Từ vụ một học sinh lớp 6 ở Quảng Bình bị 231 cái tát khoảng trống lớn về giáo dục đạo đức người thầy

Thứ Năm, 29/11/2018, 16:11
Những ngày qua, câu chuyện em H.L.N, học sinh lớp 6.2, Trường Trung học cơ sở Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) bị các bạn cùng lớp tát 231 cái theo hình phạt của cô giáo, đã khiến dư luận cả nước "dậy sóng".

Đau lòng hơn, sự việc trên diễn ra vào đúng ngày 19-11, khi học sinh mọi miền đất nước đang tri ân sâu sắc các thầy cô giáo. 231 cái tát dành cho một học sinh lớp 6 còn non nớt, dù giải thích bằng bất cứ lí do gì cũng là điều không thể chấp nhận được. Nó xa lạ trong môi trường học đường, thậm chí, đây còn là một hành vi vô đạo đức, cần lên án mạnh mẽ và phải có hình thức xử lý thật nghiêm khắc.

Lo lắng và bất an chốn học đường

Ngày 19-11, em H.L.N. nói tục ngoài sân trường, bị đội cờ đỏ ghi sổ. Cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Phương Thủy đã bắt 23 bạn cùng lớp "tát phạt" N, mỗi em tát đủ 10 cái; nếu bạn nào tát nhẹ, người bị phạt sẽ tát ngược lại 10 cái nên N. bị các bạn tát rất mạnh. 

Khi bị tát cái cuối cùng, N. vừa khóc vừa đau, buột miệng nói "Em ghét cô" thì bị cô Thủy đứng cạnh vung thêm một cái tát nữa. Tổng cộng là 231 cái tát. Vì bị tát liên tục, em N. phải nhập viện và đến nay, dù em đã về nhà nhưng tâm lý vẫn còn hoảng loạn, sợ hãi…

Trả lời một số cơ quan báo chí, cô Nguyễn Thị Phương Thủy cho biết, cô mới nhận chủ nhiệm lớp 6.2 hồi đầu năm học 2018-2019. "Nhưng tình hình của lớp rất không tốt, nền nếp luôn xếp sau cùng của trường; học lực lớp yếu, sau khi khảo sát chỉ có 1 em học khá, số học sinh yếu và trung bình rất nhiều. 

Chào cờ đầu tuần, lớp hay bị nhà trường nêu ra, phê bình; các phiên họp hội đồng nhà trường cũng phê bình giáo viên chủ nhiệm không đưa được lớp tiến lên, không có sự tiến bộ. Với áp lực như vậy, tôi có trao đổi với lớp rất nhiều nhưng vẫn có vi phạm như đánh nhau, chửi nhau, vi phạm nội quy của nhà trường quá nhiều", cô Thủy cho hay.

 Và để giữ thi đua của lớp, cô Thuỷ đã quản lớp bằng cách đề ra quy định khắt khe: học sinh nào nói tục sẽ bị mỗi bạn trong lớp tát 10 cái. Bạn nào không tát hoặc tát nhẹ sẽ phạt tát ngược lại 10 cái. Một số học sinh lớp 6.2 cho biết, trước bạn H.L.N, đã từng có 10 học sinh khác bị tát theo quy định của cô Thủy.

Học sinh luôn khao khát một môi trường sư phạm an lành, thân thiện và chuẩn mực.

 Còn cô Phạm Thị Lệ Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Duy Ninh cho biết, phía nhà trường đã nhận được chỉ đạo từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quảng Ninh về việc tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy (41 tuổi). 

Thời hạn đình chỉ bắt đầu từ ngày 26/11. Trước đó, cô Hiệu trưởng mong báo chí không đưa tin về sự việc này, vì Trường sắp đón danh hiệu trường chuẩn quốc gia mức độ II…

Ngày 26/11 cơ quan Công an huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đã quyết định khởi tố vụ án.

Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra "bạo lực học sinh" trong môi trường học đường, một môi trường mà nhân cách của học trò phải được giáo dục, bồi đắp bằng yêu thương và sự tôn trọng. Còn nhớ, đầu năm 2018, tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nậm Lạnh (Sốp Cộp, Sơn La), em Vừ A Dơ - học sinh lớp 8 trường này đã bị thầy giáo H. dùng tay đánh vào mặt, lưng, vai..., đến mức em Dơ phải nhập viện điều trị vết thương. 

Ngày 13/3, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip ngắn ghi cảnh một thầy giáo cầm một cây gậy dài, giơ cao và đánh rất mạnh vào mông của một nam sinh đang nằm trên bàn học. Trường THPT Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh) sau đó đã xác nhận sự việc xảy ra ở trường. 

Người đánh học sinh là thầy H. - giáo viên dạy Tin học có thâm niên gần 20 năm tại trường và có thành tích bồi dưỡng học sinh khá tốt. Sự việc này diễn ra trong giờ học tin ở lớp 11A. Rồi tại Hải Phòng, một cô giáo dạy tại Trường Tiểu học An Đồng (An Dương) phạt học sinh lớp 3 nói chuyện bằng cách bắt em uống nước vắt từ giẻ lau bảng. 

Trong năm 2017, một loạt vụ bạo hành tinh thần học sinh mầm non đã gây ám ảnh và bức xúc tột cùng trong dư luận. Đó là vụ cô giáo tại trường mầm non thôn Yên Vĩ (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) nhốt học sinh 4 tuổi trong nhà vệ sinh rồi bỏ quên. Người nhà không tìm thấy bé, đã nhờ UBND xã Hương Sơn thông báo mất tích lên loa phát thanh xã lúc 20h ngày 21-3. 

