Vẫn cam go cuộc chiến chống buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam: "Nóng" trong mùa nước nổi

Thứ Tư, 21/09/2022, 09:18

Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long dâng cao cũng là thời điểm các đối tượng buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam hoạt động rầm rộ. Dân buôn lậu dùng xuồng máy cải tiến, nâng cấp, chạy băng đồng với tốc độ cao, né chốt kiểm soát trên bờ, đưa hàng lậu đến điểm tập kết trên bờ nội địa. Công tác phòng, chống buôn lậu mùa nước nổi vì thế phải đối mặt nhiều cam go...

Hàng lậu “tràn” theo con nước

Năm nay, nước về sớm và cao hơn cùng kỳ nên các cánh đồng vùng biên giới Tây Nam ngập sâu. Việc này kéo theo hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới gia tăng. Các đối tượng vận chuyển hàng lậu, sử dụng nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi, vận chuyển hàng lậu qua biên giới.

Tỉnh An Giang có đường biên giới dài gần 100km, tiếp giáp với 2 tỉnh Takeo, Kandal (Campuchia), có 2 cửa khẩu quốc tế (Vĩnh Xương, Tịnh Biên), 2 cửa khẩu quốc gia (Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông), có trên 20 con kênh và trên 30 đường mòn lối mở. Đặc biệt, một số khu vực tiếp giáp của 2 nước không có vùng đệm nên hàng lậu dễ dàng được các đối tượng đai vác, vận chuyển vào nhà dân sống ven biên giới gây khó khăn cho công tác kiểm tra, bắt giữ.

Vẫn cam go cuộc chiến chống buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam:

Theo ghi nhận của PV Báo CAND, thời điểm này, các đầu nậu bên kia bên giới không tập kết hàng vào kho mà cho chở hàng trên ghe lớn đậu dọc trên đồng nước. Lợi dụng lúc không có lực lượng chức năng, các đối tượng chia nhỏ hàng hóa, sử dụng xuồng, vỏ lãi công suất lớn chở hàng phóng bạt mạng trên cánh đồng về các điểm tập kết hàng ở TP Châu Đốc, huyện An Phú, huyện Tịnh Biên (An Giang). Đối với mặt hàng thuốc lá, sau khi vào nội địa, từ các điểm tập kết, các đối tượng dùng xe máy giao hàng hoặc trà trộn, cất giấu vào các phương tiện chở hàng khác, vận chuyển về TP Long Xuyên (An Giang), TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh… để tiêu thụ. Còn tại Tịnh Biên (An Giang), hàng lậu sau khi được tập kết sẽ được các đối tượng ở Hà Tiên (Kiên Giang) dùng xe tải, ôtô lên nhận để chở về Kiên Giang tiêu thụ…

“Quá trình vận chuyển nếu phát hiện có lực lượng chức năng, các đối tượng cho xe chạy vào các tuyến đường dọc theo các kênh, rạch nhỏ, luồn lách để không bị bắt. Nếu có biến động, bọn chúng “ém hàng” tại các điểm trung chuyển, chờ thời điểm thích hợp tiếp tục vận chuyển hàng lậu vào sâu trong nội địa giao cho các đầu mối”, một cán bộ trinh sát thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh An Giang cho biết.

Khoảng 9h50 ngày 31/8, người dân báo tin có 2 đối tượng đang điều khiển vỏ lãi vận chuyển thuốc lá lậu từ hướng biên giới Campuchia về tập kết tại khu vực bờ kênh Vĩnh Tế (thuộc tổ 1, ấp Bà Bài, xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc, An Giang) để lên xe máy đang chờ sẵn chở đi tiêu thụ. Tổ công tác liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang phối hợp với Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh và Công an TP Châu Đốc nhanh chóng cơ động đến địa điểm. Phát hiện tổ công tác, 2 đối tượng liền lên vỏ lãi bỏ chạy, thấy không thể tẩu thoát, đối tượng liền nhấn chìm vỏ lãi cùng thuốc lá lậu rồi bơi vào bờ thoát thân. Tiến hành trục vớt, tổ công tác phát hiện đối tượng bỏ lại 1.500 bao thuốc lá ngoại nhập lậu, 1 máy nổ và 1 xe máy tại điểm tập kết. 

Tại Đồng Tháp, sau gần 2 năm “giảm nhiệt” do dịch COVID-19, tình hình buôn lậu có dấu hiệu đã gia tăng trở lại. Thường Thới Hậu A là xã biên giới thuộc huyện Hồng Ngự, có đường biên giới dài 5,7km tiếp giáp với xã Coc Xăm Pư (tỉnh PrayVeng, Campuchia). Địa bàn này có nhiều đường mòn, lối mở, kênh rạch chằng chịt, tiềm ẩn yếu tố phức tạp về buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới. Các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức vận chuyển hàng cấm vào nội địa.

Trung tá Nguyễn Hồng Châu, Trưởng Công an xã Thường Thới Hậu A cho biết, các đối tượng cử người canh coi, dò đường, cảnh giới từ xa khi phát hiện lực lượng chức năng dùng điện thoại để thông báo cho nhau né tránh, sử dụng xe máy đã thay đổi đặc tính xe, điều khiển xe chạy với tốc độ cao nhằm tránh sự rượt đuổi của lực lượng chức năng, hoặc dùng ôtô du lịch, ôtô tải ngụy trang để chở hàng cấm. “Các đối tượng thường xuyên thay đổi quy luật hoạt động, thời gian để vận chuyển hàng lậu trót lọt”, Trung tá Nguyễn Hồng Châu nói.

