Triệt phá đường dây cấp giấy phép lao động giả và đưa hối lộ hơn 10 tỷ đồng

Các đối tượng đã làm giả giấy tờ như thế nào? (bài 2)

Thứ Bảy, 15/07/2023, 08:05

Thông qua mạng xã hội hoặc tham gia các hội nhóm trên Zalo, Facebook, Wechat, các đối tượng đăng tin nhận dịch vụ cấp các giấy tờ thủ tục cho người nước ngoài (NNN) chỉ cần hộ chiếu và ảnh. Sau khi liên lạc, thỏa thuận, thống nhất giá, các đối tượng nhận hộ chiếu, ảnh của NNN, trực tiếp hoặc qua nhiều đối tượng khác làm giả các tài liệu trong thành phần hồ sơ xin cấp giấy phép lao động (GPLĐ) cho NNN.

1.Theo quy định của pháp luật, thành phần hồ sơ xin ở lại cho NNN phải có GPLĐ hoặc giấy tờ khác chứng minh đủ điều kiện. Do đó, trong vụ án này, các đối tượng phạm tội dùng thủ đoạn lập doanh nghiệp “ma” hoặc ghép vào các doanh nghiệp có sử dụng lao động nước ngoài, nhưng thực tế NNN không làm việc tại các doanh nghiệp đó nên các đối tượng phạm tội đã làm giả con dấu, tài liệu để xin cấp GPLĐ, sau đó sử dụng GPLĐ để làm hồ sơ xin phép cho NNN để ở lại Việt Nam.

Các đối tượng đã làm giả giấy tờ như thế nào?(bài 2) -0
Các bị can Đặng Quang Việt và Nguyễn Thành Nhân (từ trái qua phải).

Cụ thể, thông qua mạng xã hội hoặc tham gia các hội nhóm trên Zalo, Facebook, Wechat, các đối tượng đăng tin, nhận dịch vụ xin cấp giấy tờ cho NNN chỉ cần hộ chiếu và ảnh. Sau khi liên lạc, thỏa thuận thống nhất giá, các đối tượng nhận hộ chiếu, ảnh của NNN, trực tiếp hoặc qua nhiều đối tượng khác làm giả các tài liệu trong thành phần hồ sơ xin cấp GPLĐ cho NNN gồm: Văn bản giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài; văn bản về việc cấp/cấp lại GPLĐ cho người lao động nước ngoài; hợp đồng lao động; phiếu lý lịch tư pháp số 1 hoặc văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; giấy khám sức khỏe/giấy chứng nhận sức khỏe; văn bản chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật; giấy giới thiệu (người nộp hồ sơ); bản cam kết không đi qua vùng dịch.

Để không bị thanh tra, kiểm tra phát hiện việc làm giả con dấu, tài liệu trong hồ sơ và được cấp GPLĐ, các đối tượng phạm tội thường móc nối, đưa hối lộ cho cán bộ trực tiếp tiếp nhận, thẩm định, đề xuất cấp GPLĐ tại các Sở LĐTB&XH, Ban Quản lý KCN các tỉnh, thành phố. Việc giao nhận tiền được thực hiện bằng đưa tiền mặt hoặc chuyển khoản vào tài khoản của các cán bộ trên hoặc tài khoản mang tên người khác nhưng do chính cán bộ đó sử dụng, trực tiếp rút tiền, chuyển tiền (trước đó, những cán bộ này mượn hoặc nhờ người khác mở tài khoản, nhưng đăng ký dịch vụ giao dịch qua ngân hàng điện tử bằng số điện thoại của chính họ).

Sau khi có GPLĐ, để làm thủ tục cho NNN ở lại Việt Nam, các đối tượng phạm tội tải và in từ mạng Internet các biểu mẫu theo quy định, đóng dấu, ký giả chữ ký giám đốc các doanh nghiệp “ma”, gửi kèm theo hộ chiếu, ảnh thẻ NNN cho các đối tượng trung gian (thường là các công ty làm dịch vụ) để các đối tượng này điền thông tin NNN trên các biểu mẫu và trực tiếp đi nộp hồ sơ tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh. Đây là một thủ đoạn của những kẻ chủ mưu làm giả hồ sơ nhằm che giấu nhân thân, xóa dấu vết khi bị cơ quan chức năng phát hiện, điều tra.

