Những người nhảy vào biển lửa

Thứ Bảy, 21/11/2020, 09:34
Lịch sử đã và đang ghi nhận một sự thật: lính cứu hỏa thật đặc biệt. Và, lính nhảy dù cũng  vô cùng đặc biệt. Vậy những người lính cứu hỏa nhảy dù đặc biệt đến cỡ nào?! Câu trả lời sẽ phải là: vô cùng đặc biệt!.


Những người đặc biệt trong số anh hùng

Muốn tìm được những người lính cứu hoả nhảy dù, bắt buộc  bạn sẽ phải lặn lội đến các khu vực rừng quốc gia thuộc ba nước: Mỹ, Canada và Nga. Họ đồn trú ngay ngoài bìa rừng trong trạng thái luôn luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Chỉ cần phát hiện ra hoả hoạn là ngay lập tức những người lính đặc biệt ấy sẽ lập tức nhảy lên máy bay để đến nơi xảy ra cháy trong bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện nào. Họ sẽ nhảy dù xuống giữa biển khói và lửa rồi ngay lập tức bắt đầu cuộc chiến quyết liệt với giặc lửa. Một cơn cháy rừng nhỏ cũng có thể kéo dài vài ngày và không lúc nào những người lính cứu hoả rời khỏi hiện trường cả.

Vào khoảng thập niên 30 của thế kỷ trước, không hẹn mà gặp, cùng lúc cả người Mỹ và Nga nghĩ ra ý tưởng dùng máy bay để chữa cháy rừng thay vì sử dụng những chiếc xe bồn không thể len lỏi qua những hàng cây được. Không lâu sau đó các nhà phát minh đã chế tạo ra chiếc máy bay chở nước chữa cháy đầu tiên, nhưng họ vẫn không hề hài lòng. Bởi lẽ, họ muốn đưa được cả lính cứu hoả vào rừng một cách nhanh chóng. Đấy chính là tiền đề phát triển lực lượng lính cứu hoả nhảy dù ngày nay.

Giữa biển lửa nhiều khi những người lính còn không thấy nhau.

Những buổi huấn luyện kỹ năng nhảy dù đầu tiên cho lính cứu hoả được tổ chức bên hồ Payette tại Mỹ năm 1939. Quanh khu vực này có đến sáu khu rừng quốc gia. Đến năm 1947, người Mỹ đã đào tạo được 50 cá nhân và thành lập đơn vị lính cứu hoả nhảy dù thứ nhất trên thế giới. Đội cứu hoả này sau đó đã đạt được không ít thành công, bảo vệ được sáu khu rừng quý giá trong giai đoạn thiên nhiên nước Mỹ bị tàn phá nặng nề vì cháy rừng.

Sau đó, Canada và Nga học theo kinh nghiệm từ Mỹ, thành lập ra những đơn vị lính cứu hoả nhảy dù của riêng mình. Hiện Nga là quốc gia có nhiều lính cứu hoả nhảy dù nhất với số lượng biên chế vào khoảng 2000 người. Vậy một ngày làm việc của người lính cứu hoả nhảy dù diễn ra như thế nào?!

Cháy rừng thường xuyên xảy ra vào mua khô do cả yếu tố tự nhiên (sét đánh) hay do có sự tác động hữu ý của con người thông qua các hành vi đốt rừng, phát quang thực bì, v. v... Sau khi xác định được địa điểm và nguyên nhân cháy, cơ quan điều tiết phòng chống cháy rừng sẽ ra lệnh điều động các đơn vị dưới quyền chỉ huy xuất phát. Nhiệm vụ của đội cứu hoả nhảy dù là nhanh chóng tiếp cận khu vực cháy và cô lập ngọn lửa cho đến khi các đơn vị dưới mặt đất cùng thiết bị hạng nặng đến nơi.

