Bán ô tô để làm từ thiện

Thứ Sáu, 16/03/2018, 16:23
Sống vì người khác, tuân thủ y đức là cái đạo của người bác sĩ. Có lẽ vì vậy nên đã có rất, rất nhiều các bác sĩ tham gia vào các hoạt động thiện nguyện, khám chữa bệnh miễn phí cho bà con nghèo trên khắp cả nước, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, với mong muốn mang đến cho người dân một cuộc sống khỏe mạnh.


Bác sĩ Hoàng Ngọc Sơn, công tác tại khoa Ngoại, Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội là một người như thế. Anh cùng với một số bác sĩ khác và một nhóm thiện nguyện đã kết hợp lại thành một nhóm thiện nguyện mang tên “Ốm Có Thuốc” từ năm 2012 để khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí và trao tặng quà gồm chăn, áo ấm hay đồ gia dụng cho bà con ở vùng sâu, vùng xa.

Anh Sơn cho biết những nơi mà “Ốm Có Thuốc” đến khám, chữa bệnh cho bà con đều mang lại cho anh và các thành viên khác những kỷ niệm khó quên, bởi đây là những chuyến đi không hề dễ dàng theo đúng nghĩa đen của nó: đường đi vô cùng khó khăn, những buổi khám thông trưa từ sáng sớm đến tối mịt, và có những người dân cả đời chưa bao giờ biết đến bác sĩ là gì...

Nhưng bác sĩ Sơn cho biết đó hoàn toàn không phải là vấn đề. Vấn đề ở chỗ là thiếu máy móc phục vụ cho việc khám chữa bệnh, và chiếc máy siêu âm là cực kỳ cần thiết. Bởi nếu không có máy siêu âm, việc phát hiện bệnh thường rất khó khăn, và việc chẩn đoán không chính xác thường xuyên xảy ra do nhiều bệnh có những triệu chứng giống nhau. Bác sĩ Sơn cũng cho biết nhóm của anh thường phải thuê máy siêu âm trong mỗi cuộc hành trình, mà tiền thuê thì khá đắt đỏ.

Bác sĩ Hoàng Ngọc Sơn.

Anh chia sẻ: “Trước đây, một số anh em bác sĩ mượn được máy nhưng sau này không mượn được, phải đi thuê. Mỗi lần thuê phải tính bằng tiền triệu, nhóm đi làm thiện nguyện thì từng đồng cũng quý”.

Mỗi năm dù có bận việc đến mấy “Ốm Có Thuốc” cũng có từ 3-5 chuyến đi đến với bà con những vùng khó khăn, nên bác sĩ Sơn luôn trăn trở làm thế nào để có được một chiếc máy siêu âm để mỗi chuyến đi không còn phải phụ thuộc vào việc đi mượn hay đi thuê nữa... Nhưng một chiếc máy siêu âm cũng mất cả đống tiền, khoảng chừng 300 triệu đồng...  Không thể tự xoay sở được, thế là anh về nhà “gạ” vợ bán xe ô tô mua máy siêu âm để... “mở phòng khám”.

Anh nói dối chị rằng anh ngồi đau lưng lắm, bán đi có tiền đầu tư mua máy siêu âm còn ra khám ngoài kiếm tiền, để có thể “thuận buồm xuôi gió” bán chiếc xe đi... Và anh đã có được chiếc máy siêu âm cho biết bao hành trình thiện nguyện, khám bệnh cho đồng bào vùng sâu.

“Ốm Có Thuốc” phục vụ khám chữa bệnh cho bà con xã Mường Ðun, Ðiện Biên

Hiện nhóm thiện nguyện Ốm Có Thuốc có khoảng 20 thành viên đến từ nhiều ngành nghề khác nhau nhưng cùng có chung tấm lòng thiện nguyện. Ngoài các bác sĩ nhiệt thành khác như BS. Dương Đức Hoàng (Viện Lão khoa), BS. Nguyễn Hải Ninh (BV Bạch Mai), BS. Trịnh Xuân Tú (BV Y học thể thao), BS. Nguyễn Văn Hùng (BV Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh), BS. Phạm Phúc Khánh (BV Việt - Đức), BS. Đào Thanh Nhạn (BV Bạch Mai), BS. Nguyễn Thị Hòa (Viện Y học cổ truyền)… thì các thành viên chủ chốt như chị Hào lo đối ngoại, chị Trâm Hoa lo xe cộ đi lại, còn cô My, cô Trường, chị Kim Sen, Hồng Trâm, Lê Thủy, Mai Hoa, Kim Chi, Khánh Chi, Thu Phương, anh Trọng Vinh, Đình Đại, Phạm Huỳnh… luôn sẵn sàng chung tay để "Ốm Có Thuốc" lên đường.

BS. Hoàng Minh Trung, người gắn bó với “Ốm Có Thuốc” từ ngày còn đang nội trú ở BV Việt - Đức, giờ công tác tại Bệnh viện huyện Sơn Động, Bắc Giang vẫn đều đặn tham gia dù công việc bận rộn. Anh Trung bảo: “Các bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương còn bận gấp trăm lần mà vẫn dành 2 ngày cuối tuần, bỏ cả công việc, tiền nong để đi, thì em phải đi chứ”. Cũng chính vì vậy, cứ "Ốm Có Thuốc" lên kế hoạch là anh Trung lại sắp xếp thời gian về Hà Nội để góp mặt.

Chị Nguyễn Hào chia sẻ chị em trong nhóm vẫn đùa nhau rằng, mỗi lần tổ chức khám như một lần “hành xác” khi luôn bị “vòng vây” hàng trăm bà con kéo đến để “được” khám siết chặt từ sớm đến tối muộn. Có những buổi khám thông trưa, bác sĩ quên cả ăn, hoạt động hết năng suất để sàng lọc, khám, chẩn đoán, phát thuốc để bà con nào đến cũng được khám... 

Có nhiều người dân là người dân tộc khi biết tin có đoàn thiện nguyện từ Hà Nội về khám, phát thuốc miễn phí đã vượt 25-30km đường rừng rất đáng thương. Không ít cụ ở độ tuổi thất thập mới lần đầu tiên được biết đến đo huyết áp, nghe tim phổi hay siêu âm…

Chị Hào nói: "Với mỗi hành trình của Ốm Có Thuốc, chúng tôi cảm nhận được đôi mắt của mẹ lấp lánh niềm vui khi nhận chiếc chăn ấm, cái nắm tay tin tưởng của cha khi được các bác sĩ khám chữa bệnh và nhận thuốc miễn phí. Nhìn những nụ cười hoan hỉ, cái bắt tay ấm nồng tình cảm của đồng bào mà chúng tôi như quên đi hết mệt nhọc và những khó khăn suốt chặng hành trình”.

Bác sĩ Sơn chia sẻ: “Đa phần việc khám, chữa bệnh cho bà con vẫn chỉ dừng ở khám sàng lọc và phân loại tư vấn. Tùy từng bệnh mà khuyến cáo bà con nên lựa chọn dịch vụ y tế phù hợp. Có bệnh nhân đến khám thì bệnh đã nặng quá mà họ cho biết chẳng có điều kiện đi khám. Nhiều ca nặng anh em mình lại “khuân” về Hà Nội chữa miễn phí tiếp”.

Anh nói: “Cái mình thu được sau mỗi hành trình thiện nguyện chính là động lực để mình sống tốt hơn, thiện hơn”.

Tân Ước
.
.