông Phạm Văn Tài – Tổng Giám đốc Tập đoàn Trường Hải (Thaco) cho rằng, TP Hồ Chí Minh muốn phát triển thì mỗi ngành công nghiệp phải có “sếu đầu đàn” dẫn dắt để thay đổi và sự thay đổi phải liên tục từng ngày, quyết liệt như là văn hóa của DN. Để làm điều này, TP Hồ Chí Minh phải xác định phát triển công nghiệp không chỉ cho TP Hồ Chí Minh mà cho cả khu vực phía Nam, cần thành lập các trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp.

Thúy Hà
.
.