Nhạc sĩ Quốc Trung:

Tôi không nhìn thấy khát vọng của những người trẻ muốn vươn ra thế giới

Thứ Sáu, 22/03/2019, 13:26
Nhạc sĩ Quốc Trung là người khá thẳng thắn khi trò chuyện. Anh nói, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận đúng về thị trường âm nhạc Việt Nam. Chúng ta đang quẩn quanh trong ao làng và tự khen nhau, điều đó sẽ hạn chế sự phát triển. Nhưng điều đáng buồn hơn là anh không nhìn thấy khát vọng của những người trẻ muốn vươn ra thế giới.


- Anh là người chịu khó đi ra, xem và nghe thế giới đang làm gì? Anh có nhìn nhận như thế nào về thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay?

+ Âm nhạc Việt lạc hậu so với thế giới vài chục năm là ít. Mosoon đưa ban nhạc Scorpion về Việt Nam thì thời hoàng kim của họ cách đây cũng hơn 30 năm rồi. Nhưng nếu chúng tôi đưa các ban nhạc mới sẽ không ăn khách bằng Scorpion. Những ngôi sao quốc tế hạng A, họ yêu cầu nhà tổ chức tối thiểu khi họ bước lên sân khấu phải có 30 ngàn người.

Họ lấy tiền là chắc chắn rồi nhưng họ còn yêu cầu trong cam kết phải có 30 ngàn khán giả. Ở ta, nhiều khán giả không mua vé mà chờ xin hoặc đi chui, đi lậu. Nhưng điều đó cũng không trách được khán giả mà trách người làm nghề chộp giật, dễ dãi, không nghĩ đến đường dài. Các ca sĩ Việt không có chiến lược bền vững vì đi diễn event dễ hơn, kiếm tiền nhiều hơn.

Nhạc sĩ Quốc Trung.

Đời sống âm nhạc cứ trượt dài mãi, lạc hậu mãi. Đó là một thực tế rất buồn. Các ngôi sao thế giới đều rẽ qua Phillipines, Indonesia nhưng không qua Việt Nam. Vì sao? Vì chúng ta không đáp ứng được các yêu cầu của họ. Tôi gửi thư mời họ cũng không đến.

Tôi đi xem tất cả các bạn trẻ ở Hàn Quốc, năm nào tôi cũng đi và rõ ràng, càng đi càng thấy chúng ta lạc hậu trong ao nhà của mình. Chúng ta tự khen nhau, vuốt ve nhau là chính. Nhưng thực tế, Việt Nam chắc còn rất lâu nữa mới có được một ngôi sao đẳng cấp châu Á.

- Anh lúc nào cũng rất bi quan về thị trường âm nhạc Việt Nam. Nhưng rõ ràng, âm nhạc Việt cũng đi ra thế giới và được đánh giá cao đấy chứ?

+ Chúng ta rất lạc hậu vì không biết mình đang ở đâu. Chúng ta ra nước ngoài bằng con đường giao lưu văn hóa, mang những thứ lạ đi. Thực tế, ta mới chỉ đi ra nước ngoài bằng con đường đó thôi. Bao giờ có một đoàn nghệ thuật Việt Nam đi biểu diễn kiếm tiền theo tour thì lúc đó hẵng nghĩ đến việc Việt Nam đang hội nhập. Show xiếc “Làng tôi” đầu tư hàng triệu đô la, tập luyện hàng năm trời mới có cơ hội như thế. Còn ta hiện nay chỉ đi giao lưu văn hóa.

Chúng ta không thể lấy những thứ lạ lẫm mà phải thuyết phục họ bằng chất lượng, bằng tư duy, bằng nghệ thuật. Không thể lấy tiếng đàn bầu ra coi đó là bản sắc và cứ thế yên tâm rằng, Việt Nam có nét riêng. Nhưng điều buồn nhất là tôi không nhìn thấy khát vọng của các bạn trẻ muốn vươn ra thế giới. Thứ nhất họ quá tự ti, thứ 2 là quá thực tế, lo làm phim ca nhạc, chạy show kiếm tiền.

Không ai nuôi ước vọng mình trở thành ngôi sao có tính quốc tế, đi ra ngoài giao lưu. Cách đây 30 năm tôi đi festival ở nước ngoài, và tôi thấy sao mà vui thế, được làm những thứ hay ho thế và đến bây giờ sau 30 năm, tôi mới thực hiện được giấc mơ của mình khi thực hiện live show “Bình Minh”. Các bạn trẻ đừng để 25 năm nữa mới làm như vậy.

- Vậy theo anh, vai trò các đoàn nghệ thuật của nhà nước trong việc thúc đẩy sự phát triển âm nhạc nước nhà hiện nay như thế nào? Hàng năm chúng ta vẫn có các cuộc thi của nhà nước, khuyến khích phát triển âm nhạc?

+ Mỗi năm chúng ta có rất nhiều hội diễn nhưng thử hỏi có bao nhiêu tác phẩm có ảnh hưởng đến đời sống âm nhạc. Nghệ thuật, ở một góc nào đó phải đi trước đời sống để tạo cảm hứng, định hướng, tìm tòi cho những thứ âm nhạc phổ cập hơn. Ở Mỹ có Kenendy Center, Rockerfeler Center tài trợ cho âm nhạc đỉnh cao, không phổ cập, ít người xem.

