Vì sao hàng trăm kết luận, kiến nghị của kiểm toán đang bị “lãng quên”?

Chủ Nhật, 10/09/2023, 08:38

Thông tin từ Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho hay, qua rà soát, phân tích đến 31/3/2023 có hơn 700 kiến nghị xử lý trách nhiệm chưa được thực hiện. Cùng đó  các kiến nghị xử lý tài chính với số tiền lên tới 108.180 tỷ đồng cũng bị “ngó lơ”, chưa thể thu hồi.

Việc tồn tại số lượng lớn các kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện đang đặt ra những thách thức cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Trên 108.000 tỷ đồng từ kiến nghị xử lý của kiểm toán chưa được thực hiện

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết, qua rà soát, phân tích đối với các kiến nghị xử lý tài chính, xử lý khác chưa thực hiện tính đến 31/3/2023 là 108.180,2 tỷ đồng (trong đó kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước (NSNN) là 45.552 tỷ đồng; còn lại chủ yếu là các khoản kiến nghị hoàn thiện thủ tục để thanh quyết toán theo quy định).

204408235_cong-viec-nganh-ke-toan-2.png -0
Hơn 700 kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện. (Ảnh minh họa: CTV)

KTNN đã phân loại 4 nhóm nguyên nhân và trách nhiệm chưa thực hiện kiến nghị, với 15 nguyên nhân cụ thể. Trong đó, nhóm nguyên nhân thuộc trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán với số tiền là 63.291,2 tỷ đồng, chiếm 58,5% gồm đơn vị chưa thực hiện các thủ tục liên quan để thực hiện kiến nghị của KTNN là 24.790 tỷ đồng; đơn vị được kiểm toán chưa thực hiện kiến nghị của KTNN số tiền 22.387 tỷ đồng; đơn vị được kiểm toán gặp khó khăn về tài chính 5.354,9tỷ đồng; đơn vị được kiểm toán không còn hoạt động hoặc dừng hoạt động 1.380,5 tỷ đồng; đơn vị báo cáo đã thực hiện nhưng chưa cung cấp đủ tài liệu, hồ sơ KTNN xác nhận đã thực hiện 6.637,7 tỷ đồng; chứng từ, tài liệu hồ sơ thực hiện kiến nghị chưa đảm bảo theo quy định 2.740 tỷ đồng. Với nhóm nguyên nhân thuộc trách nhiệm của KTNN là 2.471,1 tỷ đồng, chiếm 2,28%. Nhóm nguyên nhân chưa thực hiện do trách nhiệm của bên thứ 3 là 15.510 tỷ đồng chiếm 14,3%. Và nhóm nguyên nhân khác 26.907,1 tỷ đồng, chiếm 24,9%.

Đối với nhóm kiến nghị về cơ chế, chính sách, tổng số các kiến nghị về cơ chế, chính sách chưa được thực hiện là 433 kiến nghị. Nguyên nhân chưa thực hiện đối với nhóm kiến nghị này chủ yếu là do quá trình sửa đổi, thay thế hoặc bổ sung liên quan đến cơ chế, chính sách thường mất nhiều thời gian hoặc phải đợi cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phải chờ để sửa đổi đồng bộ cùng các văn bản quy phạm pháp luật khác. Bên cạnh đó, một số kiến nghị do đơn vị chưa báo cáo tình hình thực hiện nên KTNN chưa nắm bắt được kết quả thực hiện; trong khi đó, trước năm 2023, Chính phủ chưa có một đầu mối đôn đốc, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán về cơ chế chính sách. Về kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm, đến 31/3/2023, tổng số các kiến nghị chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm chưa được thực hiện là 746 kiến nghị.

Nỗ lực nâng cao hiệu lực, tính khả thi của các kiến nghị kiểm toán

Là một trong những địa phương nằm trong danh sách chưa xử lý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, qua tổng hợp, rà soát, thành phố nhận diện 14 nguyên nhân dẫn đến nhiều kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện. Trong đó có một số nguyên nhân như: nhà thầu chưa thống nhất được với chủ đầu tư về thực hiện kiến nghị kiểm toán; dự án đang trong giai đoạn triển khai chưa quyết toán hoàn thành nên chưa thực hiện; doanh nghiệp hoặc các đơn vị liên quan gặp khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là sự thiếu quyết tâm, quyết liệt của đơn vị được kiểm toán, việc thực hiện kiến nghị kiểm toán chưa được quan tâm đúng mức.

Tương tự, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Duy Lâm cũng cho hay, mặc dù Bộ GTVT đã rất tích cực đôn đốc, chỉ đạo việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn một số kiến nghị chưa được giải quyết dứt điểm. Để giải quyết các tồn tại này, lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị Ủy ban Tài chính - Ngân sách và KTNN xem xét ý kiến giải trình của các đơn vị đối với các nội dung chưa thống nhất đối với kết luận và kiến nghị KTNN để Bộ có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo. Đồng thời, xem xét, có cơ chế xử lý cụ thể đối với các nội dung kiến nghị, không có tính khả thi hoặc không thể thực hiện.

Trước các kiến nghị từ địa phương, bộ, ngành, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, để các kiến nghị kiểm toán được thực hiện tốt hơn thì phải có sự vào cuộc của cấp ủy, người đứng đầu đơn vị. Tổng Kiểm toán nhà nước chia sẻ, cùng với thời điểm báo cáo kiểm toán được phát hành, Tổng Kiểm toán nhà nước cũng đã thông tin đến các Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy; trong đó nêu rõ những mặt được và tồn tại, hạn chế trong việc quản lý tài chính công, tài sản công của Bộ, ngành, địa phương; chỉ rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc xảy ra thất thoát, sai sót...

Với cách làm như vậy, nhiều địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… đã tổ chức họp, giao cho Ủy ban kiểm tra, Thanh tra tỉnh tiến hành rà soát, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị kiểm toán… Nhờ đó, việc thực hiện kiến nghị kiểm toán đạt tỷ lệ rất cao. Người đứng đầu cấp ủy giữ vai trò rất quan trọng đối với việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

 Đồng thời, người đứng đầu Kiểm toán nhà nước cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, tiếp tục chỉ đạo các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa thực hiện; nâng cao trách nhiệm giải trình, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan; đề ra các giải pháp và phối hợp với KTNN để xử lý dứt điểm các kiến nghị, kết luận còn tồn đọng; chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm các trường hợp chậm, kéo dài nhiều năm việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị để xảy ra sai phạm.

Đặng Nhật
.
.