Nhạc sỹ Phạm Toàn Thắng:

Bất cứ điều gì trong cuộc sống đều có thể trở thành thanh âm

Thứ Tư, 02/03/2016, 13:57
Không giống như vẻ bề ngoài thư sinh, hiền hiền, âm nhạc của chàng nhạc sỹ từng giành "cú đúp" với hai giải thưởng quan trọng trong đêm trao Giải Cống hiến 2015 có chút gì đó bụi bặm, ngông ngông. Phạm Toàn Thắng nói rằng, âm nhạc của mình là thứ âm nhạc của đời sống và bất cứ điều gì cũng đều có thể trở thành thanh âm.    


- Chào Phạm Toàn Thắng, gần đây, bạn có viết nhiều ca khúc mới không?

+ Bản thân Thắng lúc nào cũng cứ viết đều đều mà. Nhưng điều đó không có nghĩa với việc, sau khi viết xong, mình công bố, đưa cho ca sỹ hát hoặc bán cho một ai đó ngay. Thắng có thói quen cứ viết xong rồi để đó. Coi đó như là những tâm sự, những gì hỗn  loạn của bản thân mình. Khi có điều kiện nào đó để mình có thể phát triển nó thành một tác phẩm hoàn chỉnh hoặc có cơ hội gặp ai đó phù hợp với tác phẩm đó, Thắng sẽ gửi tác phẩm đó tới người ca sĩ đó, coi như một sự hợp tác để ca khúc của mình được thể hiện một cách tốt nhất. Viết xong không vội phát hành hoặc bán, đó không phải phong cách làm việc của Phạm Toàn Thắng.

Với lại, có phải tác phẩm nào mình cũng đưa đến cho khán giả đâu, có những cái viết cho mình, có những cái viết cho ca sĩ. Khi mình ra một tác phẩm nào đó, mình chưa biết nó có thành công hay không, nhưng ít ra nó phải là một tác phẩm có cảm xúc của mình và phải khác biệt gì đó so với những gì mà mình đã từng làm. Điều đó với Thắng đáng trân trọng hơn việc mình sản xuất một dây chuyền hàng loạt.

-  Theo lô-gic thông thường, sau khi viết xong, người ta muốn khoe ngay mới đúng chứ. Có câu "không nên trì hoãn cái sự sung sướng đó lại" đấy thôi?

+ Đúng rồi. Nhưng Thắng không muốn khoe theo kiểu đó. Còn "sự sung sướng" ấy, tất nhiên Thắng vẫn khoe nhưng sẽ khoe với những người bạn của Thắng trong một dịp ngồi cà phê hoặc trên bàn nhậu, cả đám ôm đàn và hát hò nào đó. Thắng hay khoe với bạn Thắng điều đó lắm. Còn khi mà để ra mắt chính thức một tác phẩm hoàn chỉnh đến với công chúng, thì nó cần phải có cái hướng nghiêm túc của người nghệ sỹ, tìm được người phù hợp với ca khúc của mình, khi đó mình mới tạo ra được sản phẩm đặc biệt đối với khán giả.

- Liệu Phạm Toàn Thắng là người kĩ tính quá không?

+ Không phải vì Thắng kĩ tính quá đâu. Thắng biết đây là cách làm không  chuyên nghiệp một chút nào hết. Nhưng vì quan điểm của Thắng đó là, khi mình sáng tạo nghệ thuật, mình không cần phải quá nghiêm túc. Khi Thắng viết nhạc, Thắng tạo cho bản thân mình một sự thả lỏng nào đó để có thể tiếp nhận mọi điều trong cuộc sống, để mình có thể viết lên bài hát của mình. Tuy nhiên, khi bạn bắt tay để viết những điều không nghiêm túc ấy thành những sản phẩm hoàn chỉnh thì đó phải là một quá trình lao động nghiêm túc. Nó phải có thời gian, đầu tư và phải có tính định hướng nhiều hơn. Đó là cách làm của Thắng. Có thể nó không chuyên nghiệp được như một số bạn đồng nghiệp và những sản phẩm của mình cũng không đình đám, rinh rang trong cái thị trường này. Nhưng từ trước tới giờ Thắng toàn làm việc kiểu vậy, nó khiến bản thân Thắng cảm thấy vui để tận hưởng cuộc sống này nhiều hơn.

