Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền: Có lúc vẽ như trong cơn mê

Thứ Tư, 03/08/2016, 14:12
Một cuộc triển lãm tranh mang tên "Một chặng đường" của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, một gương mặt nổi tiếng của hội họa đương đại Việt Nam vừa diễn ra tại thành phố HCM. Hơn 30 tác phẩm được vẽ trong một khoảng thời gian 30 năm, từ tuổi thanh niên đến tuổi trung niên trưng bày trước công chúng, như thì thầm một câu chuyện kể của nữ họa sĩ về những vui buồn mình trải nghiệm trong cuộc đời và trong hội họa.

Dưới đây là cuộc trò chuyện của nữ họa sĩ, ái nữ của nhà văn Kim Lân về chặng đường dài nghệ thuật chị đã đi qua.

- Thưa chị Nguyễn Thị Hiền, có thể nói với một người đàn bà nói chung và người đàn bà làm nghệ thuật nói riêng, chặng đường đi từ thời thanh xuân đến thời trung niên là chặng đường nhiều biến động nhất. Với chị, những biến động ấy thể hiện trong các tác phẩm hội họa như thế nào?

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền và cha chị, nhà văn Kim Lân.

+ Người đàn bà chung như bao nhiêu người đàn bà sinh ra trên trái đất với những ước mơ bình dị, có tình yêu, có gia đình hạnh phúc bình yên, sống tử tế, lao động với tinh thần trách nhiệm để có thể tự chăm lo cho mình, cho gia đình con cái, cha mẹ, và những người mình thương yêu. Có những đứa con ngoan, học giỏi, thành đạt, tử tế và cuộc đời của các con mình cũng được hạnh phúc bình yên. 

Bên cạnh người đàn bà bình thường đó, với tôi, còn là một người đàn bà làm nghệ thuật, luôn đi tìm kiếm cái tôi của mình trong từng thời khắc mình đang sống, trong thế giới luôn luôn biến động. Đi miết không ngừng nghỉ với đầy những vui buồn, thành công thất bại, chiến tranh, sự sống chết, đói nghèo, bất công, tội ác, sự phản bội và lòng nhân ái, vị tha, lòng hy sinh vô bờ bến…

Tôi đã luôn tự điều hành sắp xếp hai người đàn bà đó một cách hài hòa, đôi lúc phải hy sinh người đàn bà làm nghệ thuật cho người đàn bà chung và ngược lại. Có lúc như người làm xiếc đi trên dây vậy. Tất cả những điều đó luôn tác động mạnh mẽ lên tâm hồn quá nhạy cảm của tôi và chúng đã đi vào những tác phẩm sáng tác của mình như là một điều tất yếu.

- Chị chia sẻ rằng: "Triển lãm này với tôi như một quãng lặng. Tôi ngưng nghỉ trong ít phút, như một cách thiền". Vâng, trong lúc Thiền để nhìn sâu vào chính mình như vậy, chị nhận thấy cốt lõi nhất của việc vẽ với chị trong những năm tháng đã qua là gì?

+ Trong lúc Thiền tôi nhìn thấy tôi, một cô bé được mẹ đặt trong một cái thúng với vài bộ quần áo, nồi niêu xoong chảo, và thúng bên kia là "con chó xấu xí" được mẹ gánh chạy tản cư từ "Làng" của bố mẹ tôi lên quả đồi văn nghệ ở ấp Cầu Đen - Nhã Nam. Để suốt từ tuổi ấu thơ đến bây giờ đời sống của tôi luôn gắn liền, hòa mình vào những văn nghệ sỹ. Những bậc cha chú anh chị em bạn bè của bố tôi, bạn bè của tôi gắn liền tới những gì liên quan đến văn hóa, nghệ thuật.

