Có nên phạt 'quả chuông' không?

Thứ Hai, 16/03/2015, 10:30
Chưa có quốc gia nào gặp lắm chuyện oái oăm như xứ ta. Những tinh hoa nhan sắc của chúng ta đã được cử đi thi đấu không ít lần thì chẳng có ai đăng quang. Trong số ấy, những thí sinh đi thi không xin phép cơ quan quản lý cũng không hề ít. Thi chui thì phải phạt. Chế tài thì ngày càng siết lại, kẻo lơ là rồi không răn được "các cháu".

Đang bình yên đón xuân mới, đánh đùng một phát, giữa ban ngày ban mặt, một thí sinh chui đã đăng quang giải Nam vương thế giới (Mister Global 2015) tại Thái Lan. Thật khó mà chấp nhận được. Anh chàng này không phải dạng vừa đâu. Đã chui là chui sang hẳn Thái Lan và đứng dậy tỏa sáng. Có nên tự hào không nhỉ. Một con rồng cháu tiên giành đỉnh nam vương. Á quân là một chàng trai cường quốc sắc đẹp Venezuela và một chàng trai nước chủ nhà. Tự hào thì cũng ngại. Đã được cấp phép đâu mà tự hào.

Giữa thời bùng nổ giao lưu quốc tế, các nhà quản lý của chúng ta ngày đêm vắt tay lên trán lo nghĩ sao cho hòa nhập mà không hòa tan. Việc trên dưới rõ ràng phải có phép tắc. Thế là các văn bản được đưa ra để bịt những lỗ hổng quản lý. Ấy thế mà lại có chuyện thi "chui". "Chui" đi đâu mất tiêu còn đỡ. Đằng này lại đăng quang trên đỉnh, tỏa sáng, lại nhiều fan hâm mộ rầm rộ. Phức tạp quá.

Ê kíp của Sơn đã biết điều gì sẽ phải tới và đã sẵn sàng đón nhận mức phạt của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Xét về hành chính thì đúng là không chui đâu cho thoát. Không xin phép thì chớ trách việc công phép nước. Dù bị tước danh hiệu nhưng cái danh hiệu quốc tế công nhận vẫn là một kết quả  không thể biên tập lại được. Nên chăng cần thoáng hơn cho những trường hợp tương tự. Quản lý không có nghĩa biến các văn bản quy định thành những sợi lạt xoắn cứng cựa.

Đang nói chuyện chàng Sơn này lại nhớ tới 35 năm trước với chuyện một chàng Sơn khác. Chàng Sơn ấy nổi danh sau khi đoạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin lần thứ X (1980) ở Warszawa (Ba Lan). Đó không chỉ là lần đầu tiên Việt Nam mà còn là lần đầu tiên một nghệ sĩ dương cầm châu Á đoạt giải nhất tại cuộc thi danh tiếng này. Xin thưa, đó chính là nghệ sĩ Đặng Thái Sơn lừng lẫy của chúng ta.

Kể từ khi đoạt giải Chopin, Đặng Thái Sơn đã trình diễn hầu như ở tất cả các phòng hòa nhạc nổi tiếng như Lincoln Center (New York), Jordan Hall (Boston), Barbican Centre (London), Salle Pleyel (Paris), Herkulessaal (München), Musikverein (Wien), Concertgebouw (Amsterdam), Opera House Sydney (Sydney) và Suntory Hall (Tokyo).

Minh họa của Lê Tiến Vượng­.

Ông đã tham gia các dàn nhạc lớn như Orchestre Symphonique de Montréal, BBC Philharmonic, Praha Symphony Orchestra, Moskva Philharmonic Orchestra cũng như Virtuosi of Moscow, Wiener KammerOrchester, Orkiestra Filharmonii Narodowej  Warszawie và Sydney Symphony... và đã thu âm tại Deutsche Grammophon, Melodia, Polskie Nagrania, CBS Sony và các hãng thu nhạc nổi tiếng khác.

Năm 1984, Đặng Thái Sơn là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được trao tặng danh hiệu NSND khi đó ông mới 26 tuổi và là nghệ sĩ nhân dân trẻ nhất khi được trao tặng danh hiệu này từ trước đến nay.

Vậy có liên quan gì khi nhắc đến nghệ sĩ Đặng Thái Sơn nhỉ? Có đấy. Thời đó Đặng Thái Sơn đi thi và không hề xin phép cơ quan quản lý nào. Nhưng khi đó cả nước vỡ òa sung sướng và không có ai phàn nàn nửa câu. Ai cũng cói vinh quang đó thuộc về mình. Tất nhiên so sánh thì bao giờ cũng khập khiễng. Vậy ta nên bao dung hơn hay luôn siết chặt những cuộc mang chuông đi đấm xứ người?

Còn bạn. Nếu đứa con nhỏ của bạn làm những việc tốt mà không xin phép phụ huynh. Bạn có quất cho mấy roi không?

Lê Tâm
.
.