Đừng im lặng trước cái xấu

Thứ Hai, 26/09/2016, 07:57
Một cái kết không bất ngờ nhưng khiến nhiều người rất đồng tình: Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" để điều tra khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), nơi ông Trịnh Xuân Thanh từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị.


Ngoài ra, 4 cựu lãnh đạo của PVC là Vũ Đức Thuận, Nguyễn Mạnh Tiến, Trương Quốc Dũng, Phạm Tiến Đạt cũng bị khởi tố bị can, bắt tạm giam cùng tội danh với Trịnh Xuân Thanh.

Vì Trịnh Xuân Thanh không có mặt tại nơi cư trú nên cơ quan CSĐT đã ra quyết định truy nã. Tất nhiên, lệnh truy nã "đỏ" này sẽ được Cục Đối ngoại - Bộ Công an gửi Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol). Sau khi Interpol thẩm định sẽ tải lên trang web của tổ chức này để phát trên mạng toàn cầu.

Theo đó, các nước tham gia tổ chức Interpol sẽ có trách nhiệm phối hợp với Cơ quan CSĐT Bộ Công an Việt Nam truy bắt Trịnh Xuân Thanh trên phạm vi toàn thế giới rồi dẫn độ về Việt Nam.

Minh họa của Lê Tâm.

Có gan làm nhưng không có gan chịu trách nhiệm hoặc sau này nếu có bị bắt giữ thì cũng tìm mọi cách quanh co, che giấu hành vi phạm tội với hy vọng được nhận hình phạt thấp nhất - Đó là bản chất chung của tội phạm và với những đối tượng trong nhóm tội tham nhũng thì những thủ đoạn này được tận dụng tối đa.

Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó thoát. Trịnh Xuân Thanh có thể sống ngoài vòng pháp luật một tháng, một năm hoặc nhiều hơn, nhưng tôi tin chắc chắn một điều, sớm hay muộn, bị can sẽ bị sa lưới hoặc đến cơ quan điều tra đầu thú, bởi đó là cách tốt nhất để tìm thấy sự thanh thản, để trả xong món nợ lớn nhất của cuộc đời.

Tôi đã từng gặp một đối tượng từng phạm tội giết người rồi trốn truy nã gần 20 năm trời. Ngần ấy năm, con người này thay tên, đổi họ, thường xuyên thay đổi chỗ ở, công việc, thậm chí còn tìm đến thẩm mỹ viện để thay đổi một vài nét trên khuôn mặt.

Dù cố sống lương thiện, có trách nhiệm với vợ con, nhưng mỗi khi đêm về, khi phải đối diện với bản thân, ông ta lại thấy day dứt vì đã không làm tròn trách nhiệm với người đã sinh ra mình và không muốn sống giả dối với vợ con nữa.

Và rồi cuối cùng, người đàn ông ấy đã đi đến một quyết định quan trọng: Ra đầu thú! Sau này, khi gặp ông tại phiên tòa sơ thẩm, ông trải lòng: Dù rất khó khăn nhưng tôi thấy đó là cách tốt nhất để được sống với tư cách là một con người. Tôi đã tìm lại giấc ngủ mà bao năm tôi đã mất, tôi tìm được chính tôi sau những hoảng loạn, sợ hãi, lo âu.

Trong vòng 10 năm, Trịnh Xuân Thanh đã bước trên con đường danh vọng thuận lợi đến khó tin bởi giữ nhiều chức vụ quan trọng: Tổng Giám đốc Công ty CP xây dựng Sông Hồng thuộc Bộ Xây dựng; Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng Công ty PVC; Phó Chánh văn phòng Bộ Công Thương; Vụ trưởng - Trưởng ban đổi mới doanh nghiệp Bộ Công Thương và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Nếu không có người che chắn, bảo vệ, liệu Thanh có được may mắn đến thế không?

3.300 tỷ đồng, một con số quá lớn. Vậy mà với "tài năng" đặc biệt của mình, ông Thanh cùng một số đồng sự thân thiết đã phù phép để số tiền đó bay hơi nhanh như nước trên sa mạc.

Thời điểm đó, ông Thanh chỉ bị kiểm điểm qua loa rồi được "thoát hiểm" bằng việc chuyển sang những vị trí công tác khác.

Đến giờ, khi Trịnh Xuân Thanh “ngã ngựa”, người ta có quyền đặt câu hỏi: Vậy những người tiếp tay để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm gây thất thoát nghìn tỷ và sau đó "thoát hiểm" ngoạn mục thì sẽ bị xử lý như thế nào?

Lẽ ra, những vi phạm trên sẽ có barie ngăn lại và hậu quả không đến mức nghiêm trọng như thế nếu nhiều người trong cuộc lên tiếng. Họ im lặng vì sợ bị trả thù, vì tránh những liên lụy đến bản thân và gia đình mình để rồi chỉ lên tiếng khi mọi chuyện đã vỡ lở.

Dũng cảm lên án cái xấu, mọi việc đồng thuận từ trên xuống dưới, đó là động lực của sự phát triển và niềm tin của người dân sẽ thật sự được củng cố một khi mọi vi phạm pháp luật đều được đưa ra ánh sáng.

Tuấn Nguyễn
.
.