Vẫn cam go cuộc chiến chống buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam:
Công an tỉnh An Giang bắt giữ vụ vận chuyển 51kg vàng qua biên giới do Mười Tường và đồng bọn thực hiện.

Thời gian gần đây, một số đối tượng đã chuyển sang vận chuyển hàng cấm từ hướng Tân Thạnh (tỉnh Long An) về huyện Tam Nông (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp). Các đối tượng ăn mặc ngụy trang như shipper giao hàng hay người đi làm đồng để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng. Thuốc lá lậu được giấu trong các gói hàng, thùng nước đá, can nhựa đi vào các xã của huyện Tam Nông và Thanh Bình. Điển hình, Huỳnh Văn Hậu (SN 1987, thị trấn Thanh Bình) bị bắt giữ khi đang vận chuyển 800 gói thuốc lá lậu. Hậu ăn mặc như shipper giao hàng và dán bên ngoài giỏ hàng, gói hàng là phiếu giao hàng, có mã QR, có địa chỉ người nhận.

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Kiên Giang, các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn diễn ra với phương thức nhỏ lẻ, chủ yếu trên tuyến biên giới Hà Tiên – Giang Thành và phía bắc đảo Phú Quốc. Các đối tượng buôn lậu lợi dụng đêm tối, sự sơ hở trong công tác kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng và địa hình phức tạp, đường mòn, lối mở, chia nhỏ hàng hóa, thuê người mang vác qua biên giới, vận chuyển hàng lậu vào nội địa để tiêu thụ, sẵn sàng chống trả các lực lượng chức năng khi bị vây bắt.

Thủ đoạn mới

Theo ông Trần Quốc Hoàn, Cục trưởng Cục Hải quan An Giang, đáng chú ý, thời gian qua trên địa bàn đã phát sinh tình trạng doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận về thuế đối với mặt hàng nông sản nhập khẩu, trong đó có mặt hàng lúa. Phương tiện vận tải cơ bản thực hiện tốt thủ tục xuất nhập cảnh, bốc dỡ hàng hóa đúng quy định, cá biệt có trường hợp sử dụng giấy tờ đăng ký phương tiện thủy và biển số phương tiện sai thực tế. Có hiện tượng các đối tượng đưa hàng lậu trà trộn đi ngay cửa khẩu cùng các lô hàng được làm thủ tục hải quan, chở trên các phương tiện xuất nhập cảnh đã làm thủ tục hải quan.

Các đối tượng thường tìm mọi thủ đoạn để nhập lậu thuốc lá qua biên giới. Phương thức thủ đoạn có điểm mới so với trước là không tập kết hàng tại một điểm nhất định mà nhanh chóng chuyển sang phương tiện khác để vận chuyển sâu vào nội địa tiêu thụ, điểm trung chuyển được thay đổi thường xuyên. Đối tượng vận chuyển là cư dân biên giới thông thạo địa bàn, dưới sự điều hành của một số đầu nậu, sử dụng mọi loại phương tiện để thực hiện hành vi buôn lậu, từ vận chuyển bằng xe máy, xuồng gắn máy có công suất lớn chạy với tốc độ cao, vận chuyển nhỏ lẻ, nhiều lần từ biên giới Campuchia qua các đường mòn cánh gà cửa khẩu, qua đồng ruộng, kênh rạch và cả tuyến quốc lộ để vận chuyển hàng lậu.

Thiếu tá Lê Văn Quân, Đồn Phó nghiệp vụ phòng Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn – Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang chỉ ra một phương thức, thủ đoạn buôn lậu mới, hết sức tinh vi. Trước đây, đối với mặt hàng xe đạp, các đối tượng sẽ tháo rời từng bộ phận rồi cất giấu, ngụy trang trong các xe tải chở cá, hoa quả hoặc xe ôtô, xe khách để vận chuyển đi tiêu thụ. Thời gian qua, đơn vị phát hiện có trường hợp, đối tượng lợi dụng các cháu học sinh vận chuyển xe đạp lậu từ trên biên giới vào nội địa bằng cách cho các cháu trực tiếp đạp xe, nếu trót lọt mỗi chiếc sẽ trả tiền công từ 200.000 đồng – 300.000 đồng.

Đại tá Lý Kế Tùng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang cho biết, thời gian gần đây các đối tượng lợi dụng sơ hở về giấy tờ, chở hàng hoá nghi nhập lậu từ các tỉnh, thành phố khác về An Giang, sau đó từ An Giang vận chuyển đi phân phối ngược lại các tỉnh khác. Bên cạnh đó, do tuyến biên giới được canh phòng chặt chẽ, các đối tượng đã triệt để tận dụng việc qua lại các cửa khẩu, thường xuyên trà trộn hàng lậu là hàng có giá trị cao như: vàng, USD, tổ yến…. có vụ lực lượng phát hiện, bắt giữ có trị giá lên hàng tỷ đồng.

Sáu tháng đầu năm 2022, lực lượng Công an toàn tỉnh An Giang đã kiểm tra, bắt giữ giảm 534/775 vụ, liên quan 410 đối tượng, tổng trị giá hàng hoá tăng 135,882/13,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021; giảm 531/618 vụ, trị giá hàng hoá tăng 135,882/46,943 tỷ đồng so với liền kề. Xử lý hình sự 7 vụ/12 đối tượng, tổng trị giá khoảng 20,630 tỷ đồng. Xử lý vi phạm hành chính 230 vụ/232 đối tượng, tổng tiền phạt 3,82 tỷ đồng. Ra quyết định tịch thu hàng hoá 8 vụ do không xác định được người vi phạm.

Trần Lĩnh – Văn Vĩnh
.
.