Không có gì là ầm ĩ cả:

Siêu thị - cần cầu thị để phục vụ siêu hơn

Thứ Ba, 05/05/2015, 22:00
Hơn chục năm nay, người dân các thành phố lớn, các thị xã quá quen với loại hình dịch vụ tại các siêu thị hay trung tâm thương mại (TTTM). Khỏi phải bàn tới những tiện ích mà dịch vụ này mang lại: Nhanh, tiện lợi, văn minh, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng từ những hàng hóa cao cấp đến bình dân…
Trong cuộc sống hiện đại, đời sống của người dân đa phần được cải thiện, chất lượng cuộc sống cao hơn, nhưng con người dễ dàng bị cuốn vào vô số những bộn bề công việc, thời gian để chăm chút cho cuộc sống riêng của mình ngày càng eo hẹp thì việc mua sắm trong siêu thị hay các TTTM là vô cùng thích hợp, đặc biệt là vào dịp lễ tết. Nghĩa là người ta chỉ bỏ ra một khoảng thời gian nhỏ trong tuần là có thể yên tâm cả tuần không phải đi chợ.

Tuy nhiên, không phải ai cũng mặn mà với việc mua sắm trong siêu thị. Nhiều người dân vẫn mua hàng ở các chợ dân sinh, chợ tạm nhếch nhác, mất vệ sinh dưới lòng đường, trên vỉa hè, trong các khu chung cư… bởi theo họ, giá mua ở đây rẻ hơn dù họ biết chắc chắn một điều rằng, hàng tại đây không phải loại nào cũng được kiểm tra, kiểm duyệt nguồn gốc, xuất xứ hay hạn sử dụng.

Câu trả lời khá chuẩn cho trường hợp này là giá ở đây luôn rẻ hơn trong siêu thị. Một khảo sát mới đây của các chuyên gia cũng khẳng định thực tế này: Hàng hóa trong siêu thị, TTTM luôn cao hơn các chợ truyền thống, chợ dân sinh, chợ tạm 10-15%.

Chưa hết, một khảo sát khác cho thấy, tại Hà Nội, trong tổng số 78 siêu thị và 15 TTTM (trong đó siêu thị ngoại chỉ chiếm 10/78) thì chỉ có 2/3 đạt chuẩn. Con số 1/3 không đạt chuẩn nghĩa là vẫn còn nhiều vấn đề "lợn cợn" mà chúng ta cần phải giải quyết, về chất lượng dịch vụ cũng như hàng hóa bày bán. Theo Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, sở dĩ các siêu thị Việt Nam chưa tạo được lực hút với người tiêu dùng chủ yếu do bản thân các doanh nghiệp làm ăn theo kiểu tự phát, thiếu chuyên nghiệp, nhân lực quản lý chỉ có khoảng 5-7% được đào tạo kinh doanh bán lẻ.

Tại không ít siêu thị, nhiều doanh nghiệp đã phải chấp nhận cho thuê lại một phần mặt bằng để tư nhân bên ngoài tự kinh doanh, khiến hàng xấu, hàng rởm, kém chất lượng dễ dàng lọt vào siêu thị. Hơn thế, không ít nhà cung ứng muốn đưa được hàng hóa vào siêu thị phải có thêm những chi phí không chính thức, đương nhiên sẽ đẩy tỷ lệ chiết khấu lên. Và như thế, con số 10-15% giá một mặt hàng bày rất đẹp đẽ, mát mẻ trong siêu thị hay TTTM có chênh so với thị trường bên ngoài cũng là điều dễ hiểu.

Minh họa Lê Tiến Vượng.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, trong khi hầu hết các siêu thị ngoại trực tiếp "bắt tay" thu mua tại các trang trại, nông trại với số lượng lớn, giá rẻ, thì một số siêu thị Việt Nam lại đi đường vòng. Từ thực phẩm, rau củ, quả đến tay người tiêu dùng thường phải qua nhiều khâu trung gian, khiến chi phí bị đội lên cao.

Chúng ta đều biết, khâu trung gian giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong lưu thông hàng hóa, song khi nó đã can thiệp quá sâu vào quá trình vận hành của sản phẩm thì các doanh nghiệp đã mất một phần kiểm soát và giá nếu có bị đội lên cao cũng đành "nghiến răng" chấp nhận. Cũng chính vì lý do này mà các siêu thị ngoại tuy chỉ chiếm một con số ít ỏi nhưng rõ ràng mang nhiều tính ưu việt và hấp dẫn hơn về giá nên hút mạnh người tiêu dùng đổ về đây mua sắm.

Một điều nữa cũng đáng bàn trong nội dung bài viết này, đó là việc có quá nhiều hàng ăn uống tại các siêu thị hay TTTM. Việc chúng ta vào tầng 1, 2, 3 của một siêu thị nào đó nhưng "bất đắc dĩ" phải ngửi mùi thức ăn chế biến từ các tầng cao "dội" xuống khiến nhiều người cảm thấy khó chịu. Hậu quả kéo theo là khi về nhà, mùi thức ăn "bám riết" vào quần áo, nhất là mùi của các loại hải sản chế biến. Đi mua sắm là một nhu cầu lớn nhưng người tiêu cùng cũng cần những siêu thị văn minh, hiện đại với một môi trường hoàn hảo, tiện lợi và an toàn.

Và điều cuối cùng, khi các siêu thị, TTTM "mò" vào các khu dân cư, các ngõ ngách chật hẹp hay vùng ngoại thành… rất nên có những diện tích cần thiết cho việc gửi xe hoặc chỗ cho trẻ em vui chơi trong khi chờ bố mẹ mua sắm. Việc này là quá nhỏ so với việc đầu tư một siêu thị hay TTTM, nhưng lại là những điểm cộng để người tiêu dùng đưa ra sự lựa khi quyết định có hay không mua sắm ở đây.

Tuấn Nguyễn
.
.