Mũi nhọn, chuyên nghiệp…

Thứ Hai, 29/05/2017, 14:11
Khói mù mịt, dày đặc chừng muốn nghẹt thở. Bàn ghế kê sát nhau mà người bàn nọ nhìn sang người bàn kia mờ ảo như trên thiên đường. Trẻ con ho hù hụ, người lớn ngao ngán ngúc ngoắc. Cả một khán phòng to, quay kín kính, là phòng cưới khi có việc trăm năm, là phòng ăn khi vào mùa du lịch, tít mù nhốn nháo trong làn khói cứ tuôn hừng hực…


Đó là phòng ăn của Khách sạn 19-4 ở Bình Thuận, nơi đang phấn đấu thành một trung tâm du lịch cấp nước nhà.

Chuyện gì đang xảy ra?

Phòng ăn lớn vào mùa du lịch, đón một lúc vài đoàn khách các tỉnh, cả trăm người. Ăn búp phê cho tiện. Nhiều loại món, bày la liệt một góc, ai cũng vội, tranh thủ chọn món, ăn cho nhanh.

Chủ nhà chuẩn bị nhiều món các miền, và trình diễn một món vùng miền: bánh khọt. Thứ bánh này phải quấy bột ra nước, rồi đổ lên những cái lõm nhỏ như cái chén trên cái khay nóng, úp vung lại chờ chín. Bột nước đổ vào xèo xèo, khói bốc lên nghi ngút, cuộn theo cả mùi và sức nóng hầm hập.

Mũi Kê Gà.

Lòng tốt đãi khách, cố gắng bày diễn những món dân dã quê hương vùng miền… ai cũng thấy. Nhưng món này, thường các bà má miền Nam làm ngoài trời, thoăn thoắt đổ bánh, tay quàng quéo dỡ vung, đổ bột nước như chèo ghe. Xèo xèo, khói của bếp và của bánh quyện, bốc tỏa ngoài trời bắt mắt, trông đã ngon lại vừa quảng cáo mục sở thị…

Nhưng đem cái món ăn đường phố, nấu nướng tại chỗ này vào phòng kín, vào khung cảnh sang trọng nơi tiệc cưới quả thất sách. Đang hăm hở được thử những món ngon dân dã, bỗng nhăn mặt khó chịu. Những tấm biển cấm hút thuốc treo khắp nơi, ngay lối vào… trở nên trơ trẽn. Khói dày đặc thế này, thêm vài điếu thuốc chẳng nghĩa lý gì. Và vài ông điềm nhiên rút thuốc ra hút, chả ai buồn quan tâm.

Căn phòng lớn nhanh chóng trở thành cái chợ. Mọi quy định văn minh đều bỏ qua trong làn khói mù mịt và ồn như vỡ chợ. Còn ai nghĩ đến nó nữa trong cảnh ấy. Chủ nhà chẳng tự tôn trọng mình thì thôi, bỏ mặc cho “tự diễn biến”, “tự thoái hóa”, vô tư như giữa chợ chiều.

Các cụ truyền lại rằng muốn thưởng thức ẩm thực phải có ba điều kiện: món ngon, bạn hiền, nơi ăn và lúc ăn. Chả biết ngon tới đâu, nhưng trong phòng ăn vào lúc như vậy, bạn hiền cũng chạy làng. Mọi món ngon lành trở thành “rơm rác”, khách cố nuốt cho xong, nhanh chóng rời khỏi nơi “bị tra tấn”.

Tại sao cứ nhất thiết phải chọn món này? Nếu chọn, tại sao cứ nhất thiết phải làm trong phòng quay kính? Rõ ràng đây là một tính toán không phù hợp với điều kiện cụ thể.

Làm du lịch kiểu này, đến khách nội địa cũng không chịu nổi, nói gì đến khách Tây. Người ta đến với Bình Thuận, Phan Thiết, Mũi Né… là vì thiên nhiên, cảnh quan, môi trường còn hoang dã, muốn hít thở nơi thiên nhiên trong lành.

Đang phấn đấu làm du lịch, đang kêu gọi khách vào đầu tư du lịch mà bị giam vào không khí ngột ngạt vậy, ai dám đến?

Du lịch Phan Thiết đang trên đường tiến đến mũi nhọn kinh tế, nhưng điều kiện còn nhiều bất cập. Ai cũng than về hạ tầng, về thiếu đường cao tốc đưa khách đến, về điện chập chờn, về ống nước chỉ bằng nắm tay…

Nhưng chưa mấy ai thật sự coi trọng những yếu tố khác. Con người hiền hòa, mến khách nhưng chân thật quê mùa chưa chắc làm cho số đông du khách dễ chịu. Cứ vô tư hun khói trong phòng như hun chuột ngoài đồng, một cái vô tư đến vô duyên.

Bên cạnh sự chuẩn bị về hạ tầng kỹ thuật, giao thông, cơ sở vật chất, rõ ràng còn cần rất nhiều nỗ lực đào tạo hạ tầng dịch vụ, xã hội, tạo nên những con người làm du lịch chuyên nghiệp, hiểu khách cần gì, hiểu tư duy con người hiện đại…

Sự chuẩn bị cần căn cơ, bài bản, hiểu rõ nhu cầu của khách để tạo điều kiện đáp ứng phù hợp, để không bị “tréo cẳng ngỗng, cái cần không có, cái có không cần”.

Du lịch, như một ngành kinh tế tổng hợp, kết hợp cả văn hóa, lối sống hiện đại. Muốn tạo được mũi nhọn này, cần làm đúng, chuyên nghiệp như được nhắc đến trong các văn bản, nghị quyết phát triển ngành này của tỉnh.

Ngọc Tuyết
.
.