Nhận S-400, Thổ Nhĩ Kỳ có gánh trừng phạt từ Mỹ?

Thứ Năm, 18/07/2019, 17:56
Ngày 14-7, căn cứ không quân Murted của Thổ Nhĩ Kỳ liên tục đón 3 máy bay vận tải hạng nặng của Nga hạ cánh chở tiếp các linh kiện của hệ thống phòng thủ tên lửa S-400.


Tính đến ngày 15-7, đã có tổng cộng 7 chuyến bay chở linh kiện S-400 đến Thổ Nhĩ Kỳ. Các thiết bị này sau đó được vận chuyển tới căn cứ không quân Murted ở Ankara. Kênh truyền hình Haberturk cho biết 9 chuyên gia kỹ thuật Nga đã tới Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ triển khai hệ thống tên lửa S-400. Trong giai đoạn đầu, chỉ có một tổ hợp S-400 của Nga được đưa tới Ankara.

Không chỉ mua S-400, Thổ Nhĩ Kỳ còn muốn cùng Nga sản xuất S-500

S-400 Triumf là hệ thống phòng thủ tầm xa hiện đại được thiết kế để tiêu diện máy bay, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và cả các mục tiêu trên mặt đất, với tầm bắn lên đến 400km và độ cao 30km. Hệ thống phòng không S-400 được Nga chuyển cho Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng đánh chặn cùng lúc 36 mục tiêu và theo dõi 300 vật thể bay. Một tổ hợp S-400 hiện có ít nhất 6 xe phóng, một xe chỉ huy, radar di động cùng nhiều thiết bị vận chuyển.

Tốc độ di chuyển tối đa của tên lửa phóng từ S-400 là khoảng 17.000 km/h. S-400 có thể tấn công các mục tiêu nằm ở độ cao tối đa 27.000 km. Thậm chí, S-400 còn có thể phá hủy các tên lửa đạn đạo siêu thanh ở khoảng cách 60km.

Thông tin Nga - Thổ tiến hành thảo luận về thương vụ mua bán hệ thống tên lửa phòng không S-400 lần đầu tiên xuất hiện vào tháng 12-2016. Tới tháng 9-2017, Nga tuyên bố Moscow và Ankara đã ký kết thương vụ mua bán S-400. Vào tháng 12-2017, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Rostec của Nga Sergei Chemezov cho hay thương vụ mua bán S-400 giữa Nga - Thổ trị giá 2,5 tỷ USD.

Tổng thống DonalTrump và Tổng thống Erdogan trong cuộc gặp tại Hội nghị Thượng đỉnh G20.

Việc hợp tác giữa Moscow và Ankara trong thương vụ vũ khí này đã bị NATO và Mỹ chỉ trích mạnh mẽ bởi Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những thành viên NATO. Washington nói rằng S-400 sẽ không tương thích với hệ thống vũ khí NATO và quan ngại về mối rủi ro rằng S-400 sẽ thu thập các thông tin về máy bay chiến đấu thế hệ 5 F-35 mà Mỹ bán cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ luôn khẳng định hệ thống trên không phải là mối đe dọa đối với liên minh. Theo AFP, ngày 9-3-2019, phát biểu tại thành phố Diyarbakir, phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan tuyên bố việc Thổ Nhĩ Kỳ thỏa thuận mua các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga không liên quan đến an ninh của Mỹ. "Mọi người đều biết rằng vấn đề này không liên quan gì đến NATO, dự án F-35 và an ninh của Mỹ", ông Erdogan nói.

Phát biểu trước các sinh viên đại học tại thành phố Istanbul, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành công tác kỹ thuật và nhận thấy không tồn tại những vấn đề như quan ngại của Mỹ.

Không những thế, trong cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình 24 TV của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan nói rằng: "Tôi đã tiếp xúc với Tổng thống Putin và đề xuất về việc cùng sản xuất S-500". Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không đề cập đến phản hồi của người đồng cấp Nga đối với ý tưởng này. Trong khi đó, hãng thông tấn chính thức Anadolu dẫn phát biểu của ông Erdogan cho rằng Moskva đã cấp cho Ankara khoản vay để mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 "với những điều khoản rất thỏa đáng".

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO lại quyết định mua S-400 thay vì mua hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ? Theo Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Hulusi Akar đã có cuộc điện đàm với quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper liên quan tới thương vụ mua S-400 và việc Ankara vừa mới nhận lô hệ thống tên lửa phòng không S-400 đầu tiên từ Nga. 

Trong cuộc điện đàm, Bộ trưởng Akar cho biết, quyết định mua hệ thống phòng không S-400 của Nga không phải là ưu tiên của Ankara nhưng là một quyết định cần thiết. Bộ trưởng Akar giải thích với đồng nghiệp Mỹ rằng, việc mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga là cần thiết, vì "Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang bị đe dọa không phận nghiêm trọng". Tuy nhiên, Bộ trưởng Akar không nêu rõ đó là mối đe dọa gì.

Theo các nhà phân tích, Thổ Nhĩ Kỳ có hệ thống Patriot trong lãnh thổ của mình nhưng hệ thống này không thuộc sở hữu của Ankara. Do những đe dọa về tên lửa ngày càng gia tăng trong cuộc khủng hoảng Syria nên các thành viên NATO gồm có Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan và Mỹ đều từng triển khai hệ thống Patriot ở Thổ Nhĩ Kỳ để chống lại các mối đe dọa này.

