Chuyện phụ mẫu

Thứ Hai, 17/08/2015, 11:00
Tuần qua, chúng ta vô cùng cảm động và sung sướng khi hàng trăm Cảnh sát cùng những người thợ đào giếng sau những nỗ lực tột cùng đã cứu thành công bé gái bị rơi xuống khe giếng khoan sâu tới 13m.
Báo chí khắp nơi đăng những hình ảnh xúc động của những anh hùng như một cách khép lại câu chuyện có hậu. Chúng ta cảm ơn những người cứu mạng và ngủ rất ngon, ngáy rất to, mơ rất vui. Rất ít người quan tâm đến nguyên nhân phòng, chống những tình huống tương tự xảy ra trong tương lai.

Ngạc nhiên chưa? Ai dám chắc chuyện tương tự sẽ không bao giờ xảy ra. Muốn chặn đứng việc đó cần trả lời câu hỏi ai là tác giả của giếng khoan đó? Vì sao họ không xử lý các thao tác an toàn để xảy ra câu chuyện thót tim trên? Hiện nay có bao nhiêu đơn vị thi công đang để công trường của mình trong tình trạng mất an toàn? Nếu không đặt ra câu hỏi thì không bao giờ có câu trả lời và những chuyện thót tim sẽ không dừng lại. Khi đó chúng ta cần huy động bao nhiêu cảnh sát, thợ đào giếng cho đủ?

Nhiều người cho rằng đó là chuyện trẻ con nghịch dại, ai mà bao quát được. Nói như thế là vô trách nhiệm. Trong một cuốn sổ tay an toàn của ngành dầu khí có một câu thế này: "Mọi tai nạn không tự nhiên sinh ra mà do chính chúng ta tạo ra nó".

Vì sao ở nước ngoài luôn có các biển cảnh báo nguy cơ thang cuốn với trẻ con? Trong khi đó, ở ta rất ít cảnh báo dạng này. Thang cuốn siêu thị vốn là một cầu thang dành cho người khéo léo nhưng quá nhiều phụ huynh sẵn sàng để con cái 2 tuổi đến 4 tuổi tự đi không cần ai giúp. Nguy cơ kẹp ngón chân, tay là rất lớn khi các cháu bé bò hoặc bị ngã. Việc bị kẹp chân đã từng xảy ra và trong tuần này lại tiếp tục xảy ra với một cháu bé ở Hà Nội.

Trước cảnh một cháu bé tự đi thang cuốn, phản ứng của người khác sẽ chia làm 2 dạng. Một là ái ngại nhưng không dám can thiệp vào chuyện gia đình khác. Hai là bức xúc, mắng thẳng phụ huynh cháu bé. Thái độ thứ hai thường gây sốc, nhưng đi trúng vào nguyên nhân gốc rễ của tai nạn.

Nếu xem các clip của thế giới thì các nước khác có những tai nạn sốc hơn nhiều. Thí dụ như việc có cháu ôm cái tay vịn chuyển động của thang cuốn và để nó kéo văng rơi xuống tầng dưới. Khi hiểu câu "Mọi tai nạn đều do chúng ta tạo ra" thì đã có câu trả lời ngầm định trong đó.

Giặc đói, giặc dốt đã giải quyết xong, nhưng giặc tai nạn, giặc ẩu còn đó. Về nguyên tắc có thể giải quyết được nếu có ý thức cao. Như vậy hàng ngày chúng ta không còn phải đọc những cái tiêu đề báo như "Đưa võng bất cẩn, 1 cháu bé …"; "Chui vào cốp ôtô, hai em bé…; “Cha mẹ chủ quan, con chui vào máy giặt…”; “bé 17 tháng tuổi uống nước thủy ngân trong lọ tăm”…

Các phụ huynh mải làm mải ăn vẫn để các cháu tự chơi, khi đi tắm biển cũng để các cháu tự tắm và chẳng mấy ai phân tích cho các con thế nào là dòng nước ngược xa bờ. Khi có chuyện thì họ nghĩ dùng số phận và những thứ tâm linh để biện minh. Muốn con cái an toàn thì phụ huynh đừng quên rằng chính mình đẻ ra chúng và phải nhận mọi trách nhiệm về chúng.

Thời đại văn minh của chúng ta đã tiến những bước dài, nhưng có những tên gọi mang giá trị của quá khứ cũng rất đáng trân trọng. Thời xưa, người ta gọi vị quan do triều đình cắt đặt là quan phụ mẫu. Phụ mẫu là cha mẹ của dân, là người thương và chăm lo cho dân như con của mình. Trong vương quốc gia đình thì vai trò cha mẹ không khác gì vua. Vua đương nhiên phải lo nghĩ trước dân. 

Nói rộng ra rồi hẹp lại, bạn có coi việc con cái mình là việc của người khác không?

Lê Tâm
.
.