Đầu xuân đi chợ không mặc cả

Thứ Hai, 13/02/2017, 14:44
Không giống một phiên chợ thông thường, chợ Đình Cả (xã Tân Hương, Ninh Giang, Hải Dương) hàng trăm năm nay trở thành nơi giao lưu văn hóa cộng đồng, đó là sự gắn kết tình làng nghĩa xóm.


Phiên chợ đặc biệt mỗi năm chỉ tổ chức một lần vào mồng 2 Tết, còn là nơi để người dân tìm kiếm sự may mắn cho mình trong năm. Trong phiên chợ này, người bán không được nói thách và người mua không được mặc cả.

1. Những ngày giáp Tết, người dân xã Tân Hương không chỉ bận rộn chuẩn bị cho gia đình cái Tết đủ đầy, họ còn chuẩn bị cho mình những món đồ, những sản phẩm tốt nhất chuẩn bị cho phiên chợ ngày mồng 2.

Dư âm của phiên chợ Tết thể hiện rõ nét qua những câu chuyện phiếm của các bà, các chị: Luống rau cần này em cố chăm cho tốt, cho đẹp để mồng 2 bán ở chợ Đình Cả; có ít gạo ngon đây để làm mấy yến bún; rồi ao cá của nhà chị bớt lại một ít cá to bán chợ mồng 2.

Chị Phạm Thị Thanh cho biết: "Dân chúng tôi buôn bán ngược xuôi quanh năm, cũng chỉ mong đến phiên chợ mồng 2 để sum họp gia đình, để du xuân, buôn bán cầu may. Ngày thường bán gì thì bán nhưng riêng ngày chợ phiên mồng 2 thì phải lựa những thứ ngon nhất, đẹp nhất, sạch nhất để bán. Năm nay tôi cũng chuẩn bị một ít rau sạch, cà chua ngon để bày bán, góp vui".

Người mua, kẻ bán không ai mặc cả một câu.

Đã từ lâu, chợ Đình Cả được người dân quanh vùng biết đến là phiên chợ chỉ họp duy nhất một lần trong năm vào sáng mồng 2 Tết. Nói là chợ thực tế lại là ngày hội của người dân xã Tân Hương. Buôn bán là cái cớ để người ta gặp nhau, trò chuyện, tìm kiếm tài lộc cho một năm.

Khi trời còn chưa rõ mặt người, người dân trong xã đã nô nức kéo nhau về khu vực Đình Cả để tham gia phiên chợ. Càng về sáng chợ càng đông vui, thu hút hàng nghìn người đến tìm mua các mặt hàng. Dù mua hay bán thì người ta cũng cảm nhận được niềm vui, đều hy vọng may mắn đến với mình cho cả năm.

Ông Nguyễn Văn Thắng (bán hàng cá) phấn khởi nói: "Nhiều năm nay rồi, cứ đến sáng mồng 2 Tết tôi lại mang cá về chợ để bán. Bán được nhiều hay ít không thành vấn đề, miễn sao tìm được sự may mắn trong năm đó. Nói thật là cá này phải lựa chọn những con đẹp nhất, béo nhất. Đặc biệt hơn nữa cũng phải có chế độ ăn cho cá trước khi mang ra chợ bán".

Từ trước tới nay, chẳng ai bảo ai, cứ đến ngày này cả làng lại tụ họp về khu vực Đình Cả để họp chợ. Mỗi người một thứ, thường là những mặt hàng do chính mình làm ra, chính mình chăm sóc cho thật đẹp, thật tươi để bán. Đặc biệt hơn nữa, ở phiên chợ này người ta không mặc cả một lời.

Chị Ngô Thị Thắm cho biết: "Có lẽ phiên chợ này lợi nhuận không phải là điều quan trọng. Từ người bán thì không nói thách, người mua không mặc cả. Nếu có chuyện đó thì sẽ mang lại điều không may mắn. Tôi là người bán bún ở chợ phiên Đình Cả này có lẽ cũng hơn 10 năm rồi. Trước Tết chuẩn bị vài yến gạo thật ngon để làm. Những mặt hàng được bày bán ở đây đều là những thứ ngon nhất, đẹp nhất của người dân".

Xã Tân Hương hay còn gọi là làng Bói, con người nơi đây nức tiếng chịu thương, chịu khó. Họ chẳng nề hà việc gì, đất ruộng ít họ quanh năm buôn bán khắp mọi nơi, chỉ mong có ngày Tết để sum họp gia đình, để gặp nhau, để cầu lộc trong ngày chợ đầu năm.
Những con cá to nhất, ngon nhất được người dân bày bán.

Chợ Đình Cả có từ thời Thái Hòa (1676 - 1679) gắn liền với sự tích của Đình và sự tồn tại của làng Bói. Trải qua rất nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, phiên chợ đặc biệt không hề mất đi và ngày càng được mở rộng.

