Tuyên án giám đốc thẩm xét xử vụ Hồ Duy Hải

Bác kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao trong vụ án Hồ Duy Hải

Thứ Sáu, 08/05/2020, 16:02
Chiều nay 8/5, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã ra phán quyết giám đốc thẩm phiên toà xét xử vụ án Hồ Duy Hải bị toà án hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm tuyên phạt tử hình về hai tội “giết người” và “cướp tài sản”. Đúng 15h30’, Hội đồng Thẩm phán công bố nội dung bản án giám đốc thẩm.


Đây là sự kiện được dư luận cả nước đặc biệt quan tâm, do tính chất vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây ra cái chết của hai nạn nhân và thêm bản án tử hình. 

Chủ toạ phiên toà giám đốc thẩm Nguyễn Hoà Bình thay mặt Hội đồng Thầm phán công cố bản án.

Vụ án đau lòng

Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã ra phán quyết giám đốc thẩm phiên toà xét xử vụ án Hồ Duy Hải bị toà án hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm tuyên phạt tử hình về hai tội “giết người” và “cướp tài sản”. Đúng 15h30’, Hội đồng Thẩm phán công bố nội dung bản án giám đốc thẩm.

Theo bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Long An và bản án phúc thẩm của Toà phúc thẩm TAND tối cao tại TP Hồ Chí Minh, sáng 14/1/2008, người dân phát hiện hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) bị sát hại tại nơi làm việc. Trong khoản một tuần kể từ khi vụ án xảy ra, nhiều thanh niên trong khu vực có quen biết, hoặc có quan hệ tình cảm với hai nạn nhân được triệu tập, trong số đó có anh Nguyễn Văn Nghị, là bạn trai của một nạn nhân được xác định, có ghé Bưu điện Cầu Voi trong đêm xảy ra vụ án. 

Cơ quan điều tra từng tạm giữ và lấy lời khai của anh Nghị. Hai tháng sau, Hồ Duy Hải bị bắt và được xác định là hung thủ gây ra vụ án này. Theo bản án phúc thẩm, Hải thường đến Bưu điện Cầu Voi đặt mua báo nên quen chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (SN 1997), là nhân viên bưu điện.

 Tối 13/1/2008, Hải đến nơi làm việc của chị Hồng chơi, cùng trực đêm đó với chị Hồng có chị Vân (SN 1999, em họ chị Hồng). 

Tại đây, Hải nảy sinh ý định quan hệ tình dục với chị Hồng nên đưa tiền cho chị Vân đi mua trái cây. Khi chỉ còn hai người, Hải kéo chị Hồng vào phòng ngủ nhưng bị chị chống cự. Vì thế Hải bóp cổ chị Hồng, lấy con dao và thớt gỗ ở gần đó sát hại chị. 

Sợ sự việc bị bại lộ nên Hải giết luôn chị Vân khi chị này đi mua trái cây về. Gây án xong, Hải lấy 1,4 triệu đồng, điện thoại, 40 sim điện thoại của bưu điện và một số nữ trang của hai nạn nhân. Mấy hôm sau, Hải mang điện thoại, nữ trang đến TP Hồ Chí Minh bán được 3,7 triệu đồng.

 Cuối năm 2008, TAND tỉnh Long An mở phiên toà sơ thẩm và tuyên phạt Hải tử hình về hai tội “giết người” và “cướp tài sản”. Sau phiên toà này, Hải kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ngày 28/8/2009, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP Hồ Chí Minh bác kháng cáo của Hải, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Sau đó, Hải và gia đình có đơn gửi Chủ tịch Nước xin ân xá. Ngày 4/12/2014, Văn phòng Chủ tịch Nước có thông báo đã nhận được đơn kêu oan của mẹ đẻ Hồ Duy Hải và yêu cầu tạm dừng thi hành án. 

Ngày 22/11/2019, Viện KSND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, huỷ toàn bộ án sơ thẩm và phúc thẩm vụ án này để điều tra lại.

Theo kháng nghị giám đốc thẩm của Viện KSND tối cao, Tòa án hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm có nhiều nhận định và kết luận chưa phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án. 

