“Việc nhẹ lương cao” - cạm bẫy chờ sẵn những người cả tin

Chủ Nhật, 11/09/2022, 07:31

Mỗi năm người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài gửi về nước trung bình 10 tỷ USD. Đây là con số được đưa ra tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW của Ban Bí thư mới đây về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài.

Con số đó đã cho thấy những đóng góp to lớn của lĩnh vực này đối với sự phát triển kinh tế của đất nước, không những thế còn giải quyết bài toán việc làm cho cả trăm nghìn lao động hàng năm. Tuy vậy, trong lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề cần được giải quyết, trong đó nhức nhối nhất là tình trạng lừa đảo người đi làm việc ở nước ngoài.

Giải pháp nào để ngăn chặn được tình trạng này? PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Như Tuấn, Phó Trưởng phòng Phòng Thông tin – Truyền thông, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội).

4-3.jpg -0
Ông Nguyễn Như Tuấn.

PV: Thưa ông, với việc thị trường đang ngày càng được mở rộng, hướng đến những thị trường có thu nhập cao, ông đánh giá thế nào về triển vọng của lĩnh vực đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài lao động thời gian tới?

Ông Nguyễn Như Tuấn: Những năm qua, hoạt động đưa lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng đã đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ, góp phần thúc đẩy kinh tế của nhiều địa phương. Nhiều địa phương có số lượng lớn người đi làm việc ở nước ngoài đã thay da đổi thịt. Theo con số thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện nay đang có hơn 600 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với nhiều ngành nghề như: Sản xuất chế tạo, nông nghiệp, chăm sóc y tế… Liên tục nhiều năm trước thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, số lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt trên 100 nghìn lao động/năm, tập trung ở những thị trường lớn như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Một số thị trường cũng có số lượng tương đối như: Malaysia, khu vực Trung Đông và một số quốc gia ở châu Âu.

Trong xu hướng toàn cầu, nhiều quốc gia có tỷ lệ dân số già hóa, tỷ lệ sinh thấp thiếu hụt lao động, do vậy nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam là rất lớn. Nhiều quốc gia có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam cũng mong muốn, không chỉ tăng cường số lượng tiếp nhận mà còn mở rộng ngành nghề đối với lao động Việt Nam. Do đó, thời gian tới số lượng lao động đi ra nước ngoài làm việc sẽ được tăng cường. Đơn cử như trong những ngày đầu tháng 9 này, trong chuyến làm việc của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại Nhật Bản, phía bạn đã bày tỏ mong muốn sẽ mở rộng ngành nghề tiếp nhận lao động Việt Nam, trước mắt là lĩnh vực chăm sóc y tế.

PV: Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, trong lĩnh vực này vẫn còn có một số “bất cập” cần phải được giải quyết triệt để. Đơn cử như việc lừa đảo xuất khẩu lao động vẫn thường xuyên diễn ra mà Cục Quản lý lao động ngoài nước đã thường xuyên phải đưa ra cảnh báo, như cảnh báo về tình trạng lừa đảo lao động sang Hàn Quốc làm việc. Tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động diễn ra nhiều nhất ở những thị trường nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Như Tuấn: Đây là một trong những thực trạng nhức nhối trong lĩnh vực này. Thời gian qua, chúng ta đã đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện nhiều giải pháp nhưng Cục Quản lý lao động ngoài nước vẫn nhận thông tin từ người lao động, cơ quan Công an các địa phương, qua các phương tiện thông tin đại chúng về việc có nhiều người lao động bị lừa đảo bằng nhiều hình thức khác nhau. Theo thông tin chúng tôi nắm được, tình trạng lừa đảo người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo con đường không hợp thức chủ yếu diễn ra đối với thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và một số thị trường có mức lương cao, điều kiện việc làm và ăn ở hấp dẫn như Canada, Singapore. Gần đây nhất Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phải phát đi thông báo về việc lừa đảo đối với thị trường Úc. Hai bên mới chỉ ký kết bản ghi nhớ và vẫn đang đàm phán nhưng ở nhiều địa phương, qua nhiều kênh thông tin đã có những đối tượng, cá nhân lừa đảo người lao động đi làm việc ở Úc theo chương trình này.

PV: Qua nắm bắt từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, các thủ đoạn lừa đảo diễn ra như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Như Tuấn: Nguyên nhân khiến tình trạng lừa đảo người lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn phức tạp là do vẫn còn nhiều người muốn ra nước ngoài làm việc có thu nhập cao, việc làm tốt mà không muốn phải trải qua các khâu tuyển chọn, đào tạo về ngoại ngữ, tay nghề. Nắm bắt được tâm lý càng đi được nhanh càng tốt nên các đối tượng lừa đảo đã tìm các hình thức, thủ đoạn để lừa đảo. Có nhiều hình thức thủ đoạn rất tinh vi, chỉ khi có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng mới phát hiện được

PV: Ông có thể nói cụ thể hơn thủ đoạn để giúp người lao động cảnh giác?

Ông Nguyễn Như Tuấn: Tôi có thể ví dụ, các đối tượng thành lập một công ty, có văn phòng, có các phòng nghiệp vụ như thật, tổ chức quảng cáo qua facebook, zalo. Thậm chí có cả trang web nói về hoạt động của doanh nghiệp về việc tuyển chọn, đào tạo lao động ra nước ngoài làm việc. Rồi các đối tượng này còn lập ra những công ty có tên na ná như những doanh nghiệp được cấp phép để nhằm đánh lừa người lao động. Tuy nhiên, mục tiêu của các đối tượng này vẫn chỉ là nhắm vào những người có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài nhưng không muốn qua đào tạo, tuyển chọn. Những người có tâm lý muốn đi nhanh nhưng không muốn trải qua các thủ tục theo quy định rất dễ dính bẫy. Nếu thoáng qua, người lao động không có đủ thông tin, kiến thức thì rất dễ bị lừa đảo.