- Chẳng lẽ cả đời nhạc sỹ Phạm Toàn Thắng chỉ định vui thế thôi sao?

+ Thực sự, Thắng là một người không phải có cái suy nghĩ rằng mình buộc phải làm nhạc để sống. Thắng tốt nghiệp công nghệ thông tin, rồi đi làm marketing, sự kiện khá nhiều năm rồi. Khi Thắng quay lại và chọn âm nhạc là vì với âm nhạc, mình mới tạo được cái điều gì đó có sức lay động, cũng như mình được tôn trọng về mặt nghề nghiệp. Điều đó khiến bản thân Thắng rất vui. Thắng quay lại và chọn nó như một cái nghề của mình. Vì thế nên, nếu mình chọn một lối đi thương mại, kim chỉ nam ban đầu của mình bị mất đi rồi. Bản thân mình thấy rằng sự tôn trọng về mặt nghề nghiệp bị giảm đi thì lúc đó, mình cũng không còn cảm thấy vui nữa.

Bây giờ, Thắng đang chọn cách làm nhạc như vậy. Có thể sau này, có một sự quy củ nào đó hơn khi mà Thắng bắt đầu làm việc với ê-kip của mình. Nhưng Thắng cho rằng, với âm nhạc hay bất cứ hình thức sáng tạo nghệ thuật nào, con người ta vẫn phải tự thả lỏng, để cảm nhận, để vui thì mình mới làm ra được những tác phẩm tốt.

- Phạm Toàn Thắng được giới chuyên môn đánh giá cao bởi khả năng kết hợp âm nhạc dân gian với màu sắc đương đại. Sắp tới, bạn có tiếp tục thể nghiệp này không?

+ Thực ra trước giờ, Thắng chưa bao giờ cố tình để gài yếu tố dân gian vào những sáng tác của mình. Đơn giản là hồi nhỏ mình hay nghe nhạc đó, có bao nhiêu nó thấm vào mình. Trong lúc viết, những giai điệu ấy bộc phát ra và đến một cách rất tự nhiên. Thắng nghĩ, khi muốn viết một tác phẩm nào đó thì mình sẽ hình thành một không gian, chủ đề mình muốn viết về cái gì, cảm xúc của mình lúc đó như thế nào. Sau khi hình thành được những điều như thế rồi, Thắng mới định rằng giai điệu nào, thanh âm nào và dòng nhạc nào nó phù hợp với không gian, cảm xúc, chủ đề ấy. Sau đó là ca từ ra sao để phục vụ cho những thanh âm, giai điệu đó. Ví dụ như "Vẽ", "Uống trà' hay là "Bốn chữ lắm", đó là những cảm xúc, những không gian âm nhạc cần có ngũ cung trong đó, nó có chất dân gian trong đó thì nó mới tạo ra được những nét chấm phá, về sự hóm hỉnh trong những tác phẩm này.

Thắng vận dụng nó vào, đôi khi không phải Thắng cố tình tạo ra âm nhạc dân gian đương đại hay không, mà cái điều Thắng muốn viết là cái gì, điều Thắng muốn gửi gắm là cái gì. Dòng nhạc đó nó sẽ tự hình thành. Những ca từ đó sẽ tự hình thành trong nội tại của Thắng. Điều đó với Thắng còn quan trọng hơn. Cũng là chất dân gian đó nhưng cũng có những ca khúc nhiều người biết mà nó trữ tình hơn, ví dụ như "Dấu mưa", "Chuyện của mùa đông", hay một cái gì đó tự sự hơn, u tối, như "Chạy", "Sáng tối"… Thắng nghĩ, những dòng nhạc đó đi từ cảm nhận, cảm thụ, không gian, chủ đề từ ban đầu mà Thắng muốn.

- Với một sự thả lỏng như vậy, Phạm Toàn Thắng được và mất gì?

