Tín hiệu khả quan cho doanh nghiệp xuất khẩu

Thứ Ba, 25/01/2022, 09:10

Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID -19 nhưng các doanh nghiệp (DN) đã hết sức nỗ lực và có kết quả xuất khẩu (XK) khá ấn tượng.

Theo Bộ Công thương, kim ngạch XKcả nước trong năm 2021 ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 88,71 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch XK. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 247,54 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm đến 73,6% tổng kim ngạch XK.

2.jpg -0
Sản phẩm gỗ là nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu cao trong năm 2021.

Đặc biệt, các DNXK sang các khu vực thị trường mà Việt Nam có ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) đều đạt mức tăng trưởng cao như: Trung Quốc tăng 15%, EU tăng 14%, Asean tăng 25,8%, Hàn Quốc tăng 15,8%, Canada tăng 19,5%, Mexico tăng 46,1%, New Zealand tăng 42,5%... Trong năm 2021, có tới 40 nhóm hàng XK đạt kim ngạch 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 8 nhóm đạt trên 10 tỷ USD. Đặc biệt, các nhóm hàng XK chủ lực cũng đã có sự xoay chiều đáng kể.

Nếu như trước đây, nhóm XK lớn nhất chủ yếu thuộc những nhóm hàng sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày dép than đá, thì trong năm 2021 "ngôi vị" này nhường lại cho 3 nhóm hàng XK lớn nhất là:điện thoại, gần 60 tỷ USD; máy vi tính và linh kiện khoảng 50 tỷ USD; máy móc, thiết bị gần 40 tỷ USD. Trong khi dệt may chỉ đạt 14 tỷ USD, than đá đạt hơn 7 tỷ USD,giày dép đạt 6,55 tỷ USD.

Dẫn chứng hoạt động XK tại Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, trong năm 2021 kim ngạch XK tăng 3,6% so với năm 2020, trong khi số DN giảm 6,45% và số tờ khai giảm 2,1%, ông Đặng Thái Thiện, Phó Trưởng phòng Giám sát quản lý hải quan, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh khẳng định, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID -19, nhưng XK tại TP Hồ Chí Minh vẫn tăng là dấu hiệu tích cực trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn khó khăn.

Ông Đặng Thái Thiện cũng khuyến nghị các DNXK trong thời gian tới: Cần tận dụng các FTA đã có hiệu lực đối với Việt Nam để đẩy mạnh XK; DN phải nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết giảm chi phí, cải tiến công tác tiếp thị quảng bá sản phẩm, mới có khả năng cạnh tranh được. Bởi khi Việt Nam tham gia các FTA, hàng rào thuế quan từng bước được dỡ bỏ, khi đó DN không chỉ cạnh tranh ở thị trường nước ngoài mà còn cạnh tranh với hàng ngoại nhập ngay tại thị trường trong nước.

Ngoài ra, DNXK lưu ý tuân thủ các quy định về kiểm dịch động - thực vật, về vấn đề khai thác hải sản không khai báo, những loại hóa chất không được sử dụng trong thực phẩm, trong hàng dệt may,sản phẩm đồ gỗ có nguồn gốc không hợp pháp… Đó là những quy định rất nghiêm ngặt cuả nước NK, do đó các DNXK phải cập nhật thường xuyên để tránh vi phạm; DN cũng cần tuân thủ quy tắc xuất xứ để tránh các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) và lẩn tránh PVTM cuả các nước NK. Vì nếu bị vi phạm thì không chỉ sản phẩm 1 DN mà sản phẩm cuảcả ngành đó đều bị ảnh hưởng. Điều cũng rất quan trọng là DN cần tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống dịch COVID-19 tại DN để đảm bảo không bị đứt gãy việc sản xuất kinh doanh.

T.Hà
.
.