Tại sao không thu hồi được 1.200 tỷ đồng trong vụ Vinashin?

Bài cuối: Chính thức “gác” hơn 1.000 tỷ đồng

Thứ Tư, 22/07/2015, 08:56
Trong quá trình thi hành án dân sự (THADS) số tiền 1.200 tỷ đồng mà các đương sự trong vụ Vinashin phải bồi hoàn cho Nhà nước, cơ quan THADS đã áp dụng Luật THADS năm 2008.

Theo quy định của luật này, bên được thi hành án (THA) phải có đơn yêu cầu thì cơ quan THA mới có căn cứ để thi hành. Để 5/6 doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Giao thông Vận tải viết đơn “đòi” các đương sự nguyên các “sếp” của Vinashin bồi hoàn, Bộ Tư pháp nhiều lần ra công văn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các công ty trực thuộc viết đơn. Riêng việc để cơ quan chức năng phải “xin đám” đòi lại tiền thất thoát cũng đủ thấy mức độ bi hài trong việc thu hồi số tiền khủng này.

Tài sản của quan tham “bốc hơi” trước khi bản án có hiệu lực

Theo bản án Phúc thẩm số 454/2012/HSPT ngày 30/8/2012 của TANDTC, Trần Văn Liêm, nguyên Giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn dương Vinashin phải bồi thường cho công ty này 497 tỷ đồng (làm tròn số). Cơ quan THA đã uỷ thác cho Chi cục THADS quận Hoàn Kiếm thực hiện thu hồi tài sản, bồi hoàn cho Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn dương Vinashin.

Cơ quan này đã kê biên và xử lý tài sản kê biên là nhà, đất của ông Liêm và bà Tâm (vợ ông Liêm) tại địa chỉ 68A Hàng Bông để bảo đảm THA; đã định giá tài sản kê biên, thông báo cho bà Tâm quyền ưu tiên mua tài sản chung (theo Luật THADS 2008, người có tài sản chung với đương sự được ưu tiên mua - PV).

Ngày 28/8/2014, bà Tâm đã nộp 1,227 tỷ đồng (làm tròn số) tại Chi cục THADS quận Hoàn Kiếm để mua phần nhà của ông Liêm (1/2 tài sản kê biên tại 68A Hàng Bông). Chi cục THADS quận Hoàn Kiếm đã nộp để thi hành tiền án phí đối với ông Trần Văn Liêm và một phần tiền bồi thường là 535 triệu đồng (làm tròn số).

Ngoài tài sản ở 68A Hàng Bông, cơ quan THA còn xác định ông Liêm có tài sản tại số 1208, nhà 17T6 khu Trung Hoà – Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Tiếc rằng, trong quá trình xác minh, chấp hành viên đã thu thập: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công văn xác nhận của công ty quản lý nhà…, chứng minh quyền sở hữu căn hộ không còn thuộc về ông Liêm truớc khi Bản án phúc thẩm số 454/2014 ngày 30/8/2012 của TANDTC có hiệu lực thi hành.

Do tài sản này đã “bốc hơi” nên cơ quan THA đành “bó tay”. Cũng bởi sau khi xác minh điều kiện của người phải THA… không có điều kiện để thi hành, nên ngày 28/5/2015, Chi cục THADS quận Thanh Xuân đã ra quyết định trả lại đơn yêu cầu THA cho Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn dương Vinashin.
 

Nhiều văn bản chỉ đạo thi hành án việc thu hồi tài sản trong vụ tham nhũng tại Vinashin vẫn rơi vào bế tắc.

Do tài sản này đã “bốc hơi” nên cơ quan THA đành “bó tay”. Cũng bởi sau khi xác minh điều kiện của người phải THA… không có điều kiện để thi hành, nên ngày 28/5/2015, Chi cục THADS quận Thanh Xuân đã ra quyết định trả lại đơn yêu cầu THA cho Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn dương Vinashin.

Tại sao phải “gác” 1.000 tỷ đồng

Các đương sự phải bồi hoàn 1.200 tỷ đồng trong vụ Vinashin, từ Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin; Trần Văn Liêm, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn dương Vinashin đều có đặc điểm chung là… nghèo. Cái “nghèo” này được thể hiện rất rõ trong quá trình chấp hành viên xác minh tài sản để THA. Và kết quả của cái nghèo này chính là số tiền: 2,3 tỷ đồng cơ quan THA thu hồi được của Phạm Thanh Bình hay hơn 1 tỷ đồng thu được của Trần Văn Liêm. Tính đến giờ phút này, có lẽ “khá khẩm” hơn cả trong bộ sậu đánh chìm con tàu Vinshin là ông Trần Quang Vũ, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Nam Triệu.