Nhưng những âm nhạc đó luôn có đời sống và tác động đến nghệ sĩ. Ở một góc nào đó, nó đóng vai trò định hướng cho đời sống âm nhạc và các nghệ sĩ. Còn ở ta, mỗi năm có rất nhiều các cuộc thi liên quan đến âm nhạc, nhiều tác phẩm dùng ngân sách nhà nước dàn dựng, nhưng xong liên hoan là đắp chiếu, cất kho. Hàn Quốc họ có chiến lược 20 năm để phát triển văn hóa, đặc biệt là âm nhạc. Họ đầu tư rất kỹ lưỡng từ nhạc dân tộc đến cổ điển, đến nhạc jazz.

Festival Jazz ở Seul có hơn 200 ngàn khán giả, nó trở thành niềm tự hào của các nghệ sĩ jazz quốc tế khi được đến Hàn Quốc biểu diễn. Và với Hàn Quốc, kpop, phim dẫn lối cho hàng hóa. Văn hóa đi trước và hàng hóa theo sau. Phải có chiến lược thì Kpop của Hàn mới nổi tiếng toàn cầu như vậy. Tất cả đều nằm trong chiến lược phát triển văn hóa của họ.

- Còn ở ta?

+ Tôi đi nhiều mà vẫn thấy mình lạc hậu hơn họ 20 năm. Vậy các bạn ít đi, chưa bao giờ chịu ra nước ngoài thì còn lạc hậu bao nhiêu năm so với thế giới. Nhưng điều quan trọng là chúng ta không có một thị trường âm nhạc đúng nghĩa, không có một môi trường lành mạnh, thiếu vắng khát vọng của những người trẻ muốn vươn ra thế giới. Ngoài chuyện kiếm tiền thì đời sống nghệ sĩ phải vui nữa. Nhưng ở ta thì rất ít, thậm chí cả năm tìm mãi mới có được một vài dự án.

- Như vậy, Việt Nam đang ở trong vùng trũng của âm nhạc. Câu hỏi đặt ra là nền âm nhạc của chúng ta sẽ đi về đâu trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay?

+ Tôi không hình dung được tương lai sẽ thế nào. Tôi không thể tưởng tượng vì sao bây giờ tràn ngập bolero như vậy. Tôi không nói bolero không hay nhưng giả dụ, ở Thụy Điển chỉ hát Abba thôi thì sao? Đời sống âm nhạc vì thế cứ đứng im. Truyền hình thực tế tạo cho giới trẻ thói háo danh chứ chưa làm được trách nhiệm giáo dục giới trẻ. Nghệ sĩ ở ta thiếu nền tảng, các em không được dạy dỗ cẩn thận, không có một nền tảng văn hóa nhất định nên dễ ảo tưởng.

 - Bây giờ các nghệ sĩ đang có nhiều thể nghiệm làm mới âm nhạc cổ truyền bằng những kết hợp với đương đại. Anh nhìn nhận vấn đề đó như thế nào?

+ Không phải cứ lấy dân gian pha trộn với rap là thành cái gì mới. Thể loại word music thời đỉnh cao của nó đã qua rồi. Tôi nghĩ, không phải lấy mắm tôm trộn với phô mai là ra một sản phẩm. Điều quan trọng là món ăn của ông phải ngon, vệ sinh, có lợi cho sức khỏe. Người ta sẽ chú trọng chất lượng âm nhạc của nó chứ không phải ở sự lạ. Không phải chọn nhạc jazz là sang trọng, giỏi giang hơn các thể loại nhạc khác. Áo khoác không làm nên thầy tu.

Tôi tham dự một festival, người châu Phi chơi nhạc dân gian hay kinh khủng, họ chơi nhạc phi Châu bình đẳng với nhạc jazz. Nhạc cụ dân gian, âm nhạc dân gian của họ mang hơi thở thời đại, độc đáo, hay không kém gì các nhạc cụ phương Tây. Còn ở ta toàn nhạc pop chứ đương đại gì, có tí hơi thở dân gian chứ không phải dân gian, không thể bình đẳng với quốc tế được.

Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng nhạc Việt ngày càng lạc hậu so với thế giới (ảnh chỉ mang tính minh họa).

- Có cơ hội nào để âm nhạc Việt Nam ra thế giới?

+ Chất liệu chỉ là nguyên liệu, ai cũng có, đất nước nào cũng có. Điều quan trọng là có sáng tạo từ chất liệu đó thành tác phẩm nghệ thuật được không. Hàn Quốc có 3 show case giới thiệu nghệ sĩ trẻ của họ. Họ chào hàng để phát triển âm nhạc của họ. Chúng ta phải tự lượng sức mình, chưa nói đến hội nhập vội. Việc đầu tiên là cứ mời các ban nhạc lớn về đây diễn đã.

Phải mở đường vào rồi mới có đường ra chứ. Mười năm nữa tôi mới thấy le lói những hy vọng khi các bạn trẻ đi du học về. Phải nhìn nhận rõ đời sống âm nhạc của chúng ta rất lạc hậu và chúng ta phải xây dựng một thị trường âm nhạc tử tế trước khi bàn đến câu chuyện ra nước ngoài.

- Một người gắn bó với âm nhạc như anh chắc hẳn sẽ rất buồn, thậm chí có những lúc nản lòng vì con đường của anh đi khá đơn độc. Anh có thể chia sẻ những dự án mới trong năm 2019 này?

+ Tôi có mong muốn đưa “Bình Minh” vào thành phố Hồ Chí Minh nhưng rất khó khăn, tốn kém và phải đi xin tài trợ. Nếu không diễn trong đó, tôi rất tiếc. Ngoài ra, tôi có một vài dự án âm nhạc với các bạn trẻ và định làm album riêng của mình. Monsoon năm nay sẽ trở lại, hy vọng góp phần xây dựng thói quen nghe nhạc lành mạnh. Đời sống của tôi quẩn quanh với âm nhạc vậy thôi.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Lan Tường (thực hiện)
.
.