Uyển ngữ thần kỳ

Thứ Năm, 31/05/2018, 09:08
Vừa qua, người tham gia giao thông vốn rất "tăng động" bỗng rơi vào cảm giác bâng khuâng. Ấy là đi qua trạm thu phí thấy cải biển "Trạm thu giá" lừng lững.


Phí thì cụ thể "biết rồi khổ lắm nói mãi", chứ "thu giá" thì mơ hồ không bút nào tả xiết. Thế rồi người tham gia giao thông tranh cãi với nhau không hồi kết.

Tranh luận rôm rả đến mức đến tai cả cấp trên. Cấp trên giải thích rất đơn giản. Có thể hiểu thế này. Luật quy định là giá thì cứ gọi là giá, giá hay phí thì bản chất  không có gì thay đổi. Đây không phải chuyện ngôn ngữ. Chà! Bâng khuâng thật đấy chứ. Ngành ngôn ngữ làm sao đứng ngoài chuyện soạn thảo văn bản được?

Nhà nghiên cứu An Chi có những phân tích rất dễ hiểu về trường hợp này. Sau các thao tác phân tích từ gốc Hán tự và từ điển tiếng Việt, ông chỉ rõ rằng, tuy là cùng một trường nghĩa nhưng giá và phí không thể dùng thế cho nhau được. 

"Giá" chỉ là một khái niệm trừu tượng, còn "phí" thì lại là hiện vật cụ thể. Vậy "giá" thì không thể thu được, dù cho có diễn đạt đầy đủ thành “thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ" cũng vẫn không thu được.

Minh họa của Tả Từ.

Mô hình BOT là cách nhà nước và nhà đầu tư phối hợp. Nhà đầu từ bỏ vốn xây dựng, vận hành rồi chuyển giao khi đã thu đủ vốn và lãi. Để con đường vận hành và duy trì được thì phải trả vốn, lãi và trả cho vận hành, sửa chữa, bảo trì. 

Giá, theo cách giải thích của ngành Giao thông vận tải (GTVT) thì bao gồm tất cả, còn phí thì không gồm vốn và lãi. Số tiền có cái tên tranh cãi này là một khoản mà các phương tiện sẵn sàng trả khi sử dụng con đường. Vấn đề chỉ là sự mơ hồ khi hiểu từ. Thiên hạ cho rằng đây là uyển ngữ.

Uyển ngữ không phải độc quyền của tiếng Việt. Trong tiếng Anh và các thứ tiếng khác cũng bạt ngàn uyển ngữ. Thí dụ như sự chết thì người Anh nói rằng "He's gone to a better place" (Ông ấy đã đi đến nơi tốt đẹp hơn). Nói vậy chứ chả ai nào muốn về nơi tốt đẹp ấy cả.

Uyển ngữ thường được dùng thay thế từ, phục vụ nhu cầu lịch sự hóa, diễn đạt ý nhạy cảm. Hiện tượng này thường gọi là nói giảm, nói tránh. Rác thì thay bằng chất thải. Người Hàn gọi lao công là người trang điểm môi trường. 

Ở ta cũng vậy. Như phụ nữ béo thì gọi là mũm mĩm; đẻ thì gọi là nằm ổ; chuyến bay bị chậm thì gọi là bay chưa đúng giờ; đuổi việc thì nói là thuyên chuyển không tự nguyện, hoặc tinh giản biên chế; đau bụng thì gọi là Tào Tháo đuổi; có con trước hôn nhân thì gọi là "ăn cơm trước kẻng".

Khi nói bất kỳ uyển ngữ nào, cho dù ngôn từ không đi thẳng mà vòng vèo thì mọi người đều thấy rất dễ hiểu, nhưng uyển ngữ "thu giá" thì đến người thất thập cổ lai hy cũng cảm thấy mơ hồ muốn trầm cảm. 

Có ông tiến sĩ ngôn ngữ lục trong 5 cuốn từ điển Tiếng Việt vẫn không thể tìm ra từ "thu giá". Vậy chứng tỏ "thu giá" là từ mới, có thể bản quyền sáng chế thuộc về ngành... GTVT.

Bản chất số tiền cần về nội dung gì thì rõ rồi, sao không thể định danh? Hoặc nếu cần tạo từ mới thì các nhà ngôn ngữ không thiếu phương án giúp ngành. 

Thậm chí cả một cụm ngữ nghĩa dài, người ta vẫn có thể thay bằng cụm viết tắt rất dễ hiểu, kể cả vay mượn ngoại ngữ. Ngay cả mô hình BOT (viết tắt từ tiếng Anh (Build – Operate - Transfer) cũng rất ngắn gọn sáng sủa.

Ngớ ngẩn nhất là có video quay cảnh một tài xế qua trạm BOT đã "bẻ chữ" chơi khăm bằng cách đưa cho cô nhân viên thu tiền một túi nilon giá đỗ (đồ ăn).  Ngành GTVT tốt nhất không nên làm thay việc của ngành ngôn ngữ.

Còn bạn. Bạn thích nói tránh, nói giảm hay nói thẳng, nói đúng?

Lê Tâm
.
.