Việc thu thập dấu vết hiện trường, đánh giá các chứng cứ, tài liệu chưa đầy đủ. Nhiều nội dung cần chứng minh còn mâu thuẫn. Lời khai của bị cáo mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn với kết quả khám nghiệm hiện trường. Ngoài ra, hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm chưa làm rõ thời gian Hải gây án. 

Đông đảo đại diện cơ quan báo chí dự phiên bế mạc chiều 8/5.

Kháng nghị chỉ ra rằng, Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm không làm rõ được địa điểm, người tiêu thụ tài sản do Hải cướp được. Dấu vân tay đã thu được ở hiện trường không phải là của Hải, nhưng là của ai cũng không được làm rõ... 

Về thủ tục tố tụng, kháng nghị cho rằng, các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng như: không trưng cầu giám định vết máu ngay khi thu được mà để 4 tháng sau khi khám nghiệm hiện trường; không đưa lời khai của Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án dẫn đến sai lầm trong giải quyết vụ án; khám nghiệm hiện trường nhưng không thu giữ vật chứng quan trọng mang dấu vết vụ án; không giám định thời điểm chết của nạn nhân; một số biên bản ghi lời khai, hỏi cung có sửa chữa nhưng không có chữ ký xác nhận của người khai...

Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao: Không điều tra lại 

Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao nhận định, theo quan điểm của đại diện Viện KSND tối cao, trong vụ án này có một số tình tiết chưa rõ ràng về thời gian xảy ra vụ án, đặc điểm nhận dạng về hình dáng, quần áo, xe máy của hung thủ gây án... và lời khai của các nhân chứng có mặt tại hiện trường và gần hiện trường nên cần làm rõ các vấn đề này. 

Tuy nhiên, các thắc mắc này của đại diện Viện KSND tối cao đã được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An giải đáp rất rõ ràng nên Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao nhận thấy, những câu hỏi của đại diện Viện KSND tối cao đã được giải đáp đầy đủ. 

Cụ thể, các lời khai của nhân chứng phù hợp với lời khai của hung thủ của vụ án này (Hồ Duy Hải- PV). Do đó, kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao về các hành vi này là không có căn cứ.

Đối với kháng nghị của Viện KSND tối cao về nội dung, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An không thu thập được tang vật vụ án trong quá trình điều tra? Bị can Hồ Duy Hải có nhiều lời khai thì cơ quan điều tra lấy lời khai nào để xác định là có căn cứ? Hồ Duy Hải dùng tay đập đầu vào nạn nhân vào lavabo hay đập đầu nạn nhân vào thớt? Chiếc ghế nhựa ở hiện trường có liên quan gì đến hành vi giết người của Hồ Duy Hải? Những sợi tóc dính ở Lavabo, vết máu trên chiếc thớt là từ đâu?... 

Từ những thắc mắc này, trong quyết định kháng nghị, Viện trưởng Viện KSND tối cao đề nghị thực nghiệm lại hiện trường để điều tra lại, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao nhận thấy, các chứng cứ này đã được thể hiện qua bản ảnh, các bản cung lời khai của Hồ Duy Hải đã khai nhận rất rõ ràng và phù hợp quá trình khám nghiệm hiện trường, quá trình thực hiện điều tra nên không cần thiết phải điều tra lại.

Đối với kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao về nguyên nhân nạn nhân chết ở tư thế nào là đúng? Những vết thương trên cơ thể là do vật dụng hay hung khí gì gây ra? Từ đó, Viện trưởng Viện KSND tối cao đề nghị làm rõ lại thông tin này. 

Về kháng nghị này, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao khẳng định, thắc mắc này đã được cơ quan giám định pháp y tỉnh Long An làm rõ và giải thích rõ ràng trong biên ản khám nghiệm hiện trường, biên bản khám nghiệm tử thi. 

Bị cáo Hồ Duy Hải tại một phiên tòa (Ảnh: CTV)

Các biên bản khám nghiệm đều phù hợp với cơ chế hình thành vết thương, hung thủ dùng hung khí sắc nhọn để tác động vào cơ thể của nạn nhân. Các điều này đều có giá trị chứng minh trong hồ sơ tố tụng. Do đó, Hội đồng Thẩm phán nhận thấy, không cần thiết phải làm rõ thêm điều này như kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao.

