Không có gì mà ầm ĩ cả

Tràng giang đại hải

Thứ Ba, 17/01/2017, 21:48
Vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho ý kiến "Nếu loa phường không còn hiệu quả thì mạnh dạn đề xuất bỏ đi". Câu này đi thẳng vào mối quan tâm của nhân dân Thủ đô.


Tầm nhìn của lãnh đạo Thủ đô cho thấy việc cập nhật công nghệ truyền tin hiện đại được đề cao khi mà các gia đình và cá nhân đều sở hữu thiết bị thông minh. Nhiều năm nay, không ít người dân đã không đồng tình với kỹ thuật phát thanh của loa phường.

Nếu phải xa chiếc loa công cộng này, hẳn nhiều người sẽ bùi ngùi, bởi đã gắn với nó quá nhiều ký ức. Ngày xưa, chiếc loa công cộng báo động máy bay địch cách Hà Nội bao nhiêu cây số; chiếc loa đưa tin chiến thắng dồn dập khắp mọi miền. Bỏ đi chả khác nào xóa ký ức.

Thời nay với công nghệ truyền tin qua TV, Internet và các phương tiện thông minh thì loa phường trở nên cô đơn hơn bao giờ hết. Phần nhiều ý kiến người dân cho rằng, loa phường phát thanh vào những giờ không thích hợp như sáng sớm trước khi đi làm và phát vào hết giờ hành chính khi mọi người mệt mỏi về nhà. Lời phàn nàn làm loa phường buồn lắm. Bởi nếu phát vào giờ người đi làm hết thì chẳng còn mấy người nghe. Vậy vấn đề không còn là giờ phát.

Nhiều người phàn nàn về nội dung vẽ vời vô bổ. Điều này có lý. Giá như loa công cộng chỉ thông báo những tin bất thường như thiên tai, dịch bệnh, khám nghĩa vụ quân sự thì rất thiết thực. Đằng này, loa phường phát đều đặn và thường xuyên đưa những thông tin mà Đài Tiếng nói Việt Nam, VTV và internet đã nói đủ. Những thông tin này lại được phường biên tập và đọc với giọng đọc nghiệp dư thì rất khó vào tai. 

Không ít phát thanh viên lại bị tật ngọng nên tạo cảm giác "không sạch nước cản". Thời gian xen kẽ, loa còn phát các ca khúc với chất lượng âm thanh lòe nhòe lẹt khẹt làm tra tấn đôi tai.

Minh họa của Lê Tâm.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa bày tỏ: "… với các gia đình ở phố mà nằm cạnh loa phường và có khi loa lại chĩa thẳng vào cửa sổ nhà, mỗi ngày phát hai lần thì rất kinh khủng, như tra tấn vậy".

Các cụ cao tuổi thì rất mệt mỏi. Với cường độ âm thanh uy lực, chiếc loa đã áp đảo mọi âm thanh khác vào từng ngõ ngách, căn hộ. Rủi cho các cụ nhà gần cột loa. Có cụ, cửa sổ nhà chỉ cách cái loa vài mét. Với người cao niên thì sự yên tĩnh là một đặc ân. Yên tĩnh là liều thuốc giúp họ thêm tuổi thọ bên con cháu. Đảm bảo quyền được yên tĩnh cũng là cách cứu nhân độ thế.

Với các phương tiện chính thống lớn như truyền hình hay radio, khi mệt, ta chỉ cần giảm volume hay tắt đi là xong. Riêng loa phường thì chỉ còn ngửa mặt than trời. Đừng để cộng đồng thêm người ốm đau chỉ vì ô nhiễm tiếng ồn.

Vậy nên giữ hay bỏ loa phường? Tại các nước phát triển, hệ thống loa công cộng được chăm sóc và không hề bỏ đi. Những chiếc loa này chỉ dùng đến trong trường hợp đặc biệt. Các thông báo về an ninh hoặc tìm trẻ lạc… loa không lắp sát nhà dân mà chỉ ở nơi có khoảng trống lớn như khu vườn công cộng.

Nếu không bỏ loa phường thì hãy đừng lạm dụng nó. Hãy để loa phường chỉ phát những thông tin thiết thực của địa bàn và các nội dung khẩn cấp. Không có gì thì im lặng cho lịch sự. Chẳng lý do gì để "đài" phường phải "vẽ vời hoa lá" đủ thời lượng phát thanh. Cách đây chục năm, tiểu phẩm hài "Bệnh nói nhiều" làm dậy sóng cộng đồng vì bắt mạch đúng "bệnh" của chúng ta. Nói quá nhiều thì có hay mấy cũng trở nên phản tác dụng.

Còn bạn. Bạn có hạnh phúc với người bạn đời nói tràng giang đại hải quanh năm không?

Lê Tâm
.
.