Đánh thức tình yêu Hà Nội bằng những nét vẽ

Thứ Bảy, 04/05/2019, 10:25
Để lưu giữ hình ảnh đô thị độc đáo và duyên dáng của Hà Nội xưa và nay, nhóm Ký họa Hà Nội – Urban Sketchers Hà Nội đã được thành lập. Sau 3 năm hoạt động, thành viên nhóm đã lên đến con số nghìn. Họ là những kiến trúc sư, họa sĩ đến nhân viên công sở, doanh nhân, học sinh, sinh viên…


Tất cả đang sinh sống ở Hà Nội và cả du khách trong và ngoài nước có dịp đặt chân đến Hà Nội. Dù xuất thân là những nghề nghiệp, lứa tuổi khác nhau nhưng trên hết họ đều mong muốn đem lại cho cộng đồng thêm hiểu biết, thêm yêu Hà Nội.

Sân chơi của những người yêu Hà Nội

Cứ chiều chủ nhật hằng tuần, trên các con phố cổ Hà Nội người ta lại bắt gặp từng tốp nhỏ, đủ lứa tuổi từ mẫu giáo đến học sinh, sinh viên, công chức, nghệ sĩ… ngồi dưới bóng mát trau chuốt từng nét vẽ.

Người dùng giá vẽ, người chấm phá vào cuốn sổ bìa mềm, hoặc tập giấy vẽ. Bỗng dưng họ trở thành những nghệ sĩ thực thụ, thời tiết, không khí, tiếng còi xe, tiếng cười đùa… len lỏi vào từng nét phác, lay chuyển từng gam màu trong tranh.

Đây là hình ảnh khá thân thuộc trên các con phố cổ Hà Nội trong những ngày cuối tuần.

Cứ như thế, vào các dịp cuối tuần, các thành viên trong nhóm Ký họa đô thị Hà Nội lại gặp nhau, mỗi người chọn cho mình một góc phố ưng ý như khu tập thể, những di tích lịch sử, làng nghề thủ công truyền thống hay những con phố đặc trưng để vẽ bằng chính cảm xúc của mình. Bước chân của họ in dấu khắp phố phường Thủ đô, bất kẻ ngày hay đêm, họ ghi lại cuộc sống và kiến trúc đô thị Hà Nội.

Có được nhóm nghệ sĩ đặc biệt này phải kể đến kiến trúc sư Thanh Thuỷ - một trong những người sáng lập viên của nhóm. Chị Thuỷ là người gốc Hà Nội, gắn bó sâu sắc với mảnh đất này, vì thế chị luôn trăn trở phải làm được điều gì đó giữ lại những khoảnh khắc đẹp nhất, Hà Nội nhất.

Chị kể: “Chúng tôi yêu vẽ, yêu nơi mình đang sống, yêu Hà Nội nên muốn lưu giữ bằng ký họa những gì đẹp đẽ đang còn lại đâu đó. Hà Nội ngày nay phát triển chóng mặt. Con người Hà Nội cũng thay đổi từ tính cách, văn hóa, lối sống và sinh hoạt. Chúng tôi vui vì được sống trên mảnh đất thấm đẫm giá trị lịch sử lâu đời nhưng cũng buồn vì sự mai một của các di tích, các làng nghề. Cái giá trị mất đi sẽ không bao giờ quay trở lại, thay vì nuối tiếc, chúng ta hãy gìn giữ những gì đang có, những giá trị rất riêng của Hà Nội mà không một đô thị nào có được”.

Nhóm Ký họa Hà Nội được chị Thuỷ và 3 thành viên khác sáng lập ra vào tháng 9 -2016. Đây là một tổ chức thuộc Urban Sketchers Vietnam và Urban Sketchers thế giới nhằm kết nối Hà Nội – Việt Nam với thế giới thông qua ký họa. Sau 3 năm hoạt động, nhóm đã thu hút hàng nghìn người, với mọi thành phần, lứa tuổi đang sinh sống ở Hà Nội, thậm chí cả người nước ngoài tham gia.