Ông Bùi Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Tân Hương chia sẻ: "Đây là nét văn hóa vô cùng độc đáo của địa phương, đầu năm ai cũng mong muốn tìm cho gia đình và bản thân một món hàng nào đó để mong sự may mắn. Không như các phiên chợ thông thường, sau khi mua hàng xong, mọi người lại vào đình làng để dâng hương, tưởng nhớ các anh hùng đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, dựng làng lập ấp mang lại ấm no cho dân làng".

Bên cạnh ý nghĩa về "mua sự may mắn đầu năm" thì người dân tại đây cũng muốn sắm cho mình những thứ mà chưa kịp sắm sửa cho Tết. "Dân ở đây rất bận rộn, có khi đến ngày cận Tết còn không kịp mua sắm đồ Tết, phiên chợ này cũng để người ta mua sắm đồ biếu người thân" - Chủ tịch xã Tân Hương cho biết.

Phiên chợ vẫn đông nhưng không ồn ào, bên cạnh bán những mặt hàng quen thuộc phục vụ đời sống dân sinh thì chợ còn bán muối, bún, hải sản và trầu cau để những bạn trẻ có cơ hội tìm được duyên lành trong năm mới.

Sau khi mua hàng, mọi người lại vào đình làng dâng hương.

2. Chợ Đình Cả vẫn có dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân sở tại. Người đàn ông dáng quắc thước, phong trần chừng ngoài 60 tuổi chắp tay ngắm nhìn chợ mồng 2 với vẻ vui mừng.

Ông Nguyễn Văn Giang, người gốc xã Tân Hương, lớn lên đi bộ đội, trở thành chỉ huy, dù sống ở Hà Nội nhưng chưa năm nào ông bỏ lỡ phiên chợ đặc biệt ở quê mình. Ông Giang cho biết: "Các cụ có nói, muốn biết quê hương thay đổi thế nào cứ đến chợ là rõ, nhưng ở phiên chợ này nói như vậy chưa hẳn đúng. Phiên chợ Đình Cả có nhiều đổi thay, nhưng vẫn giữ được nét duyên vốn có của nó. Dù xa quê hương nhưng năm nào tôi cũng đưa vợ con, các cháu về. Dù nhà có đủ đầy rồi nhưng mỗi người cũng phải mua 1 thứ đồ nào đó, để cầu may mắn, cầu an lành cho năm mới".

Đây như một phiên chợ trấn trạch, nơi giao hòa của quá khứ và hiện thực.

Chợ Đình Cả giờ đông hơn, hàng hóa nhiều hơn nhưng vẫn giữ được nếp xưa. Bánh trái tinh sạch vẫn được bày bán gần đình làng, rồi hàng bún, cá tươi, rau xanh, cà chua, thêm mấy hàng tạp hóa, đồ chơi trẻ con, rồi vài ba hàng thịt. Người mua kẻ bán đều không mặc cả, ai nấy cũng giữ nét mặt thong dong như thể đi trẩy hội.

Với những người xa quê hương như ông Giang, chợ đình Cả như thể một phiên chợ trấn trạch, là nơi giao hòa gặp gỡ của hiện thực và quá khứ. Chợ Đình Cả đã và đang thay đổi, đa dạng hơn về hàng hóa nhưng vẫn giữ được nét hồn hậu, sự mộc mạc vốn có. Nó làm cho đất và người nơi đây duyên hơn, đẹp lên.

* Ông Bùi Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Tân Hương cho biết: "Vì đây là phiên chợ đặc biệt một năm chỉ họp một lần cho nên địa phương không đứng ra tổ chức, không thu phí, thu vé xe. Do đó, phiên chợ này đã thu hút nhiều vùng lân cận đến thăm quan, mua sắm. Để chuẩn bị cho phiên chợ, trước Tết, nhân dân địa phương tự bảo nhau kẻ vạch, nhận chỗ bán hàng của mình ngay trước cổng Đình Cả. Trong quá trình phiên chợ diễn ra, người bán, người mua đều thể hiện sự tôn nghiêm, không to tiếng và ai cũng vui vẻ hoà đồng. Thời điểm phiên chợ đông nhất vào khoảng 7 giờ sáng, lúc này có đến hàng nghìn người tìm đến chợ để du xuân và mua hàng. Không ai bảo ai, từ người trẻ đến già không chen lấn xô đẩy mà tuần tự nhích dần từng bước đi qua các gian hàng được lập tạm ven đường. Tôi cho rằng, chính phiên chợ đặc biệt này đã trở thành điểm giao lưu văn hóa cộng đồng, góp phần gắn kết tình làng, nghĩa xóm trong địa phương với nhau. Nhờ vậy, trong năm qua xã chúng tôi đã được UBND tỉnh Hải Dương công nhận là đơn vị đạt chuẩn quốc gia về xây dựng Nông thôn mới".

Phong Anh
.
.