Đời vạn chài sông Lam

Thứ Tư, 14/12/2016, 14:44
Cả đời lênh đênh trên sông nước, nhiều người dân ở các làng chài dọc sông Lam, tỉnh Nghệ An mong muốn được ổn định cuộc sống ở trên bờ. Song ước mơ đó vẫn xa vời khi việc thực hiện các dự án chậm chạp, một số hộ đã tái định cư (TĐC) nhưng không tìm được kế sinh nhai lại quay về nương tựa vào dòng sông.


Những ước mơ dang dở

Làng Vận Tải, xã Võ Liệt (Thanh Chương, Nghệ An) buồn hiu hắt. Những con thuyền bé nhỏ là "ngôi nhà" di động của gần 100 hộ dân sống nhờ nguồn thủy sản trên dòng sông mênh mông càng trở nên bé nhỏ trước mùa mưa lũ.

Anh Hồ Văn Toàn, 35 tuổi đã có tới bốn đứa con, cho biết: "Cứ mỗi mùa mưa bão đến là chúng tôi run rẩy. Mưa gió sẵn sàng vùi những con thuyền này xuống dòng nước, hoặc đẩy đi rất xa. Nếu là bão lớn thì buộc chúng tôi phải xin đi tản cư để khỏi bị đe đọa tính mạng".

Anh Toàn dẫn tôi thăm các hộ dân, sống tạm trên bè, thuyền cũ nát. Ở đây người dân hằng ngày đánh bắt thủy sản, mang lên khu chợ trong làng bán, mua nhu yếu phẩm rồi lại xuống thuyền. Nhiều người già chỉ ước ao có một mảnh đất cắm dùi trên bờ nhưng đến nay vẫn phải chờ đợi.

Với đôi mắt buồn xa xăm, bà Nguyễn Thị Bảy (76 tuổi) chua xót: "Tui từ nhỏ đến giờ lớn lên ở trên chiếc thuyền này. Nghe người ta nói là được chính quyền các cấp quan tâm, bố trí cho một khu TĐC để bà con làng chài lên ở, tui mừng lắm nhưng nhiều năm rồi mà chưa hình dung được chỗ ở mới ra răng".

May mắn hơn làng chài Vận Tải, 68 hộ dân chài ở xóm 6 xã Đặng Sơn (huyện Đô Lương) đã được TĐC trên một khu vực khác của xã, khá cao và thoáng. Thế nhưng đời sống của họ vẫn còn nhiều khó khăn nên nhiều người quay lại sống bám vào dòng sông Lam để tìm nguồn sống.

Ngồi trên chiếc thuyền mới sắm 12 triệu đồng chuẩn bị đi đánh cá, ông Trần Ngọc Tùng, 53 tuổi chia sẻ: "Nhờ các cơ quan chức năng cho đất làm nhà, không chỉ riêng gia đình tôi mà tất cả các hộ dân ở đây đều rất phấn khởi. Giờ cuộc sống của gia đình tôi cũng ổn định hơn một chút vì không phải quanh năm sống trên sông nước và canh cánh nỗi lo lật thuyền. Nhưng chúng tôi cũng thất vọng là thiếu đất canh tác".

Tâm sự với những hộ dân, họ cho biết ước mơ lên bờ đã thành hiện thực, nhưng ước mơ về cuộc sống an cư đúng nghĩa thì còn dang dở. Nhiều người dân chia sẻ, ngoài diện tích đất được cấp từ 150- 160m² để xây dựng nhà cửa và các công trình phụ thì họ không có đất để sản xuất, trồng rau, xây chuồng trại chăn nuôi.

Cho nên chẳng còn cách nào khác là tiếp tục dầm mình trên sông đánh bắt cá, hoặc khai thác cát, sỏi thuê. "Nhà tui có tám khẩu, nay người về lại sông, người tứ tán làm thuê. Chứ cứ ở mãi trên bờ lấy gì sống. Tui chỉ ao ước có đất, có ruộng chăn nuôi mà chẳng biết bao giờ mới thành sự thật", bà Nguyễn Thị Thanh, 60 tuổi nói.

Là xóm trưởng xóm 6, đại diện cho bà con, ông Ngô Văn Lợi đã vất vả kiến nghị lên các cơ quan chức năng, xin quỹ đất cho bà con làm nông nghiệp, song phương án bà con được trả lời vẫn là… chờ đợi! Điều đáng nói, dọc sông Lam có hàng chục làng chài, đa số có đời sống bấp bênh, như làng chài xã Hưng Xuân (huyện Hưng Nguyên); làng chài Tân Lam, Hưng Lam (huyện Nam Đàn); làng chài xã Tam Sơn (huyện Anh Sơn).

Ngay như ở thị trấn Thanh Chương, cũng có xóm Rộ, xóm Giăng với hơn 80 hộ dân sống bằng nghề chài lưới, hút cát thuê và mùa mưa đến thì làm công việc mót củi trôi nổi trên sông để bán. Hầu hết đều chung ước mơ sống an bình trên đất liền.

Nhiều đứa trẻ làng chài không được đi học.

Vướng ở đâu?

Dẫu biết, để chăm lo tốt cho đời sống người dân, nhất là những hộ dân sống cảnh lênh đênh trên sông nước là một việc khó, song không thể không nói đến trách nhiệm của các cấp chính quyền khi đời sống người dân còn khó khăn.