Nhóm ký họa được nhiều nghệ sĩ đánh giá là một cộng đồng bổ ích cho những người yêu Hà Nội, yêu cái đẹp, Urban Sketchers Hanoi lôi cuốn các thành viên trong một gia đình cùng tham gia. Những buổi đi vẽ, gánh nặng cơm áo tạm gác lại sau lưng, ai cũng được sống trong đam mê và ký ức.

Người già được hồi tưởng, sẻ chia những ký ức hình ảnh cho bạn bè và các thế hệ sau về Hà Nội. Người trẻ được kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi và nâng cao ý thức, tôn trọng những giá trị đặc trưng của Thủ đô.

Đặc biệt đối với trẻ em, những buổi ngoại khoá này là một môi trường vô cùng đặc biệt, kéo chúng rời xa màn hình máy tính, được hoà mình với thiên nhiên, phát hiện ra vẻ đẹp bình dị trong cuộc sống xung quanh và cảnh sắc bốn mùa của phố phường Hà Nội. Các em sẽ thêm quý, thêm yêu mảnh đất nghìn năm.

Một bức ký hoạ vừa được hoàn thành.

Không chỉ có những hoạt động thực tế, họ còn lập ra một nhóm trên mạng xã hội, các thành viên thường xuyên chia sẻ với nhau những bức ký họa về một góc phố, hàng quán, một dãy nhà tập thể, thậm chí là một dãy “chuồng cọp”.

Chị Thuỷ nói: “Chúng tôi không chỉ giao lưu, trao đổi những bức tranh mình sáng tác ra. Trong nhóm sẽ góp ý với nhau để cùng nhau hoàn thiện hơn. Bên cạnh đó, nhóm thường tổ chức những cuộc triển lãm và được công chúng đánh giá khá cao như: “Hà Nội phố”, “Ký hoạ Hà Nội 2017”, “Bé vẽ Hà Nội”.

Còn mãi một tình yêu Hà Nội

Ký họa, lối vẽ ghi chép và phác thảo một cách cơ bản mà họa sĩ cũng như các kiến trúc sư thường dùng để ghi lại cảm xúc, không gian, bố cục hoặc các chi tiết quan tâm. Tất cả cảm xúc, rung động của người vẽ được tập trung trong khoảng thời gian ngắn, truyền vào nét cọ, nét chì.

Chính vì thế, mỗi bức ký hoạ đều chứa đựng cảm xúc và là một góc nhìn rất độc đáo, rất riêng của người cầm cọ. Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Lâm trong mỗi buổi đi thực tế cùng nhóm thường tranh thủ truyền đạt kiến thức hội hoạ cho các thành viên. Còn với các thành viên nhỏ tuổi, anh luôn bày tỏ thái độ nâng niu, động viên, khuyến khích. Từng bước một, nhóm đã dìu dắt, truyền và giữ lửa đam mê cho nhau sáng tạo nghệ thuật.

Trong buổi triển lãm “Bé vẽ Hà Nội”, trưng bày 35 bức ký hoạ Hà Nội của 22 thành viên nhí của nhóm, dẫu nét vẻ còn non nớt, hồn nhiên nhưng Hà Nội trong mắt trẻ thơ vẫn hiền hoà, trong trẻo và chứa chan tình yêu thương.

Có hoạ sĩ nhí chỉ mới 5 - 6 tuổi, theo bố mẹ đã gây bất ngờ cho người xem như bức vẽ Tháp Rùa ngọt ngào như một chiếc bánh kem (tranh của bé Bảo Minh, 4 tuổi), cột cờ Hà Nội như mẩu bút chì mầu khổng lồ (tranh của bé Tất Khánh, 6 tuổi). 

Chị Nguyễn Thị Hằng, thành viên của nhóm, đồng thời con gái chị cũng có tranh tham gia trưng bày cho hay: “Dù công việc khá bận nhưng hầu như tuần nào cũng thu xếp thời gian cho con tham gia hoạt động theo nhóm. Tôi nghĩ, đứa trẻ biết thưởng thức cái đẹp, biết thận trọng trong dùng mầu, biết nghiêm cẩn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thành phố và tái hiện lại trong tranh một cách hoàn chỉnh nhất sẽ là người biết làm việc một cách cẩn thận và kiên trì, biết yêu quê hương đất nước, yêu người bằng tình yêu hiện hữu”.