Nhưng việc phương Tây rút hệ thống Patriot khỏi Thổ Nhĩ Kỳ càng khiến Ankara củng cố thêm quan điểm chống người Kurd. Ngoài ra, Tổng thống Recep Erdogan cũng cáo buộc Mỹ đã can thiệp vào cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016.

Tổng thống Erdogan từng trả lời phỏng vấn rằng: "Có một số băn khoăn cho rằng tại sao chúng tôi lại mua (S-400) và quyết định đầu tư như vậy. Nếu cần, chúng tôi sẽ có quyền sử dụng chúng. Nếu ai đó tấn công chúng tôi, chúng tôi sẽ sử dụng hệ thống tên lửa này và đó là lý do chúng tôi quyết định đầu tư như vậy".

Ông cũng khẳng định rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng tham gia vào việc sản xuất hệ thống S-400. "Ngay khi việc sản xuất chung gây nhiều lo ngại, chúng tôi đã không có bất cứ vấn đề gì với Nga. Vào lúc bắt đầu cuộc đàm phán của chúng tôi với Tổng thống Putin, chúng tôi đã xác định sẽ ký thỏa thuận về vấn đề này. Tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ bắt đầu sản xuất chung bởi không có vấn đề nào cả", ông Erdogan tuyên bố, nhằm nhắc đến những lời phản đối từ những người muốn Ankara từ bỏ thỏa thuận S-400.

Máy bay vận tải của Nga chở S400 đến sân bay Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ sẽ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ?

Trước đó, ngày 28- 6, Thượng viện Mỹ đã cấm bán F-35 cho Ankara. Lầu Năm Góc đã hủy kế hoạch chuyển giao các lô thiết bị của F-35 cùng thiết bị huấn luyện sử dụng dòng chiến đấu cơ này cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ cũng đã tạm ngừng huấn luyện các phi công nước này và ra điều kiện rằng, nếu Ankara vẫn quyết định mua S-400 Triumph của Nga, các phi công Thổ Nhĩ Kỳ sẽ về nước vào ngày 31-7.

Tiêm kích tàng hình F-35 được lắp ráp tại Mỹ từ những bộ phận, linh kiện được sản xuất từ nhiều nước đồng minh, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo khung thân, càng đáp và màn hình hiển thị trong buồng lái. Lầu Năm Góc được cho là đang tính toán phương án loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi dự án chế tạo F-35 vì thương vụ S-400. 

Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt mua một số tiêm kích F-35 của Mỹ, nhưng các máy bay đầu tiên vẫn đang được sử dụng để huấn luyện phi công tại Arizona. Nếu bị Mỹ phong tỏa, các tiêm kích F-35 này khó có thể được chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 11 như kế hoạch.

Phản ứng trước quyết định này, ngày 4-7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, việc Mỹ từ chối bàn giao 116 tiêm kích mà Ankara đã trả tiền có thể gọi là hành động 'ăn cướp'. "Nếu khách hàng luôn đảm bảo việc thanh toán đúng hạn, làm sao bạn có thể không thực hiện nghĩa vụ giao hàng cho đối tác đó. Hành động này có thể gọi là ăn cướp".

Theo ông Erdogan, chính quyền Ankara đã chi 1,4 tỉ USD cho việc mua lô tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm F-35, trong đó 4 máy bay đã được bàn giao. Các phi công và kỹ thuật viên Thổ Nhĩ Kỳ đang được huấn luyện sử dụng dòng máy bay này tại Mỹ. "Chúng ta đã ký hợp đồng mua 116 tiêm kích F-35. Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ là khách hàng mà còn là nhà đồng sản xuất. Một số bộ phận của F-35 được chế tạo tại nước này".

Mỹ quyết định hủy kế hoạch chuyển giao máy bay F35 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 14-7, Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết, vì chính quyền Ankara mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga nên Mỹ có thể công bố áp đặt lệnh trừng phạt chống Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 19-7.

Nguồn tin thông báo rằng, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xác định được một loạt biện pháp hạn chế để gây ảnh hưởng tối đa đến Ankara. Các quan chức lựa chọn từ ba phương án tiềm năng có mức độ tác động khác nhau. Tuy nhiên, nguồn tin không nói rõ đó là những hạn chế nào. Kế hoạch tung ra đòn trừng phạt đã được xác định và chỉ cần được sự chấp thuận của ông Trump và các cố vấn thân cận nhất của Tổng thống là sẽ được ban hành.

Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hôm 14-7 bày tỏ hy vọng người đồng cấp Mỹ Donald Trump miễn trừng phạt Ankara sau vụ mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga.

"Các quốc gia thành viên của NATO nên hạnh phúc vì Thổ Nhĩ Kỳ đã mua S-400 vì điều đó sẽ khiến liên minh này mạnh hơn. Bằng cách mua S-400, chúng tôi chưa sẵn sàng cho chiến tranh. Chúng tôi đang cố gắng đảm bảo hòa bình và an ninh quốc gia của mình" - Tổng thống Erdogan lập luận.

Đức Quý (tổng hợp)
.
.