PV: Những phương thức lừa đảo ngày càng tinh vi, diễn ra thường xuyên ở nhiều địa phương. Phải chăng là do chúng ta chưa có “thuốc đặc trị” cho vấn nạn này?

Ông Nguyễn Như Tuấn: Nói về “thuốc đặc trị”, chúng ta cần sự quan tâm, phối hợp của nhiều cơ quan, ban, ngành. Chúng ta đã tuyên truyền, nói rất nhiều về thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng qua nhiều kênh, bằng nhiều hình thức. Thế nhưng vẫn có những người dù không thiếu thông tin vẫn bị lừa. Do đó, bên cạnh những nỗ lực của cơ quan chức năng, người lao động cũng cần nâng cao ý thức bảo vệ mình. Thông tin tuyên truyền chúng ta đã làm rất nhiều cách, từ trung ương đến địa phương, sổ tay hướng dẫn…, do đó ý thức bảo vệ bản thân của người lao động là vấn đề cũng cần được nói tới.

Đơn cử như việc, từ cấp xã, phường đã có cán bộ phụ trách mảng lao động, thương binh và xã hội. Cấp huyện đã có phòng và cấp tỉnh có cả sở. Chúng ta đã nói rất nhiều về việc người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài thì cần tìm hiểu thông tin qua hệ thống đó để tránh bị lừa đảo. Thế nhưng người lao động bị lừa dường như không quan tâm đến việc này. Các đối tượng lừa đảo cũng lợi dụng tâm lý người lao động muốn đi nhanh nhưng không muốn phải học, không muốn mất thời gian đào tạo để lừa đảo. Do đó, để có “thuốc đặc trị”, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng nhưng cũng rất cần ý thức tự bảo vệ mình của chính người lao động.

PV: Vậy các giải pháp ngăn chặn tình trạng này từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã triển khai là gì không?

Ông Nguyễn Như Tuấn: Thời gian qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã rất chú trọng đến giải pháp thông tin tuyên truyền, bằng nhiều hình thức phù hợp từ trung ương đến địa phương. Chúng tôi đã tổ chức hội thảo ở nhiều địa phương, cung cấp tờ rơi, sổ tay hướng dẫn. Cung cấp thông tin về các kênh đi làm việc ở nước ngoài hợp pháp xuống đến từng thôn xã để thông tin cho người lao động nắm được. Mọi thông tin đã rất rõ ràng về địa chỉ cụ thể, cấp nào thì liên lạc với ai. Tăng cường công tác phối hợp phát hiện dấu hiệu lừa đảo với các cơ quan chức năng để kịp thời thông tin. Khi có những vụ việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ, chúng tôi đều phát cảnh báo qua trang web của Cục Quản lý lao động ngoài nước và thông tin qua các cơ quan truyền thông đại chúng. Cùng với đó, chúng tôi cũng gửi cho các địa phương về thông tin cảnh báo lừa đảo để cảnh báo rộng rãi cho người lao động.

PV: Theo ông, giải pháp căn cơ nhất để có thể giải quyết dứt điểm thực trạng này là gì?

Ông Nguyễn Như Tuấn: Tôi cho rằng giải pháp căn cơ nhất đầu tiên vẫn phải là công tác thông tin tuyên truyền. Chúng ta làm nhiều cách, nhiều kênh. Đặc biệt là phối hợp với các địa phương có nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa, những vùng khó khăn mà người dân còn nhiều hạn chế về tiếp cận thông tin. Người lao động giờ có rất nhiều kênh để tiếp cận thông tin nhưng ở những vùng khó khăn thì chưa chắc. Do đó chúng ta phải có những cách tuyên truyền phù hợp như cán bộ phải đến tận nơi hoặc có những hình thức tuyên truyền bằng giấy, video clip.

Nhưng tôi vẫn phải nhắc lại việc người lao động cũng phải có ý thức bảo vệ bản thân. Chúng ta bỏ ra rất nhiều tiền để đi làm việc ở nước ngoài thì phải cân nhắc. Không thể có việc đi dễ dàng, không thể có việc ra nước ngoài làm việc mà có “việc nhẹ lương cao”, bất chấp cả quy trình đi. Những người như thế là chưa nhận thức đúng về các quy định đi làm việc ở nước ngoài, chưa ý thức đúng về công sức, số tiền mình bỏ ra, chưa ý thức đúng về chính bản thân mình. Do đó, ngoài trách nhiệm của các cơ quan chức năng thì ý thức của người lao động là vô cùng quan trọng.

Cùng với đó, chúng ta cũng cần phải có hành lang pháp lý chặt chẽ, phải có hình thức xử lý mạnh tay, sẵn sàng có những vụ việc đưa ra xử lý để răn đe, làm điểm để hạn chế tình trạng này. Ví dụ như mới đây, chúng ta có vụ việc hàng chục người phải bơi qua sông để trốn về từ Campuchia khi tin rằng đi làm “việc nhẹ lương cao”. Rất đau xót! Cho nên với những vụ việc, đối tượng như thế phải xử lý thật nghiêm để răn đe các đối tượng khác.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phan Hoạt (thực hiện)
.
.