+ Được rất nhiều. Được nhất là việc, mình không phải thấy bản thân mình lúc nào cũng ức chế vì sao mình luẩn quẩn viết mỗi cái đó thôi, hay mình bị một cái áp lực đó là có thể hôm nay mình ra một sản phẩm dân gian đương đại, mai có khi ra một thể loại khác hầm hố hơn thì khán giả có đón nhận nó hay không. Mình nghĩ âm nhạc nên cứ thử nghiệm, thất bại hay thành công không quan trong bằng việc mình có dám thể nghiệm hay không.

Tất nhiên, sản xuất không đại trà thì số tiền mình kiếm được không được bằng một số bạn nhạc sỹ khác mà chỉ đủ sống thôi, chứ không dư dả gì. Mất ở đây chính là về mặt kinh tế. Được, chính là thoải mái về mặt tâm hồn mình. Không bị một áp lực gì hết. Mình nghĩ, điều đó cũng tốt thôi. Rồi đến một lúc nào đó, mình cần kiếm tiền thì sẽ khác.

- Sự chuyên nghiệp trong âm nhạc với Thắng là gì?

+ Với sáng tạo nghệ thuật, mình có thể như thế này thế khác, thả lỏng như thế này thế khác đều được. Nhưng một khi đã bắt tay làm một sản phẩm nào đó với ca sĩ hoặc công bố, thì cần có một sự chuyên nghiệp và nghiêm túc. Đối với những người làm nghệ thuật, dùng từ "chuyên nghiệp" ở đây đó chính là khi mình tạo ra được thành phẩm, những sản phẩm được ghi nhận bởi khán giả và giới chuyên môn rằng đây là một tác phẩm chuyên nghiệp, thì cái người nghệ sỹ đó là người chuyên nghiệp.

- Ngoài viết nhạc, Phạm Toàn Thắng còn làm gì nữa?

+ Bắt đầu từ 2013, Thắng không còn làm ở công ty nữa, mà chỉ có tập trung làm âm nhạc hoàn toàn. Đây là thời điểm mà Thắng dồn hết sức lực của mình ra, để cho mọi người thấy cá tính âm nhạc của mình rõ ràng.

- Cá tính âm nhạc của Thắng là gì?

+ Đó là chất ngông, chất bụi. Thắng thích viết về những điều xung quanh mình, những điều mắt thấy tai nghe, trải nghiệm qua… Đó không phải là những gì mình tưởng tượng. Đi trên đường gặp bất cứ cái gì cũng có thể viết được hết, một cục gạch, một hòn đá, cọng cỏ… hay việc một cậu văn phòng dắt một con chó đi Thắng cũng có thể viết một bản nhạc. Thắng nghĩ bất cứ điều gì trong cuộc sống của mình đều có thể trở thành thanh âm được hết. Nếu người nghe tinh ý, sẽ thấy cá tính ngông ngông, hơi bụi đời đó trong âm nhạc của Thắng, dù cho sáng tác đó viết theo thể loại nào đi chăng nữa.

- Với Phạm Toàn Thắng, hát và viết nhạc, công việc nào khó hơn?

+ Viết nhạc khó hơn chứ. Hát thì có gì đâu mà khó. Ở đâu mình chẳng hát được. Ở trong bếp mình hát cũng được mà! (Cười).

- Ý tôi là hát như một ca sỹ đúng nghĩa?

+ Mình chưa chuẩn bị một tác phong chuyên nghiệp của một người ca sĩ. Với sáng tạo nghệ thuật, mình có thể phè phỡn, thả lỏng được, nhưng khi bước lên sân khấu thì phải chuyên nghiệp.

- Bạn có ý định thể hiện ca khúc của mình và ra một album trong tương lai không?

+ Thắng đang làm một album theo phong cách rất là "trên bàn nhậu" của mình. Dự án này bắt đầu trong năm nay và ít nhất năm sau mới ra mắt được. Vì làm cho mình nên Thắng thoải mái và không bị áp lực rằng nó có phù hợp với tai nghe đại chúng hay không. Có thể tiết lộ sơ qua một chút về sản phẩm đó, Thắng viết theo kiểu châm biếm, hóm hỉnh và trào phúng.

- Cảm ơn nhạc sỹ Phạm Toàn Thắng!

Đậu Dung (thực hiện)
.
.