Mỗi người lính cứu hoả nhảy dù có hai phút để mặc quần áo chuyên dụng, chuẩn bị dụng cụ trước khi lên máy bay. Việc này nói dễ hơn làm. Một bộ quần áo chống lửa của họ được làm từ nhiều lớp vật liệu khác nhau, trong đó Kevlar, Nomex, xốp không cháy. Mặc được bộ quần áo này đã là cả một kỳ công, chưa kể những thứ dụng cụ mà họ phải đem theo mình. Những thứ được lính cứu hoả nhảy dù đem theo gồm có cưa máy, xăng cho cưa máy, cào đất, hộp sơ cứu, bộ dây leo núi, điện thoại vệ tinh, pulaski - một thứ dụng cụ nửa rìu nửa cuốc, túi ngủ, vải lều, thức ăn, và nước, v. v... Những người lính phải đem bên mình khối đồ dùng khoảng 40-50kg vì họ có thể ở trong rừng nhiều ngày liền, hoàn toàn bị ngọn lửa cách biệt khỏi với thế giới bên ngoài.

Nhảy dù bình thường đã hàm chứa sự nguy hiểm, nhưng nhảy dù để chữa cháy rừng không khác gì đánh cược với thần chết cả. Tuy bao giờ phi công cũng chọn một điểm an toàn cách rìa ngọn lửa một đoạn, gió và khói cũng đủ cản trở những người lính nhảy dù. Hoàn toàn có khả năng họ sẽ chết ngạt nếu mặt nạ hay bình dưỡng khí gặp vấn đề, hoặc là va chạm với cây do bị khói che mất. Điều người lính cứu hoả cần nhất là sự bình tĩnh và con mắt tinh tường để điều khiển dù chạm đất an toàn.

Nơi những người lính cứu hoả đáp xuống cũng là địa điểm họ sẽ lập trại, nhưng việc đó sẽ để sau. Trước hết họ sẽ cuốc bộ đến nơi xảy ra cháy, vừa đi vừa quan sát điều tra về thảm thực vật, độ ẩm, hướng gió, v.v… làm sao lúc họ nhìn thấy được ngọn lửa, cũng chính là khi trong đầu đã có đầy đủ thông tin để lập nên kế hoạch chữa cháy. Sau đó những người lính sẽ bắt tay ngay vào việc đào hào, dùng cưa máy hạ cây, hoặc đốt thảm cỏ với mục đích cô lập ngọn lửa.

Những người lính cứu hoả nhảy dù lúc nào cũng phải chạy đua với ngọn lửa trong những điều kiện khó khăn nhất. Juna Almasace, một thành viên của đơn vị cứu hoả đồn trú tại dãy núi Rocky, thuộc nước Mỹ đã từng hơn một lần chia sẻ: “Đứng đào hào lúc nào bạn cũng phải cúi người thật thấp, vì chỉ ngẩng đầu lên một chút là khói sẽ che hết tầm nhìn. Bên trong bộ đồ bảo hộ, nhiệt độ có thể lên đến hơn 40 độ, phải là người đã quen rồi mới có thể có khả năng  chịu đựng được lâu, không thì sẽ sốc nhiệt!”

Những người lính cứu hoả nhảy dù chỉ được nghỉ ngơi sau khi ngọn lửa đã được cô lập trong một khu vực nhất định dễ kiểm soát. Họ sẽ quay về điểm lập trại và qua đêm tại đây, trước khi sáng mai nhổ trại và di chuyển tới những khu vực khác rừng còn đang cháy. Họ thường xuyên phải đi bộ nhiều cây số liền giữa các điểm cháy lớn, và sẽ chỉ dừng lại khi nhận được thông tin rằng đám cháy đã hoàn toàn dập tắt mà thôi.

