“Bội thực” cao ốc, hạ tầng lĩnh đủ

Thứ Bảy, 15/06/2019, 15:30
Gần 20 năm qua, hàng loạt tòa nhà cao tầng mọc lên dày đặc trên các tuyến đường có vị trí đắc địa ở TP HCM khiến giao thông ở các khu vực này ngày càng trở nên ngột ngạt hơn. Giao thông chật chội là hệ quả của việc phát triển đô thị phá vỡ quy hoạch, quy hoạch lại không kịp điều chỉnh theo tình hình mới.


"Bội thực”" nhà cao tầng

Gần 20 năm qua, hàng loạt tòa nhà cao tầng mọc lên dày đặc trên các tuyến đường có vị trí đắc địa ở TP Hồ Chí Minh khiến giao thông ở các khu vực này ngày càng trở nên ngột ngạt hơn. Giao thông chật chội là hệ quả của việc phát triển đô thị phá vỡ quy hoạch, quy hoạch lại không kịp điều chỉnh theo tình hình mới.

Đường Nguyễn Hữu Thọ nối từ quận 4 qua quận 7 và huyện Nhà Bè, là vị trí vàng được nhiều nhà đầu tư lựa chọn để thực hiện những dự án cao ốc. Khu vực này được mệnh danh là tuyến đường có nhiều nhà cao tầng nhất khu Nam Sài Gòn.

Cần hạn chế nhà cao tầng ở những nơi vốn đã kẹt xe hoặc có nguy cơ ùn tắc giao thông.

Theo thống kê, con đường Nguyễn Hữu Thọ khu vực quận 7 có tới khoảng 40 dự án cao ốc lớn nhỏ; có thể kể một số dự án như Park Vista, Sunrise City View, The Park Residence, Dragon Hill 2, Kiến Á, Hưng Phát Silver Star… Và dù hạ tầng giao thông khu vực này được đầu tư tương đối bài bản, nhưng với tốc độ phát triển cao ốc quá nhanh đã khiến tình hình giao thông ở con đường này luôn phải chịu nhiều áp lực.

Một con đường “nổi tiếng” khác là Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, cũng trong tình trạng tương tự - nổi bật với hàng loạt các khối nhà cao tầng, hàng chục ngàn căn hộ nằm san sát nhau khiến cho không gian như đặc nghẹt, không khí cũng bị ảnh hưởng vì hướng gió bị che chắn và bụi bặm hơn…

Có thể kể như các dự án nằm trên trục đường này gồm có The Manor, Saigon Pearl, Vinhomes Central Park, Vinhomes Golden River, SunWah Pearl và Centennial Bason…

Thậm chí các tuyến đường lớn mới mở như Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt cũng kẹt cứng vào các giờ cao điểm.

Để giải phóng lưu lượng xe cộ dồn cục, ngành giao thông đã lập các biển báo hướng dẫn xe vào các đường hẻm, len lỏi trong khu dân cư. Dù vậy, vào giờ cao điểm, từ đường lớn đến đường nhỏ cũng đều chật người và xe…

Có thể nói, việc phát triển nhà cao tầng ồ ạt ở khu trung tâm thành phố là nguyên nhân gây nên tình trạng lượng lớn xe cộ và người di chuyển vào làm việc. Nhiều con đường vốn đã ùn tắc sắp chịu áp lực lớn từ hàng chục cao ốc đang mọc lên, gắn với nó là hàng trăm ngàn người lưu thông tăng thêm.

Chỉ đoạn đường cầu Kênh Tẻ từ quận 4 qua quận 7 khá ngắn, nhưng tình trạng kẹt xe, ùn ứ xảy ra thường xuyên khiến nó bị cho là cây cầu “dài nhất” thành phố. Đặc biệt, khu vực trung tâm giờ đây không còn phân biệt giờ cao điểm hay thấp điểm.

Theo kiến trúc sư, TSKH Ngô Viết Nam Sơn, đúng ra việc xây dựng hạ tầng đường sá luôn phải có trước. Nếu chờ xây các dự án nhà ở xong thì mới làm hạ tầng sẽ rất tốn kém cho ngân sách, vì giá đất sẽ tăng cao và mật độ giao thông tại đây sẽ cao hơn nên nếu đặt lô cốt sẽ gây ách tắc giao thông.

Một trong những nguyên nhân nữa khiến việc quá tải đô thị trầm trọng là tình trạng thiếu hoặc đầu tư không đủ các bãi giữ xe trong chính các chung cư và khu dân cư. Theo các chuyên gia quy hoạch thì ngoài việc cẩn trọng trong cấp phép xây dựng cho các dự án nhà ở tại các khu vực, trục đường đã quá tải thì việc điều chỉnh hạ tầng tại các khu vực đã có quá nhiều dự án nhà ở là cần thiết.

Khuyến khích đầu tư ở các khu vực ngoại ô

Tính đến hết tháng 7-2018, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị tại TP Hồ Chí Minh chỉ đạt 8,85% (trong khi tỷ lệ theo quy hoạch là 22,3%). Theo Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, tổng chiều dài các tuyến đường trên địa bàn đô thị thành phố khoảng 4.205km, đạt mật độ 2km/km2. Trong khi đó, theo quy hoạch, mật độ chiều dài tiêu chuẩn đất dành cho giao thông phải đạt 10-13,3km/km2.

Thực trạng này đã khiến giao thông là một trong những vấn đề nan giải của thành phố. Trong khi chờ hoàn thiện cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông cần giải pháp để giảm kẹt xe và phát triển bền vững có lợi cho giao thông về sau.

Theo ông Khương Văn Mười, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP Hồ Chí Minh, thành phố nên đầu tư ở các khu vực ngoại vi nhiều các dịch vụ tiện ích và các cơ sở làm việc, như vậy các khu vực đó sẽ thu hút người dân nhập cư, tránh việc dồn nén và tạo áp lực vào trong nội đô thành phố.

Theo các chuyên gia về quy hoạch, để thực hiện các giải pháp, cần có đầu mối chịu trách nhiệm cụ thể và rõ ràng trong công tác quản lý, điều phối giữa các sở, ngành liên quan quy hoạch, xây dựng, giao thông sao cho đảm bảo không gây kẹt xe.

Trên cơ sở đó, rà soát lại quy hoạch và căn cứ thực tế để hạn chế xây nhà cao tầng ở những nơi vốn đã đông đúc, ùn tắc giao thông. Có thể quy định cụ thể vị trí và diện tích đất được phép xây dựng, các loại chung cư và số lượng dân sinh sống, không gian công cộng và lộ giới tuyến đường phục vụ nhu cầu giao thông...

Đồng thời, xem xét trong việc cấp phép xây dựng các công trình lớn tại khu vực trung tâm một khi đã đảm bảo nhu cầu giao thông, thoát nước. Ngoài ra, có thể phân kỳ đầu tư phù hợp với thực trạng đô thị, chỉ cấp phép công trình có sẵn bãi giữ xe cũng như đường kết nối giao thông đã mở rộng.

Liên quan trực tiếp tới vấn đề này, Chính phủ đã ban hành quy định: “Chỉ phê duyệt đầu tư các khu chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại khi phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu và quy định về bãi đỗ xe, hạ tầng giao thông và kết nối giao thông với các trục đường chính trong đô thị”.

Phú Lữ
.
.