Phúc thẩm “siêu lừa” gần 4.000 tỷ Huỳnh Thị Huyền Như:

Luật sư của Huyền Như đề nghị xem xét bị cáo... không phạm tội tham ô

Thứ Sáu, 26/12/2014, 09:33
Ngày 25/12, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận của các luật sư. Dù không kháng cáo về mức hình phạt nhưng do VKS đề nghị hủy một phần bản án liên quan đến bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như nên HĐXX mời luật sư của bị cáo trình bày.
>> Xử phúc thẩm vụ án “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như

Bào chữa cho bị cáo Như, các luật sư đề nghị HĐXX không chấp nhận quan điểm của VKS khi cho rằng cần phải hủy một phần bản án liên quan đến hành vi chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng của Huyền Như đối với 5 công ty để điều tra, xét xử lại về tội “tham ô tài sản”. Theo các luật sư, trước đó án sơ thẩm đã tuyên Như mức án tù chung thân về 2 tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Sau khi tòa tuyên án, theo quy định thì VKS và các bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có 15 ngày để kháng cáo, kháng nghị. Tuy nhiên, VKS đã không kháng nghị, bị cáo Như không kháng cáo nên phần bản án tuyên về nội dung trên đã có hiệu lực pháp luật. Do vậy, luật sư cho rằng việc VKS đề nghị hủy phần bản án liên quan đến hành vi chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng của 5 công ty để điều tra, xét xử lại về tội tham ô, buộc Vietinbank phải bồi thường số tiền trên là vi phạm tố tụng (!?).

Ngoài ra, các luật sư cũng cho rằng Huyền Như không lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Từ đó luật sư phía Vietinbank cho rằng: Vietinbank hoàn toàn không có lỗi trong việc Huyền Như chiếm đoạt tiền của các bị hại để chiếm đoạt tài sản của Vietinbank mà đây là chiếm đoạt tiền của khách hàng. Bởi lẽ, nguyên nhân dẫn đến vụ án là do bị cáo kinh doanh thua lỗ phải vay tiền với lãi suất cao mới nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của các bị hại.

Đồng quan điểm với luật sư của Huyền Như, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Vietinbank tại tòa, các luật sư cũng đưa ra nhiều chứng cứ và cho rằng  hành vi phạm tội của bị cáo Như có sự xâu chuỗi với nhau. Bị cáo nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của các khách hàng trước khi tiếp cận. Bị cáo không phải là người có chức vụ, quyền hạn ở Vietinbank để chiếm đoạt tiền. Từ đó, các luật sư đề nghị HĐXX xác định Vietinbank không phải là nguyên đơn dân sự trong vụ án này.

Huyền Như có phần căng thẳng kể từ khi VKS đề nghị hủy một phần bản án để điều tra xét xử về tội “tham ô tài sản”.

Trong khi đó, bào chữa cho bị cáo Võ Anh Tuấn, luật sư Phan Trung Hoài đề nghị HĐXX xem xét số tiền thiệt hại của Công ty Thái Bình Dương mà bị cáo được xác định là đồng phạm với Huyền Như hiện chỉ còn thiệt hại hơn 21 tỷ (thực tế 80 tỷ nhưng Như đã trả hơn 58 tỷ). Đối với hành vi giúp sức chiếm đoạt tiền của 3 công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát và Hưng Yên, vị luật sư đề nghị HĐXX xem xét lại bối cảnh, mức độ phạm tội của bị cáo vì loại trừ 10 bản xác nhận và hồ sơ Công ty Phúc Vinh, còn lại các tài liệu khác đều do Như làm giả. Trong hành vi này, dù bị quy buộc là đồng phạm giúp sức nhưng chính Tuấn lại bị Huyền Như giả chữ ký, làm giả con dấu Vietinbank – chi nhánh Nhà Bè. Theo luật sư, đã là đồng phạm thì phải thể hiện đồng thuận về mặt ý chí trong khi đó hồ sơ vụ án hoàn toàn không thể hiện có sự bàn bạc, giúp sức nhưng bản án sơ thẩm suy luận bất lợi cho bị cáo. Trong 3 công ty trên thì Phúc Vinh và Thịnh Phát đã rút kháng cáo. Đối với Hưng Yên, VKS đề nghị hủy bản án để điều tra và đề nghị xem xét xem Võ Anh Tuấn có đồng phạm hay không? “Chúng tôi khẳng định Võ Anh Tuấn hoàn toàn không biết việc Như làm giả hợp đồng để huy động tiền của Hưng Yên”, luật sư Hoài trình bày. Từ quan điểm nêu trên, luật sư đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng nghị của VKS, chấp nhận một phần kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo.

Hôm nay phiên tòa tiếp tục phần tranh luận.

A.Huy
.
.