Nghịch lý ở ngôi làng đồng nát nổi tiếng Nam Định

Thứ Hai, 27/07/2015, 14:00
Đất Nam Định có nhiều ngôi làng đồng nát nổi tiếng, trong đó, hàng trăm người dân làm ăn xa kiếm bộn tiền. Làng Xuân Thượng, xã Xuân Thượng ở huyện Xuân Trường hiện nay vắng hơn nửa dân số. Những ngôi nhà cấp bốn xưa kia được thay dần bằng nhà cao tầng. Nhưng lại xảy ra nghịch lý là nhà bỏ không, những đứa trẻ cũng phải gửi gắm cho ông bà nuôi hộ, sinh ra không ít hệ lụy và lo lắng.
Phất lên bằng nghề đồng nát

Trong ký ức các lão nông thì khoảng 17 năm về trước, Xuân Thượng thuộc diện nghèo nhất nhì huyện Xuân Trường. Đường sá nhỏ hẹp, lầy lội, nhà cửa lụp xụp, người dân quanh năm gắn bó với ruộng đồng, chỉ một số ít đi làm ăn xa. Cụ Vũ Thành Trung, năm nay 80 tuổi, ở xóm 5 chia sẻ: "Thế mạnh là người dân chúng tôi chịu khó, làm lụng năng nhặt chặt bị. Thế hệ trẻ trung ra Hà Nội, có người vào TP Hồ Chí Minh để kiếm sống bằng nghề thu gom, buôn bán đồng nát. Một số khác làm nghề xây dựng. Các cháu nó đi làm, nói là vất vả nhưng kiếm ăn cũng được. Thôi thì cũng mừng cho các cháu".

Các con cụ Trung tất cả đã xây dựng gia đình, nhưng đều đi làm ăn xa cả. Ở nhà, cụ và cụ bà chăm sóc các cháu thay các con. Cụ cho biết, ai cũng xây được nhà cửa khang trang, điều đó khiến người này học người kia, cùng kéo nhau đi, thành ra làng xóm vắng vẻ.

Đi qua xóm 11, tôi gặp bà Đặng Thị Rum, bà Vũ Thị Xuyến cùng bà Vũ Thị Hân ngồi nói chuyện việc đồng áng. Trong tâm tư họ, các con đi kiếm ăn được, mang tiền về kiến thiết quê hương, làm cho quê hương đổi mới, đó là điều đáng mừng. Song công việc nhà quê thì lại bỏ, cho người già và trẻ nhỏ làm. "Lắm lúc cũng tủi thân đấy", bà Rum chia sẻ.

Nhiều em nhỏ ở Xuân Thượng (Xuân Trường) bị bỏ lại thôn quê, thiếu sự chăm sóc của bố mẹ.

Qua các bà tâm sự, và sau đó là sự kiểm chứng thông tin với ông Vũ Minh Giang - cán bộ lao động thương binh xã hội xã Xuân Thượng, chúng tôi được biết, từ năm 2005, bà con đi buôn đồng nát nhiều nhất. Bà Vũ Thị Xuyên bày tỏ: "Không đi làm thì làm sao mà người dân có tiền xây nhà, có khi cao đến 5 tầng. Nếu chỉ làm ruộng thôi thì cả đời cũng chẳng đủ tiền. Các chú đi từ đầu đến cuối xóm chỉ thấy toàn nhà mới thôi".

Nghịch lý vắng vẻ

Lẽ thường, nhà cao cửa rộng, giàu có thì làng phải đông đúc. Nhưng Xuân Thượng vắng hoe vắng hoắt. Hiện nay, 60% dân số vắng làng, đi làm đồng nát, ở nhà chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Hàng trăm ngôi nhà cao tầng được xây dựng từ tiền làm nghề. Nhưng một nghịch lý là 50% số ngôi nhà đóng cửa để đấy.

Cụ Vũ Thành Trung nhận định: "Vì mưu sinh và khát vọng kiếm tiền, nhiều ông bố bà mẹ quanh năm chỉ biết làm ruộng đã gửi con cho ông bà, nai nịt ra đi. Điều đó vô hình trung tạo nên một nỗi khuyết thiếu lớn trong tâm hồn chẳng gì có thể khỏa lấp của các em nhỏ".

Lời nhận định của cụ Trung đã được kiểm chứng, khi tôi gặp một điển hình khá xót xa là em Vũ Kim Chi (10 tuổi), ở xóm 11, với dáng vẻ thất thần đi ra ngoài đường vấp vào đá ngã nhào, suýt nữa rơi xuống hố. Bà Vũ Thị Vượng hớt hải chạy đi tìm cháu. “Ôi, cháu tôi đây rồi, về nhà bà tắm rửa cho”, giọng bà Vượng nghẹn lại vì thương đứa cháu ngoại tội nghiệp. Bà bảo rằng, bố em Chi biệt tăm gần chục năm nay, chẳng đoái hoài đến con.