Quá trình đấu tranh, Phòng Điều tra tổng hợp tại TP Hồ Chí Minh xác định, từ tháng 6/2020 đến tháng 12/2021, Sẳm Nhịt Sau nhận hộ chiếu, ảnh thẻ của NNN và một số giấy tờ khác từ Nguyễn Văn Trường (12 hồ sơ) và một số đầu mối trung gian, nhân viên bộ phận nhân sự của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương (406 hồ sơ) để làm 619 hồ sơ xin cấp GPLĐ cho NNN làm việc tại 113 doanh nghiệp  (trong đó có 5 hồ sơ xin cấp GPLĐ do Chi nhánh Công ty Tuấn Lộc Phát bảo lãnh), với giá từ 6 đến 8 triệu đồng/GPLĐ.

Sau đó, Sẳm Nhịt Sau thỏa thuận chi cho Nguyễn Kiên Cường, Chuyên viên Phòng Chính sách lao động Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương từ 3 đến 6 triệu đồng/GPLĐ để được tạo điều kiện giải quyết cấp GPLĐ đối với các hồ sơ do Nhịt Sau nộp tại Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương và được Cường đồng ý.

Quá trình đấu tranh, Cơ quan điều tra xác định, Sẳm Nhịt Sau nhận hộ chiếu, ảnh thẻ của NNN để làm 619 hồ sơ xin cấp GPLĐ với tổng số tiền khoảng 3,7 tỷ đồng. Sẳm Nhịt Sau chi 879 triệu đồng để thuê Trần Mai Hồng, Quảng Thành Thao, Nguyễn Đức Thành và một số đối tượng khác làm giả 1.465 tài liệu. Sau khi đưa hối lộ, nộp tiền lệ phí cấp GPLĐ, Sẳm Nhịt Sau thu lợi bất chính 630 triệu đồng.

Quảng Thành Thao thỏa thuận và nhận ảnh chụp hộ chiếu, ảnh thẻ của NNN do Sẳm Nhịt Sau gửi qua Zalo để làm giả 498 tài liệu, gồm phiếu lý lịch tư pháp nước ngoài và văn bản chứng minh là nhà quản lý/giám đốc điều hành/chuyên gia/lao động kỹ thuật có đóng dấu chứng thực chữ ký người dịch thuật của Phòng Tư pháp quận 10, Phòng Tư pháp quận Phú Nhuận; giấy khám sức khỏe có đóng dấu Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh. Quảng Thành Thao không trực tiếp làm giả mà thuê “Khánh” và “Nam” làm giả 498 tài liệu trên. Quảng Thành Thao được Sẳm Nhịt Sau thanh toán chi phí làm giả tài liệu hơn 298 triệu đồng, Cơ quan điều tra xác định Quảng Thành Thao thu lợi bất chính hơn 19 triệu đồng.

Trần Mai Hồng thỏa thuận và nhận ảnh chụp hộ chiếu, ảnh thẻ của NNN do Sẳm Nhịt Sau gửi qua Zalo để làm giả 413 tài liệu, gồm phiếu lý lịch tư pháp nước ngoài/ văn bản chứng minh là nhà quản lý/giám đốc điều hành/chuyên gia/lao động kỹ thuật có đóng dấu chứng thực chữ ký người dịch thuật của Phòng Tư pháp quận 5, Phòng Tư pháp quận 10, Phòng Tư pháp quận Phú Nhuận; giấy khám sức khỏe có đóng dấu Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Y Dược Sài Gòn… Trần Mai Hồng được Sẳm Nhịt Sau thanh toán chi phí làm giả tài liệu, tổng cộng 247 triệu đồng… Sau khi trừ chi phí, Trần Mai Hồng thu lợi bất chính hơn 41 triệu đồng.

2.Ngoài hành vi làm giả 413 tài liệu cung cấp cho Sẳm Nhịt Sau và thu lợi bất chính hơn 41 triệu đồng, Trần Mai Hồng còn có hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; đưa hối lộ liên quan đến 626 hồ sơ xin cấp GPLĐ tại Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương, thu lợi hơn 300 triệu đồng.

