Nợ tư nhân của Canada tăng nhanh nhất thế giới

Thứ Năm, 20/07/2017, 16:22
Ước tính của Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này đạt gần 4% trong quý I/2017. Và dự báo trong năm 2017, Canada trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về quy mô tăng trưởng, song sự tăng trưởng này dường như vẫn tiềm ẩn những nguy cơ.


Lần đầu tiên, Canada chứng kiến nợ của khu vực tư nhân tăng nhanh hơn bất kỳ nước phát triển nào khác. Trên thực tế, nước này đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng tài chính do tình trạng mất khả năng chi trả của người đi vay, theo một báo cáo mới của Trung tâm Thay thế Chính sách Canada (CCPA).

Theo nhà kinh tế học David Macdonald của CCPA, nợ của khu vực tư nhân chủ yếu là nợ của các doanh nghiệp và người tiêu dùng, không bao gồm nợ của chính phủ và khu vực tài chính, đã tăng lên 1 nghìn tỷ USD tại Canada từ năm 2011. 

Trong đó, nợ hộ gia đình, phần lớn là nợ thế chấp tăng thêm 315 tỷ USD. Vay doanh nghiệp chiếm phần còn lại của tăng trưởng nợ. "Tăng trưởng kinh tế của Canada đã đi kèm với chứng nghiện nợ của khu vực tư nhân", theo David Macdonald.

Đây là lần đầu tiên Canada chứng kiến khoản nợ tư nhân tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ 22 nước phát triển khác được khảo sát. Lần gần đây nhất mà Macdonald ghi nhận là vào đầu những năm 1990, khi nợ của Canada tăng lên đứng thứ ba thế giới. Đó là khoảng thời gian trước khi giá nhà của Canada giảm và trì trệ trong suốt một thập kỷ. 

"Nếu tốc độ tăng trưởng nợ tư nhân của chúng ta chậm lại dù chỉ một lượng nhỏ, nó sẽ ngay lập tức có những tác động to lớn lên nền kinh tế và thị trường tài sản", bản báo cáo cho biết. "Canada hiện nay là nền kinh tế tiên tiến duy nhất có rủi ro như vậy”.

CCPA không phải là cơ quan duy nhất cảnh báo Canada có nguy cơ khủng hoảng nợ cao. Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) được xem là “ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương”, cũng đưa ra một cảnh báo tương tự về Canada đầu năm nay. BIS xem xét cả các nền kinh tế phát triển và kém phát triển, và nhận thấy Canada có nguy cơ khủng hoảng tài chính cao thứ hai, chỉ sau Trung Quốc.

Trong khi phần lớn nợ thế chấp của Canada gia tăng, nhưng nước này lại ít chú ý đến sự tăng trưởng nhanh của nợ công ty, Macdonald nêu trong báo cáo của CCPA: "Sự gia tăng mạnh mẽ trong khoản nợ của các công ty hầu như hoàn toàn dành cho bất động sản hoặc hoạt động sáp nhập và mua lại... Một phần nhỏ trong số nợ nần trên có thể làm cho Canada phát triển tốt hơn, nhưng dường như lại giống như đầu cơ hơn".

Macdonald nói Canada muốn “cai nghiện nợ nần” được, cần phải tập trung vào "mối quan tâm chính sách công đầu tiên". Ông cũng đề xuất các biện pháp làm mát thị trường nhà ở mạnh mẽ hơn các biện pháp đã được thực hiện trước đó. Đồng thời kêu gọi thu thuế người mua là người nước ngoài ở Toronto và để Vancouver "bước đi đúng hướng”, Macdonald kêu gọi chính phủ áp dụng một khoản “thuế đầu cơ” 20% cho những ngôi nhà được bán trong vòng 1 năm kể từ khi mua.

"Vấn đề sử dụng nợ công ty cho mục đích đầu cơ, đặc biệt là về sáp nhập và bất động sản thương mại vẫn ít được kiểm tra, và các phương pháp kiềm chế nó cần phải nghiên cứu sâu hơn", bản báo cáo cho biết thêm.

Ánh Dương
.
.