Tôi, từ một cô bé trên quả đồi đất đỏ, nép vào cánh cửa dòm qua khe xem họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Văn Cẩn… vẽ. Tôi, một cô bé, chăm chỉ ngồi suốt ngày bên cạnh bác Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Văn Cao xem các bác vẽ. Tôi, một cô bé đi theo bố nghe bố và các câu chuyện đàm luận trong các lần bố gặp bạn bè, đọc các tác phẩm của bác Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán…

Rồi tôi nhìn thấy tôi và những người bạn quý mến thương yêu của mình. Tôi với con tôi, các em tôi, bà nội tôi, cha mẹ, gia đình, quê hương của mình… Tôi với những bức tranh còn sót lại của mình, "của một chặng đường" đã qua, mẫu con tem tôi đã vẽ từ khi mười mấy tuổi. Tôi thấy chân dung tôi vẽ em tôi khi tôi hai mươi tuổi. Thấy sông Tam Bạc khi tôi về Hải Phòng, cùng Lưu Quang Vũ đến ở nhà đạo diễn Đào Trọng Khánh, chân dung con gái mình từ lúc bé thơ…

Nhìn những bức tranh rời rạc còn sót lại của một chặng đường đã qua tôi bỗng hiểu mỗi người có một cái rất riêng của mình, nhưng đôi khi chúng ta quên mất điều đó, cứ đi, cứ lao phóng mà quên mất rằng phải dừng lại, suy ngẫm trong tĩnh lặng để nhìn rõ hơn chặng đường đã đi qua. Từ đó chắt lọc lại những gì là riêng nhất của mình, tiếp thêm năng lượng cho mình chuẩn bị vào một đợt làm việc tâm đắc mới. 

Với cuộc thiền tĩnh lặng trong tâm này, tôi biết rằng, cốt lõi con đường nghệ thuật của mình mãi mãi không chỉ là giỏi về hình, về màu, về bố cục… mà trong sự sáng tạo, cái quan trọng và sâu thẳm nhất lại là sự sâu thẳm của tâm hồn. Tâm hồn của mình gửi gắm trong tranh và tâm hồn, cuộc đời của người mà mình sẽ vẽ. 

- Như chị đã nói, chị đang dành nhiều tâm sức cho việc chuẩn bị một triển lãm lớn, triển lãm tranh vẽ chân dung những người chị đã gặp, đã quen, đã thân thuộc. Tôi vẫn luôn nghĩ rằng, việc vẽ chân dung một người là cực kỳ khó. Ngay cả khi chụp ảnh thôi, để bắt được thần thái, tinh thần của một người đã rất nan giải rồi. Chị đang đi trong hành trình đó ra sao, và nếu để so sánh với các thể loại tranh khác, thì tranh chân dung đòi hỏi người họa sĩ phải có những gì?

+ Tranh chân dung có đặc điểm riêng của nó. Họa sỹ vẽ một người - có thể hình họa, màu sắc, bố cục vững vàng vì được học hành, rèn luyện tay nghề bài bản, nhưng 1 bức chân dung làm rung động lòng người trước tiên phải là bức chân dung mà người mẫu làm rung động trái tim người họa sỹ - có thể với nhiều trạng thái tình cảm khác nhau. Và nó phải giống, phải cô đọng được hình, sắc và tâm hồn của người đó. Bức chân dung đạt nhất là phải gọi được tâm hồn, cuộc đời tác giả cũng như người được vẽ trên đó. Nếu không thế, đó chỉ là 1 bức tranh vô hồn, vô cảm và lạnh lẽo mà thôi.

Mầm sống - Tranh Nguyễn Thị Hiền.

- Xem những bức tranh trong triển lãm ấm cúng này của chị có thể gặp những bức tranh chị vẽ từ thời chiến tranh. Hình ảnh người nữ dân quân hay những gương mặt quen thuộc thời bao cấp. Kể chuyện thời mình đã sống qua tranh, nhất là thời chiến, chị có những kỷ niệm gì đáng nhớ?

+ Nhìn lại bức tranh "Cô dân quân" tôi vẽ năm tôi hai mươi mốt tuổi lại nhớ đến những ngày tháng khốc liệt của chiến tranh, tôi đã nằm ở trong một căn hầm khoét sâu vào chân đê dọc sông Đò Lèn. Tôi đã vẽ rất nhiều thanh niên xung phong, dân quân tự vệ ở hai chiếc cầu Hàm Rồng và Đò Lèn. Tôi cũng vẽ những đứa trẻ ở xóm tôi, các em tôi, chúng ngây thơ, nghèo khổ và chúng nhìn tôi đau đáu buồn xa thẳm.