Vì cuộc sống vất vả, mẹ em chỉ buông một câu "bà giúp con giữ nó, hàng tháng con gửi tiền về", rồi đi biệt. Thiếu bố, rồi sau này mẹ bỏ đi làm ăn xa, bé Chi khóc cả tuần lễ. "Nay tôi chăm hai đứa, cái Chi là cháu ngoại, thằng Toàn là cháu nội. Gớm, vất vả là, nhưng chỉ thương cái Chi, lúc thì nó nói rất nhiều, lúc lại tha thẩn chẳng nói chẳng rằng. Đêm nằm mơ nó cũng gọi mẹ", bà Vượng thổn thức. Chợt bà ôm cháu vào lòng. Chi muốn được bà ôm chặt mãi, như thể em sợ buông ra sẽ chẳng còn gì để bấu víu…

Gương mặt Chi bợt bạt vì bêu nắng và ăn uống thiếu chất, học hành thì nhớ ít, quên nhiều. Được hỏi có nhớ mẹ không, em nói: "Cháu muốn mẹ đón đi, nhưng mẹ không cho”.

Nhiều người bìu ríu mấy đứa cháu.

Trong lúc tâm sự với bà Vượng và em Chi thì tôi gặp ông Đặng Văn Mạnh vừa đón hai đứa cháu gái của mình. Trước mặt tôi là người đàn ông quần ống thấp ống cao, già hơn nhiều so với tuổi 60. Tất cả cũng bởi sinh nhiều con, cả chục năm trời đằng đẵng nuôi con mọn, nay vẫn chưa thoát khỏi cảnh ấy.

"Trước đây tôi chăm cháu nội cho bố mẹ chúng đi làm. Nay tôi nuôi thay hai đứa cháu ngoại. Cháu nó cũng liên tục hỏi bố mẹ cháu đâu? Sao bố mẹ không về chơi? Hay là ông bà cho cháu đi với bố mẹ. Mỗi lần như thế, tôi cứ thắt hết cả ruột. Nhà có người, có ông có cháu, nhưng không có bố mẹ chúng, thế mà vắng vẻ lắm đấy", ông Mạnh bộc bạch.

Bài toán khó giải

Từ vùng nông thôn nghèo khó, trở thành địa phương có của ăn của để, đó là điều đáng mừng. Song, đi kèm với điều đó không chỉ là tình trạng vắng vẻ ở làng quê, mà nặng hơn là ruộng đồng ở xã bị bỏ đến 10ha, khoảng 30% diện tích đất do người dân xã khác đến cấy. Rồi một hệ lụy khác là chính những đứa trẻ khuyết thiếu bố mẹ, lơ là học tập, mải chơi, nghiện game, thiếu thốn tình cảm nên dễ sa ngã.

Tất cả những nguy cơ, khuyết thiếu và nghịch lý đó đòi hỏi người dân và chính quyền địa phương phải tìm ra giải pháp. Ông Vũ Minh Giang cho biết: "Bố mẹ đi làm có tiền, ít sự quan tâm con cái, dù cái ăn cái mặc thì đủ đầy nhưng cũng cần phải có biện pháp quản lý các em chặt hơn. Chẳng gì bằng việc có bố mẹ ở bên cạnh".

Làng giàu nhưng vắng vẻ.

Ngược lên huyện Xuân Trường, ông Nguyễn Công Hoan, Phó trưởng Phòng LĐ,TB&XH huyện Xuân Trường cho hay: "Có tiền rồi, xây được nhà cao thì người dân vẫn ham đi, muốn giàu hơn. Không có sự sát sao của bố mẹ, chúng tôi lo ngại cho cả một thế hệ. Năm 2004, các cơ quan chức năng gửi danh sách về, Xuân Trường có tới hơn 200 trẻ em lang thang ở ngoài Hà Nội. Đứa đi lang thang, đứa ra bán báo, đánh giày. Nay con số này ở Xuân Trường giảm nhiều, nhưng cũng phải nói là tình trạng này đã ảnh hưởng rất lớn đến chuyện học hành của trẻ em. Chúng tôi đang lo cho một thế hệ, và cũng đang kiến nghị lên cấp trên tìm giải pháp".

Người đi xa chật vật kiếm sống, ky cóp và gửi tiền về, người ở nhà trông ngóng, chỉ những đứa trẻ là sống trong cảnh khuyết thiếu. Điều đó được thể hiện trên những gương mặt của cả người lớn và trẻ nhỏ, khi cuối ngày các ông bà đứng đợi cổng trường đón cháu. Hẳn là bọn trẻ phải thiệt thòi lắm? Ông Đào Văn Bích, chăm hai cháu cho con đi làm xa, tỏ ra lo lắng: "Ai cũng thừa nhận thiếu sự quan tâm, săn sóc của người cha người mẹ sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ nhỏ, nhất là những em bé chưa đầy hai tuổi đã được gửi cho ông bà. Nhưng điều đó đã trở thành chuyện cực chẳng đã".

Tôi may mắn gặp được một vài bậc phụ huynh khi họ từ nơi làm kinh tế về thăm quê. Đứng trước những ngôi nhà to đẹp, được đánh đổi bằng niềm hạnh phúc của những đứa con, có người đã không thôi day dứt. Họ biết mình đã sai nhưng lại lấy lý do: "Con cái là của để dành, nhưng đi làm ăn kinh tế cũng là để có tiền cho chúng được đi học".

Bỏ quê hương đi làm ăn là công việc chính đáng, kèm với đó, hẳn là những người làm bố làm mẹ cũng nghĩ tới chuyện thiệt thòi của các con. Nhưng chăm sóc con cái là một nhiệm vụ không kém phần quan trọng, đòi hỏi mỗi người phải tính toán. Đừng để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, như bao bài học nhãn tiền, là con cái nghiện hút, phạm tội thì mới tá hỏa tìm cách cứu chữa.

Văn Tình
.
.