Cụ thể, từ đầu năm 2017, Trần Mai Hồng tự giới thiệu là kế toán cho một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, thường xuyên liên hệ với Nguyễn Kiên Cường để nhờ tư vấn về chính sách lao động, bảo hiểm, tiền lương... cho người lao động. Trần Mai Hồng đặt vấn đề và thỏa thuận chi cho Nguyễn Kiên Cường từ 3 đến 6 triệu đồng/GPLĐ để được tạo điều kiện giải quyết cấp GPLĐ cho NNN làm việc tại một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương và được Cường đồng ý.

Từ tháng 3/2017 đến tháng 6/2021, Trần Mai Hồng nhận hộ chiếu, ảnh thẻ của NNN và một số giấy tờ khác kèm theo văn bản đăng ký nhu cầu sử dụng lao động NNN, hợp đồng lao động (đã có chữ ký, đóng dấu của doanh nghiệp) từ nhân viên bộ phận nhân sự của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương hoặc đầu mối trung gian để làm 626 hồ sơ xin cấp GPLĐ cho NNN làm việc tại 57 doanh nghiệp, với giá từ 5,5 đến 8,3 triệu đồng/GPLĐ. Để bổ sung đủ thành phần 626 hồ sơ xin cấp GPLĐ cho NNN nêu trên, Trần Mai Hồng không trực tiếp làm giả mà thuê Lec Jacob và “Annie Ngân” làm tổng cộng 1.479 tài liệu giả, với giá 500.000đ/01 tài liệu (Lec Jacob làm giả 1.264 tài liệu, “Annie Ngân” làm giả 215 tài liệu).

 Với thủ đoạn tương tự như trên, các đối tượng đã làm giả 1.091 phiếu lý lịch tư pháp nước ngoài và văn bản chứng minh là nhà quản lý/giám đốc điều hành/chuyên gia/lao động kỹ thuật có đóng dấu chứng thực chữ ký người dịch thuật của Phòng Tư pháp quận 5, Phòng Tư pháp quận 10; 388 giấy khám sức khỏe có đóng dấu Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. Khi có tài liệu, Lec Jacob, “Annie Ngân” trực tiếp mang đến địa chỉ số 19, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh giao cho Trần Mai Hồng, được Hồng thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt (Lec Jacob được thanh toán hơn 600 triệu đồng, “Annie Ngân” được thanh toán hơn 100 triệu đồng).

Trần Mai Hồng đã trực tiếp nộp hồ sơ hoặc chỉ đạo Vũ Hoài Thanh đến Bộ phận một cửa thuộc Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương nộp 626 hồ sơ xin cấp GPLĐ cho NNN nêu trên. Toàn bộ 626 hồ sơ này được Nguyễn Kiên Cường thẩm định, đề xuất lãnh đạo Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương duyệt ký, cấp 626 GPLĐ cho NNN.

Theo thỏa thuận, Trần Mai Hồng chi cho Nguyễn Kiên Cường từ 3 đến 6 triệu đồng/GPLĐ. Tuy nhiên, do có mối quan hệ thân thiết, tin tưởng nhau nên Trần Mai Hồng chuyển trước tiền cho Nguyễn Kiên Cường hoặc sau khi có GPLĐ Trần Mai Hồng cộng dồn số lượng GPLĐ được cấp để chuyển tiền một lần. Từ ngày 29/9/2017 đến ngày 07/6/2021, Trần Mai Hồng chỉ đạo số đối tượng làm thuê 34 lần nộp tiền mặt, tổng cộng hơn 2 tỷ đồng vào tài khoản của Nguyễn Kiên Cường.

Theo sự chỉ đạo của Trần Mai Hồng, Vũ Hoài Thanh làm giả 2.495 tài liệu đưa vào 1.055 hồ sơ xin cấp GPLĐ cho NNN làm việc tại 244 doanh nghiệp, được Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương cấp 1055 GPLĐ. Vũ Hoài Thanh đưa hối lộ cho Nguyễn Kiên Cường hơn 4,4 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 400 triệu đồng.

Mở rộng điều tra, Phòng Điều tra tổng hợp tại TP Hồ Chí Minh xác định Vũ Hoài Thanh còn làm giả 1.395 tài liệu đưa vào 467 hồ sơ xin cấp GPLĐ cho NNN làm việc tại 94 doanh nghiệp, được Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương cấp 467 GPLĐ. Vũ Hoài Thanh đưa hối lộ cho Hoàng Thanh hơn 1,5 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 233 triệu đồng.

Xuân Mai
.
.