Theo phán quyết của TANDTC, Trần Quang Vũ phải bồi thường 24,4 tỷ đồng (làm tròn số) cho Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Nam Triệu. Theo Tổng cục THADS, ngoài số tiền 24,4 tỷ đồng phải bồi thường theo quyết định của toà, Vũ còn phải nộp thêm lãi suất chậm thi hành án.

Cục THADS Hải Phòng đã kê biên, xử lý tài sản chung của hai vợ chồng ông Vũ là căn nhà số 40, ngõ 11 Hai Bà Trưng, quận Lê Chân, thu số tiền 249 triệu đồng (làm tròn số). Cơ quan này đã xử lý: Trích nộp áp phí; phần còn lại của ông Vũ là 124 triệu (làm tròn số). Số tiền này đã thanh toán cho Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Nam Triệu.

Cũng theo cơ quan THA, tính đến hết tháng 6/2015, Vũ đã thi hành được 124 triệu; còn phải thi hành 24,3 tỷ đồng và lãi suất chậm thi hành. Ngày 2/6/2015, Cục THADS Hải Phòng có Thông báo số 585/TB-TCTHA về việc cưỡng chế THA đối với tài sản của ông Vũ tại thửa đất 1/8, diện tích 425m² tại đường Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền (khu đô thị ngã 5 - Sân bay Cát Bi) để đảm bảo THA.

Quá trình THA, vợ ông Vũ là bà Hoàng Thị Hải Vân và các anh chị em liên tục có đơn khiếu nại, kiến nghị thu hồi thông báo trên. Theo chúng tôi được biết, đây là bất động sản thuộc diện “khủng” với một ngôi biệt thự Tây, nằm trên khu phố mới hoành tráng bậc nhất thành phố Cảng. Một cán bộ THA cho chúng tôi biết, việc thu hồi tài sản này để THA đang tiếp tục được tiến hành.

Ngày 17/7, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Thuỷ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp cho biết, tính đến hết tháng 6/2015, đã thu hồi cho Vinashin được số tiền 10,1 tỷ đồng (làm tròn số); trả lại đơn yêu cầu THA cho các doanh nghiệp được THA là 1.022 tỷ đồng (làm tròn số). Lý giải việc trả lại đơn yêu cầu THA số tiền trên 1.000 tỷ đồng này, ông Thủy cho biết: Theo Luật THADS 2008, khi xác định đương sự không đủ điều kiện THA thì phải trả lại đơn yêu cầu THA.

Luật THADS 2014 sửa đổi có hiệu lực 1/7/2015 dù không quy định trả lại đơn hay tạm đình chỉ khi xác định không đủ điều kiện THA nhưng lại quy định, khi rơi vào trường hợp này thì ra quyết định chưa có điều kiện THA. Như vậy, đối chiếu với trường hợp THADS trong vụ Vinashin, dù áp dụng Luật THADS cũ hay mới thì số tiền hơn 1.000 tỷ đồng mà nguyên các “sếp” Vinashin phải trả vẫn phải treo đấy.

Tiếp tục xác minh, xử lý các khoản tiền, tài sản khác của các đương sự (nếu có) để tổ chức THA theo đúng quy định của pháp luật là giải pháp được đưa ra hiện nay. Động viên gia đình, đương sự hợp tác, thực hiện nghĩa vụ THA  như nộp tiền thay, cung cấp thông tin về tiền, tài sản đương sự… được xem là hy vọng để phần nào thực hiện thu hồi lại số tài sản của nhà nước.

Từ kết quả đáng buồn trong việc thu hồi 1.200 tỷ đồng trong vụ Vinashin mới thấy, chiến công của lực lượng Công an vô cùng to lớn trong việc bắt giữ Giang Kim Đạt, nguyên Trưởng phòng Kinh doanh Vinashin. Đặc biệt là việc phong toả 40 bất động sản của y. Rồi đây, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ thực hiện hoạt động của mình, để kẻ có tội phải đền tội và phải bồi hoàn phần tài sản tham ô cho Nhà nước.

Đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng đã khó, thu hồi tài sản tham nhũng còn khó khăn hơn gấp bội. Từ bài học Vinashin, mong rằng các cơ quan chức năng sẽ có các biện pháp đồng bộ trong đấu tranh với loại tội phạm này.  

Cao Hồng - Việt Hà
.
.