Lằn ranh giữa sự sống và cái chết

Những người lính cứu hoả được tuyển chọn trong thời kỳ sung sức nhất của cuộc đời họ. Tại Nga, một người muốn đảm nhận công việc này cao nhất không được quá 40 tuổi, và nhất định phải có ít nhất kinh nghiệm hai năm làm lính cứu hoả hoặc bộ đội nhảy dù. Một bài kiểm tra sức khỏe sơ bộ của họ có thể khiến hầu hết mọi người kiệt sức, nhưng nó vẫn chưa là gì so với từ 5 đến 7 tuần tiếp theo dành cho trại huấn luyện lính cứu hoả nhảy dù. Họ phải thường xuyên làm những việc không ai tưởng tượng nổi,  như nhảy xuống đất từ độ cao 9 mét mà chỉ đội một chiếc mũ bảo hộ trên đầu.

Bất kỳ cuộc nhảy dù nào cũng như đánh cược với thần chết.

Chương trình huấn luyện của những người lính cứu hoả nhảy dù khắc nghiệt đến mức, có khoảng 30-40% số ứng viên sẽ phải bỏ cuộc giữa chừng vì không có đủ can đảm để theo nghiệp. Quân đội nhiều khi cũng phải học theo họ, đơn cử như trong trường hợp Tiểu đoàn lính nhảy dù số 19 của quân đội Mỹ thường xuyên thực hiện tập luyện, diễn tập với các đơn vị cứu hoả nhảy dù tại bang Georgia. Trong  chiến tranh thế giới thứ hai, một số đơn vị lính cứu hoả nhảy dù còn được điều động ra nước ngoài để giải quyết những vụ cháy do phát xít Đức và Nhật ném bom gây ra. Ngày nay vẫn còn một bức tượng ba người lính cứu hoả nhảy dù trên đảo Guam đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.

Công việc mang tính chất đặc thù và đầy nguy hiểm cũng khiến những người lính cứu hoả nhảy dù trở thành đối tượng chính của nhiều tác phẩm văn học, điện ảnh. Các tác phẩm nổi bật về đề tài người lính cứu hoả có thể kể tới tiểu thuyết “Chasing Fire”, “Wild Fire”;  bộ truyện dài  mang tên “Smokejumpers”, và bộ phim “Always” - do đạo diễn lừng danh Steven Spielberg đảm nhận. Nhờ vào những tác phẩm nghệ thuật nói trên mà công lao của lực lượng cứu hoả nhảy dù không bị lãng quên giữa những hàng cây, đồng thời tiếp thêm cho họ động lực để hoàn thành xuất sắc trọng trách vinh quang.

Có thể nói, 2020 là một năm vô cùng khó khăn với các đơn vị lính cứu hoả nhảy dù. Biến đổi khí hậu gây ra hạn hán kéo dài và những cơn cháy rừng chưa từng thấy trong lịch sử, đơn cử như vụ hoả hoạn đã thiêu rụi 1,6 triệu héc-ta rừng tự nhiên tại bang California, Mỹ. Cuộc vật lộn với giặc lửa chuyển từ hằng tuần sang hằng ngày. Những người lính cứu hoả nhảy dù đang bị đẩy đến giới hạn của con người.

Việc những người lính cứu hỏa nhảy dù vẫn hoàn thành nhiệm vụ của mình vừa là một điều vô cùng đáng trân trọng, vừa là một điều gì đó rất đáng buồn. Đã đến lúc các cấp  chính  quyền trên thế giới phải trợ giúp những người lính cứu hoả theo nhiều cách khác nhau, từ trang bị thiết bị mới cho đến việc thực thi chính sách chống biến đổi khí hậu một cách có hiệu quả. Hơn bao giờ hết, lúc này đây, những người lính cứu hỏa nhảy dù đã - đang nỗ lực hết mình với việc cứu lấy thiên nhiên để bảo vệ “Mẹ thiên nhiên” một cách an toàn nhất rất cần đến mọi sự giúp đỡ hiệu quả có thể.

Lê Vũ (Tổng hợp)
.
.