Hội chứng… chửi hôi

Thứ Sáu, 30/10/2015, 21:24
Trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao, có đoạn mở đầu: "Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi trời, có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: Đời là tất cả nhưng cũng chẳng là ai. Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: "Chắc nó trừ mình ra!". Không ai lên tiếng cả.

Tức thật! Ồ thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế thì có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này! A ha! Phải đấy hắn cứ thế mà chửi, hắn chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo? Mà có trời biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết".

Như vậy, có thể thấy: Nhà văn lớn Nam Cao không chỉ để lại trong văn học Việt Nam  một "kẻ ăn vạ" vào loại vô đình địch, mà còn để lại một "kẻ chửi" cũng vào loại vô đình địch nữa. Nhưng nhân đây, cũng xin lưu ý quý vị một chút: Chí Phèo chỉ chửi khi đã say thôi. Chính vì thế mà Nam Cao mới viết: "Cứ rượu xong là hắn chửi".

Tất nhiên, không chỉ trong Chí Phèo của Nam Cao, mà trong "Bước đường cùng" của Nguyễn Công Hoan, nếu như tôi không nhầm, từng có một người đàn bà cũng chửi thuộc diện vô đình địch như thế. Nhưng người đàn bà này cũng chỉ chửi khi bị người khác bắt trộm của mình một con gà.

Thuở nhỏ có một lần tôi được ông nội kể cho nghe một chuyện có dính dấp đến Ba Giai, Tú Xuất. Ông nội tôi kể: "Ở làng ấy, có ba mẹ con chửi rất giỏi, đến nỗi khối người ngại vì không muốn "dây" vào. Thế mà cuối cùng, tay Ba Giai vẫn trị được đấy…".

Kể đến đây, ông nội tôi dừng lại và buông ra một lời nhận xét: "Mà hay hớm gì khi một người, thậm chí cả một đám người, lại được biết đến nhờ... chửi giỏi. Chính vì thế mà chuyện ông kể cho cháu nghe hôm nay, cũng nên dừng lại ở đây thôi! Hay hớm gì cái bọn muốn nổi hơn người khác, muốn khác người vì chửi! Nhưng cái người cứ chửi nhiều đến mức mang cả vạn đời nhà người ta ra mà chửi, có khi chửi cả tổ tiên mình lúc nào không hay. Biết đâu mới chỉ đến chục đời, trăm đời thôi, người bị chửi có khi lại là họ hàng thân thích của người chửi! Dân gian có câu: "Cười người chớ vội cười lâu/ Cười người hôm trước hôm sau người cười". Đến cười người thôi mà còn không nên cười lâu cơ mà, huống hồ là chửi người".

Một chuyện khác.

Tôi nhớ cách đây đã lâu, trong một lần trò chuyện vui vẻ, khi nhắc đến tên một nhà văn có tiếng, nhà thơ Đỗ Trung Lai chợt lên tiếng: "Thôi, nói mãi về người ấy làm gì,  trong khi chúng ta đang có rượu ngon để uống, mồi ngon để nhắm. Tay ấy là người có tài nhưng khi viết văn lại tỏ ra là người hay chửi và chửi hay. Nói thật nhá, nếu anh có chửi hay thật trong tác phẩm của mình, thì đọc mãi, độc giả cũng chán".

Thời gian gần đây, làng văn làng thơ chợt rộ lên chuyện cầm nhầm thơ. Trước chuyện này, cách nay đã lâu, chính Musset (nhà thơ người Pháp, sinh năm 1810, mất năm 1857) từng viết: "Tôi ghét việc ăn cắp văn chương như ghét cái chết. Cái cốc của tôi tuy nhỏ nhưng tôi chỉ uống nước trong cái cốc ấy". Với người đã biết mình sai, đã nhận lỗi, thì chỉ cần cho người ấy học thuộc câu nói trên của Musset là đủ rồi. Việc cầm nhầm thơ mới đây, nhiều người cũng đã biết, thiết tưởng không cần nhắc lại làm gì. Chỉ buồn là qua vụ này, lại xuất hiện một số "nhà chửi học", mà vô đình địch trong số ấy là ông T.

Trong một bài viết của mình, ông T. nhắm mắt nhắm mũi chửi lấy được và rủa người có lỗi là "hỷ mũi chưa sạch" (về thơ). Rồi như một nhà "vi trùng học" nhìn đâu cũng thấy vi trùng qua một tập thơ được giải của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2015, ông nhìn bài thơ nào cũng là "sâu" hết, trong khi trên thực tế, đâu phải vậy.

Tệ hơn, ông còn phỏng theo cách viết một bài thơ trong tập thơ trên để tự sướng về tài bắt chước của mình (đại loại): "Nếu viết như thế này thì tôi có thể viết rất nhiều bài trong một đêm". Rồi ông phịa ra một thứ thơ lảm nhảm cũng nhằm hạ thấp đến nơi đến chốn "người bị nạn".

Về điều này, có lần, một nhà thơ cao tuổi đã nói: Người nghĩ ra kiểu thơ Bút Tre, kiểu thơ Con Cóc, dù hay dù dở, mới khó. Còn cứ theo đuôi họ mà viết, thì khó gì. Thêm nữa, là một khi anh không có thiện ý, anh dễ dàng "xuyên tạc" ý thơ của người khác theo ý mình lắm.

Lại có người, cho dù không mắc mớ đến mình, cũng xông ra "ném đá" theo kiểu “tâm lý đám đông” bằng cách tự xách tai mình lên. Đại ý từ nay, nếu có nhắc đến thơ nữ sau 1975, đừng để tên tôi bên cạnh tên người ấy. Còn nếu nêu tên người ấy, thì đừng nhắc tên tôi. Đọc xong mấy câu này, cũng thấy hãi! Theo tôi, đây cũng là một biểu hiện của một kiểu chửi bới và cũng chỉ vì mình chứ không vì ai cả.

Viết đến đây, tự dưng tôi lại muốn cầm bút, viết mấy câu thơ chơi: "Con chó cắn/ phần vì bản năng cắn/ một phần vì cũng muốn chứng tỏ răng".

Đặng Huy Giang
.
.