Trong suốt 3 năm qua, dấu chân của nhóm Ký hoạ Hà Nội đã lưu lại khắp phố phường Thủ đô với những bức ký hoạ được gọi tên địa chỉ văn hoá, kiến trúc như Hàng Quạt, đình Kim Ngân, phố Hà Mã, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, bốt Hàng Đậu, Trường đại học Dược Hà Nội

Mới đây, trong một chuyến thực tế một ngày tại làng Nôm (Hưng Yên), để đạt được mục tiêu 100 bức ký hoạ khác nhau về làng, kiến trúc sư Trần Thị Thanh Thuỷ đã cùng các thành viên, tùy thuộc khả năng mỗi cá nhân để đóng góp tác phẩm, từ tổng thể đến chi tiết.

Cuối ngày, nhóm tập hợp được tác phẩm trưng bày ngay tại sân đình. Họ cũng không quên nhắc nhau mang thêm họa cụ để khuyến khích người dân địa phương, đặc biệt là trẻ em, tham gia vẽ cùng nhóm. Như thế, ký họa của thành viên Urban Sketchers Hanoi là một mảnh ghép tạo nên bảo tàng nhỏ lưu giữ hình ảnh, tư liệu về di sản đó.

Chị Thuỷ chia sẻ: “Mỗi thế hệ đều gắn bó với nơi mình sinh sống và trưởng thành. Mục tiêu của nhóm không chỉ dừng lại ở đó. Chúng tôi muốn làm nổi bật các giá trị đẹp đẽ của Hà Nội, khiến mọi người thêm trân trọng và thể hiện rõ ý thức gìn giữ”.

Ước mơ của nhóm là để tất cả bạn bè năm châu yêu và trân trọng những di sản, văn hoá người Hà Nội.

Nhóm có dự định sẽ in cuốn sách, trong đó, ngoài phần hình ảnh (là tất cả các bức ký hoạ về những khu tập thể cũ), còn có cả những mảnh ghi chép ký ức đáng yêu của nhiều thế hệ đã từng sống và gắn bó với những khu tập thể.

Trong một lần được đắm mình vào những bức ký hoạ của nhóm, thực sự chúng tôi cảm nhận được đó là những nét vẽ bằng chính cảm xúc của tình yêu Hà Nội. Đó là những góc nhỏ dưới ánh đèn vàng và mưa bụi, những mái ngói rong rêu nứt vỡ, hay những bức tường rêu cố oằn mình chống chọi với thời gian.

Thậm chí, là những chiếc ban công gỉ sét màu thời gian, những gánh hàng rong lang thang với tiếng rao lạc lõng giữa còi xe và tiếng nhạc. Người xem còn cảm nhận được cả những tô bún nóng trên vỉa hè chật chội, những mái bạt, cột điện cũ ngả nghiêng chen chân ôm lấy nhau đứng cho vững… Hà Nội qua nét vẽ đầy cảm xúc ấy khiến Hà Nội thật đẹp, bình yên đến nao lòng.

Kiến trúc sư Thanh Thuỷ chia sẻ: “Ngắm một bức tranh đẹp cũng như đọc một cuốn sách hay sẽ cho ta những giây phút tĩnh lặng, sống chậm hơn để trải nghiệp cái đẹp để kết nối sâu hơn với cảm xúc bên trong của mình. Khi đi vào đời sống cộng đồng, những giá trị này sẽ khiến mọi người trân trọng, quan tâm hơn để rồi xuất hiện những ý tưởng chung tay gìn giữ, bảo tồn giá trị di sản và bồi đắp các giá trị tốt đẹp của Thủ đô. Hy vọng trong thời gian tới, những việc làm nhỏ bé của chúng tôi sẽ đem lại nhiều cảm xúc cho cộng đồng và lan toả tới nhiều miền khác trên đất nước. Để tất cả bạn bè năm châu thêm yêu và trân trọng những di sản, văn hoá, con người Hà Nội”.

Phong Anh
.
.