Xuất khẩu đang ngược dòng tăng tốc

Thứ Sáu, 03/11/2023, 07:27

Kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa đã dần được cải thiện qua các quý, đây là những tín hiệu tích cực đối với doanh nghiệp (DN). Các chuyên gia khẳng định khi nhu cầu thế giới đang có dấu hiệu hồi phục, DN Việt Nam bắt đầu có xu hướng nhập khẩu nhiều hơn, giúp XK của Việt Nam đạt tăng trưởng khá trong những tháng cuối năm.

Theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) tiếp tục có những tín hiệu tích cực, đã lấy lại đà tăng trưởng trong tháng 10/2023 sau khi chững lại trong tháng trước. Tổng kim ngạch XNK hàng hóa tháng 10 ước đạt 61,62 tỷ USD, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, tổng kim ngạch XNK hàng hóa ước đạt 557,95 tỷ USD, trong đó XK ước đạt 291,28 tỷ giảm 7,1% (cùng kỳ đạt 313,5 tỷ USD), cho thấy mức suy giảm trong tăng trưởng XK đã thu hẹp đáng kể so với mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023. Cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 24,61 tỷ USD.

2.jpg -0
Trung Quốc là thị trường đứng đầu về thị phần xuất khẩu rau, quả của Việt Nam.

Trong tháng 10/2023, kim ngạch XK hầu hết các mặt hàng chính đều đạt mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm ngoái do sự phục hồi ở phía cầu và mức nền tương đối thấp của các tháng cuối năm 2022, trong đó, XK nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục có sự phục hồi tích cực trong tháng 10 với kim ngạch XK tăng 4,6%. XK một số mặt hàng công nghiệp chế biến như dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ…, đã có tín hiệu phục hồi tích cực trong thời gian gần đây.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) cũng cho biết, quý IV/2023, ngành dệt may khởi sắc hơn khi thị trường nội địa và XK đã có nhu cầu trở lại. Tuy thị trường XK chưa đạt được mục tiêu như các năm trước nhưng đơn hàng của DN đã dần phục hồi khoảng 80% so với trước. Điều này đã tạo động lực thôi thúc DN tập trung vào sản xuất và hoàn thành đơn hàng sản xuất. Đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng cho biết, ngành dệt may đã qua “đáy xấu nhất” và đang xuất hiện nhiều điểm sáng. Gần đây, đối tác từ châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á… đến tìm hiểu sản phẩm may mặc đã tạo kỳ vọng cho sản lượng XK hàng dệt may tăng trưởng tích cực.

Đối với ngành gỗ và sản phẩm gỗ, ông Huỳnh Quang Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long cho biết, trong quý III/2023, thị trường XK gỗ đã dần phục hồi. Do đó, dự báo năm 2024, XK gỗ và sản phẩm gỗ sẽ phục hồi. Hiện Công ty đã nhận được một số đơn hàng cho vụ mới, cũng đã có khách hỏi báo giá, mẫu đã có. Thị trường đã bắt đáy và theo quy luật khi chạm đáy rồi sẽ từ từ lên.

Bộ Công Thương cho biết,  10 tháng qua, các sản phẩm của ngành nông nghiệp tiếp tục có những đóng góp ấn tượng, là điểm sáng trong hoạt động XK cả nước, đặc biệt là các nhóm hàng nông sản như gạo, rau quả, cà phê, hạt điều… Kim ngạch XK nhóm hàng nông, thủy sản trong tháng 10 ước đạt 3 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là nhóm hàng duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng trong 10 tháng năm 2023, với kim ngạch XK ước đạt 26,7 tỷ USD, tăng 3,8%.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả cho rằng, nguyên nhân rau quả XK tăng mạnh là Việt Nam đã XK chính ngạch vào các thị trường, trong đó có Trung Quốc. Đặc biệt, sầu riêng là loại trái cây “át chủ bài” giúp kim ngạch rau quả tăng trưởng vượt bậc. Hiện, Trung Quốc là thị trường đứng đầu về thị phần XK rau quả của Việt Nam đạt 65%, tăng 22% so cùng kỳ 2022.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T cho biết, sầu riêng Việt Nam xuất sang Trung Quốc năm nay có thể đạt kim ngạch 2 tỷ USD. XK sầu riêng khá thuận lợi, nhưng ngành rau quả vẫn còn những khó khăn tại thị trường Trung Quốc khi thanh long, bưởi, nhãn của Việt Nam phải cạnh tranh với sản phẩm nội địa và hàng XK từ nhiều quốc gia khác. Vì vậy, DN cần cải thiện chất lượng để hàng Việt không bị mất thị phần tại thị trường này. Theo ông Tùng, nếu DN biết tận dụng lợi thế, quy mô, nâng cao chất lượng và sản xuất hàng đúng vào các mùa cao điểm tiêu thụ của Trung Quốc như Trung thu, Quốc khánh, Tết Nguyên đán... thì rau quả Việt có thể thắng lớn ở thị trường Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, từ nay đến cuối năm dù có những tín hiệu tích cực, song dự báo bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Để giữ vững mục tiêu XK năm 2023 tăng 6% so với năm 2022 là cả sự nỗ lực lớn đối với DN. Điều này đòi hỏi DN phải chủ động đa dạng hóa thị trường, tìm đến các thị trường mới tiềm năng và linh hoạt ứng phó với những khó khăn ngắn hạn.

Để thúc đẩy XK, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền thông tin thị trường cho các DN. Theo đó, tập trung vào xây dựng hình ảnh của DN XK Việt Nam uy tín. Cùng đó, các DN cần tận dụng hiệu quả cơ hội từ các FTA và sớm hoàn tất các thủ tục để tiến hành ký kết Hiệp định FTA với Israel, đẩy nhanh đàm phán ký kết FTA với các thị trường tiềm năng như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) hay Cộng đồng thị trường Nam Mỹ (Mercosur).

Lưu Hiệp
.
.