Trao đổi về khó khăn của địa phương, ông Hoàng Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đặng Sơn khẳng định: "Đến thời điểm này, chỗ ở của bà con TĐC làng chài cơ bản là ổn định nhưng về đất sản xuất, nghề nghiệp của họ vẫn bám vào sông. Qua tiếp xúc cử tri, người dân có phản ánh vấn đề thiếu đất sản xuất nhưng đây là vấn đề quá sức với địa phương".

Khi hỏi về vấn đề chuyển đổi nghề nghiệp, lãnh đạo xã Đặng Sơn cho biết, đã tạo điều kiện cho thanh niên xuất khẩu lao động; động viên con em đi làm tại các khu công nghiệp trong Nam, ngoài Bắc và mở các lớp tập huấn nghề hằng năm như nghề mộc, đan lát, chăn nuôi để người dân chuyển đổi nghề cho phù hợp. Tuy nhiên, do sự hạn chế về ý thức chuyển đổi nghề nghiệp và trình độ sản xuất nên việc chuyển đổi gặp vô vàn khó khăn.

Ở cấp quản lý cao hơn, ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đô Lương cho rằng: Hiện nay dọc sông Lam đoạn chảy qua địa bàn Đô Lương có rất nhiều làng chài sinh sống.

Để xây dựng được các khu TĐC làng chài phải cần một nguồn kinh phí rất lớn. Việc bố trí đất TĐC cho bà con vạn chài xã Đặng Sơn đã là sự cố gắng. Còn đất sản xuất cho người dân khu TĐC làng chài thì cực khó vì không còn quỹ đất nào khác.

Trở lại với làng chài Vận Tải, xã Võ Liệt, vì sao dự án đã được triển khai cách đây sáu năm mà bà con vẫn chưa được lên bờ? Anh Nguyễn Đình Ngàn tình nguyện dẫn tôi trở về nơi đã được bố trí TĐC cho bà con tại vùng Khe Mừ xã Thanh Thuỷ, cũng thuộc huyện Thanh Chương. Đến nơi, đập vào mắt tôi là một cảm giác hoang lạnh. Nơi đây các công trình còn ngổn ngang, một số công trình xây dựng dở dang đang xuống cấp và thi thoảng có hộ dân đến chăn bò.

Anh Ngàn cho biết: "Người dân chúng tôi và 45 hộ vùng đập Triều Dương (xã Thanh Lâm) được bố trí về đây. Nhưng từ mấy năm qua, dự án vẫn không được hoàn thiện. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đại Cát Thành (Hà Nội), trên tổng diện tích quy hoạch là 420ha. Nghe nói công ty hết vốn".

Qua làm việc, ông Nguyễn Hữu Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương phân trần: "Dự án khu TĐC làng chài Khe Mừ cho bà con vạn chài thuộc địa bàn của huyện quản lý nhưng trên thực tế, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An làm đầu mối. Dự án triển khai chậm, phía huyện đã có văn bản kiến nghị cấp trên nhưng vì thiếu vốn nên chủ đầu tư chưa thể hoàn thiện. Chúng tôi mong muốn nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án để bà con làng chài sớm ổn định cuộc sống".

Khẳng định những nỗ lực của địa phương, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Nguyễn Văn Quế cho hay, địa phương đã bố trí đất nhưng chủ đầu tư chưa xây dựng và hoàn thiện các hạng mục xây dựng. Nếu giờ chưa hoàn thành các công trình mà đưa bà con vạn chài vào khu TĐC thì chỉ làm tội họ.

Bấp bênh đời sống trên sông.

Mơ ước cho ngày mai

Chậm TĐC, cuộc sống nay đây mai đó không chỉ làm chậm lại sự hòa nhập của bà con vạn chài với cư dân sống trên bờ, mà việc học hành của các em nhỏ cũng bị ảnh hưởng. Đó còn là nguyên nhân khiến bà con mãi quanh quẩn với đói nghèo.

Lãnh đạo xã Tam Quang (huyện Tương Dương) chỉ ra, do cuộc sống nay đây mai đó, nên các gia đình không quan tâm được đến chuyện học hành của con cái, đa phần các em thất học, hoặc chỉ được học hết cấp II, rồi nghỉ học theo gia đình mưu sinh.

Ước mơ được học hành của trẻ em các làng chài là có thật. Một số ít gia đình quyết tâm cho con học để "đổi đời", thoát cảnh sông nước đang dần trở thành hiện thực khi có những tấm gương con em vạn chài học ở các trường đại học. Song những đốm sáng như vậy còn quá ít ỏi.

Nói về sự học của con em vạn chài, ông Lê Văn Minh, thôn trưởng thôn Vận Tải, xã Võ Liệt (Thanh Chương) cho biết: "Hiện cả thôn Vận Tải có khoảng 100 cháu trong độ tuổi đến trường. Bà con vạn chài phải gửi con em mình tới họ hàng và người quen trên đất liền để đi học. Tuy nhiên, các cháu chỉ học hết lớp 9. Nhà nào khá khẩm hơn chút thì đầu tư cho con em mình xuất khẩu lao động. Có ổn định sống trên đất liền, thì việc học của các cháu mới dễ dàng hơn".

Cảnh sống tạm bợ nơi các làng chài đòi hỏi sự nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo dựng kế sinh nhai cho người dân của chính quyền các cấp.

Duy Ngợi
.
.