Bức họa thời chiến làm sống dậy trong tôi bao kỷ niệm của những năm tháng đầy rẫy sự hiểm nguy, giữa sự sống và cái chết, giữa đói nghèo. Vậy mà cuộc sống vẫn đầy sự lãng mạn thăng hoa, con người vẫn yêu thương nhau, dũng cảm gắn kết đùm bọc nhau. Trong gian khổ, cái đẹp vẫn tồn tại và luôn được nâng niu trân trọng, đó là điều vô cùng tuyệt vời.

 - Có nhiều thời điểm chị nhốt mình trong không gian riêng và làm việc quên ngày quên tháng, như thể một người đang bị thời gian truy đuổi. Ở tuổi của mình, chị có cần thiết phải lao động như thế chăng? Chị tìm điều gì trong sự miệt mài lao động nghệ thuật đó?

+Trong triển lãm "Một chặng đường" lần này, ngắm lại mấy bức tranh xưa còn sót lại của mình, giật mình khi thấy bức tranh "Sông Tam Bạc" và chân dung "Cô Thùy" được vẽ cùng một ngày cùng một năm. Lại sực nhớ trong triển lãm "Những đứa trẻ" cũng trong 1 ngày 1 đêm vẽ luôn 3 bức sơn dầu - chắc lúc đó đang máu, đang điên lắm, và cũng chẳng hiểu sức khỏe ở đâu ra để "quạt" được ngần ấy màu lên toal, chứ đừng nói lại còn là 1 bức tranh nghiêm chỉnh nữa. Đúng là có lúc vẽ như trong cơn mê như vậy. Vì thế khi làm việc tôi thích một mình đóng cửa, úp mặt vào toal và rồi mình cứ thế bị cuốn đi...

Tôi có 1 bệnh kinh niên khó chữa, đó là nếu không làm thì thôi, nếu làm tôi lúc nào cũng muốn đi hết điều mình có thể - như tôi vẫn nghĩ: " Nước 99 độ không bao giờ sôi, cần thêm 1 độ nữa cho nước sôi". Và tôi lúc nào cũng hết lòng đi tìm 1 độ cuối cùng đó cho mình.

- Trong triển lãm lần này của chị có bức tranh tên là Tình yêu, vẽ năm 1973, được thực hiện cùng nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, một người đàn ông "đặc biệt" trong cuộc đời của chị. Chúng ta đang kỷ niệm 18 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ. Trong chặng đường tranh chị đã đi qua, không thể không có bóng dáng của ông. Giờ phút này ngồi đây và hồi tưởng về những kỷ niệm đã qua, chị có thể nói điều gì về người đàn ông đặc biệt ấy?

+Triển lãm lần này hồi cố về một chặng đường cuộc đời tôi đã trải qua. Thời gian đó là thời gian của một cô gái bước vào tuổi đã bắt đầu biết yêu với những đam mê cháy bỏng, háo hức về con đường nghệ thuật của mình. Và tôi đã có mối tình trong sáng, tuyệt đẹp, mối tình không năm tháng với nhà thơ Lưu Quang Vũ. Bức tranh "Tình yêu" tôi vẽ nhân sinh nhật Vũ, bức "Ông tiến sỹ giấy ngồi chấp tay" tôi mua về tặng Vũ, bức tự họa "Tóc em rối và áo em đỏ thắm, những bức tranh nổi gió ở trên tường…", bức sông Tam Bạc tôi đã cùng Vũ đi Hải Phòng và Đồ Sơn…

Có lẽ đây là thời kỳ thơ mộng đẹp đẽ và u buồn nhất của tôi. Tôi đang yêu và được yêu kèm theo với những ganh tỵ đố kỵ bất công của một số người đã áp đặt lên chúng tôi khiến chúng tôi vô cùng khổ sở. Những kỷ niệm và những bức tranh của tôi đã đi vào thơ của Vũ. Và những gì còn sót lại của những bài thơ Vũ viết về tôi và tặng tôi, tôi còn giữ được cũng là một chắt lọc tinh khiết nhất, một món quà quý giá của tâm hồn, để tôi hiểu rằng cuộc đời dù có thế nào vẫn luôn còn những điều tốt đẹp...

- Xin cảm ơn họa sĩ Nguyễn Thị Hiền.

Khánh Minh
.
.