Đối với kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao về việc điều tra lại để làm rõ các tài sản mà Hồ Duy Hải chiếm đoạt tại Bưu điện Cầu Voi sau khi sát hại 2 nạn nhân? Tuy nhiên kháng nghị này đã được cơ quan điều tra xác minh làm rõ ngay từ quá trình điều tra vụ án, kết hợp với các niên bản lời khai của nhân chứng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Các tài liệu này đều được lưu giữ trong hồ sơ vụ án và phù hợp với lời khai của Hồ Duy Hải nên Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao nhận thấy, không cần thiết phải điều tra lại.

Kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cáo về nội dung, lời khai của Hồ Duy Hải về thời gian về nhà mâu thuẫn với thời gian xảy ra vụ án và cần điều tra lại? Tuy nhiên căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và giải đáp của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm và phúc thẩm rất phù hợp và logic với thời điểm xảy ra vụ án, thời điểm Hồ Duy Hải từ địa điểm gây án về nhà nên Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao nhận thấy, không cần thiết phải điều tra lại.

Đối với kháng nghị điều tra lại do mâu thuẫn lời khai của Hồ Duy Hải và lời khai của nhân chứng về mâu thuẫn thời gian xảy ra vụ án? Hội đồng Thẩm phán đã xem lại hồ sơ vụ án và nhận thấy, do Hồ Duy Hải có nhiều lời khai trong quá trình điều tra và nếu tách riêng ra thì mâu thuẫn với lời khai của nhân chứng, nhưng tổng hợp các lời khai của Hồ Duy Hải thì lại rất phù hợp với quá trình gây án. 

Lý do Hải có nhiều lời khai mâu thuẫn vì đây là tâm lý tội phạm sau khi gây án không ổn định. Do đó Hội đồng Thẩm phán thấy, bản chất các lời khai của Hồ Duy Hải mâu thuẫn với nhau nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án.

Đối với các nội dung kháng nghị khác của Viện trưởng Viện KSND tối cai, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao nhận thấy, thắc mắc của Viện KSND tối cao là có lý, nhưng các thắc mắc này không làm thay đổi bản chất của vụ án và không có giá trị chứng minh pháp lý trong vụ án.

Hồ Duy Hải không bị oan

Với những căn cứ pháp lý nêu trên, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao khẳng định, Hồ Duy Hải là hung thủ duy nhất gây ra cái chết cho 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi và cướp tài sản của nạn nhân cùng tài sản của Bưu điện Cầu Voi. 

Nội dung của hai bản án của Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm cũng trùng hợp với lời khai của Hồ Duy Hải. Do đó Toà án hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm xác định Hồ Duy Hải phạm tội “giết người” và tội “cướp tài sản”và tuyên án Hồ Duy Hải tử hình về hai tội danh trên là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan.

Về căn cứ để Viện trưởng Viện trưởng Viện KSND tối cao ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm vụ án này, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao khẳng định, sau khi bị Toà phúc thẩm TAND tối cao tuyên án tử hình, Hồ Duy Hải đã có đơn gửi Chủ tịch Nước xin ân xá, miễn tử hình nhưng đã bị Chủ tịch Nước bác đơn bằng Quyết định 639/QĐ-CTN. Do đó Quyết định số 639 còn nguyên hiệu lực. 

Sau đó, Văn phòng Chủ tịch Nước ra công văn số 1639 thông báo ý kiến của Chủ tịch Nước về việc tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải. Tuy nhiên đây là văn bản hành chính nên không thể thay thế Quyết định số 639 của Chủ tịch Nước. 

Với những căn cứ nhận định như trên, Hội đồng Thẩm phán TAND cấp cao quyết định: Không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao. Giữ nguyên các quyết định của hai bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Long An và Toà phúc thẩm TAND tối cao đối với Hồ Duy Hải.






Nguyễn Hưng
.
.