Rồi vụ cô giáo mầm non xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng, Lào Cai dọa cho học sinh vào máy giặt..,Rồi vụ cô giáo suốt 3 tháng không nói một lời nào xảy ra tại TP Hồ Chí Minh), đều cho thấy một sự xuống cấp trầm trọng về đạo đức nhà giáo. Điều đó khiến phụ huynh lo lắng, bất an cho con em mình.

Tổn thương sẽ đeo bám các em suốt cuộc đời

Khi tôi hỏi một thầy giáo của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn về vụ việc "231 cái tát", thầy vô cùng bức xúc và gọi đó là "sự việc tày trời": "Cảm xúc của tôi trước vụ việc này là phẫn nộ và vô cùng buồn. Không thể lấy lý do gì để biện minh. 

Trường hợp này là điển hình "xấu", nhưng không phải là hiếm nữa. Cho nên tôi thấy có một sự suy đồi về hành vi ứng xử của thầy trò theo hướng bạo lực. Trước tình huống ấy, cô giáo lẽ ra nên tìm những cách xử lý có tính sư phạm hơn. Nếu đúng em ấy có nói tục thì gặp riêng em để góp ý, phê bình. 

Tôi vẫn nghĩ rằng việc giáo viên gặp riêng học sinh để khuyên răn tốt hơn là phê bình trước tập thể. Một cái tát cũng có thể làm tổn thương học trò, huống chi là 231 cái tát. Sự tổn thương nghiêm trọng này sẽ còn đeo bám suốt đời em học sinh này. Đó mới là hậu quả nặng nề! Cô giáo ấy nói áp lực thi đua, cũng có một chút lý do, tuy nhiên không thể vin vào đó mà làm chuyện như vậy". 

Cũng theo thầy giáo này, suốt cả thời đi học phổ thông của ông, ông chưa từng nghe đến chuyện giáo viên bắt các bạn khác đánh học sinh vi phạm kỷ luật. "Hồi xưa, 3-4 chục năm trước, khi chúng tôi là học trò, chúng tôi cũng "nghịch dại", nhưng thường chỉ bị thầy/cô góp ý nhẹ nhàng mà nghiêm khắc, tôi chưa bao giờ thấy thầy cô của tôi từ lớp 1 đến lớp 10 đánh họ trò, dù bằng thước. 

Cũng có trường hợp có bạn ở lớp khác nói nếu không thuộc bài, có thể bị thầy giáo "bẹo/véo tai" nhưng thầy vừa "béo vừa cười", chỉ hơi đau, đủ để nhớ là lần sau phải làm bài tập. Tôi cũng nghe một vài người thuộc thế hệ chúng tôi kể, nếu mất trật tự, không làm bài tập, có thể bị thầy giáo dùng thước đánh vào ngón tay, nhưng chỉ 1-2 lần. Thước vuông nhỏ dùng để kẻ dòng, không nguy hiểm. Vậy nên, giờ xảy ra khá phổ biến những vụ đánh học trò như vậy, tôi nghĩ đã đến lúc ngành giáo dục phải vào cuộc quyết liệt", thầy giáo kiến nghị.

Trường THCS Duy Ninh, nơi xảy ra sự việc đáng tiếc, em H.L.N bị "231 cái tát".

Hiện cơ quan Công an huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã vào cuộc xác minh thông tin về vụ việc "231 cái tát". Chắc chắn sẽ có một hình thức xử lý thích đáng dành cho cô giáo Thủy. 

Bộ GD & ĐT đã ban hành Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT về việc tăng cường quản lý, nâng cao đạo đức nhà giáo. Bộ cũng đã nhiều lần đề cập tới quan điểm, sẽ kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo. 

Một bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường cũng đã được Bộ GD&ĐT gấp rút xây dựng, nhằm tạo một môi trường giáo dục lành mạnh, an lành. Nhưng sau sự việc này, chúng ta vẫn lo ngại những "hành vi xấu" đó lại tái diễn, làm ảnh hưởng lớn tới hình ảnh người thầy và môi trường sư phạm. 

Những hành vi đó đặt ra rất nhiều vấn đề trong công tác đào tạo sư phạm, đặc biệt là đào tạo về kỹ năng ứng xử, đạo đức người thầy. Đã đến lúc ngành giáo dục và đào tạo cần phải nghiêm túc xem xét lại công tác đào tạo, tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ nhà giáo. Công tác đào tạo đã thực sự cho ra những thầy cô đáp ứng được yêu cầu công việc ngày càng có nhiều đòi hỏi mới hay chưa? 

Công tác tuyển dụng có đủ độ sàng lọc để người được chọn là người thực sự có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kĩ năng sư phạm tốt? Việc sử dụng, quản lý - các cấp quản lý đã vào cuộc, nhạy bén dự báo những tình huống có thể xảy ra trong môi trường học đường hay chưa? Điều đó cho thấy, còn rất nhiều khoảng trống liên quan đến đạo đức nhà giáo, cần sớm có giải pháp cấp bách.

Dưới góc độ "bảo vệ trẻ em", thiết nghĩ cần tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em, trong đó xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm và vai trò của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình và các cá nhân trong việc bảo vệ chăm sóc trẻ em. 

Tiếp tục củng cố và kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ trung ương đến cơ sở; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, trong đó xác định rõ trách nhiệm của các ngành, các tổ chức trong việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Bên cạnh đó, cần phải làm tốt công tác tư vấn, tham vấn học đường. 

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì "hệ thống tham vấn học đường không chỉ giải quyết vấn đề bạo lực, tâm lý của học sinh mà còn giải quyết vấn đề tâm lý của giáo viên trước khi bước lên bục giảng, để giáo viên khi bước vào lớp học phải loại bỏ những bức xúc, áp lực của gia đình, của cuộc sống thường ngày để thực thi nhiệm vụ cao quý của người thầy là dạy tri thức, dạy các em làm người". 

Chị Trần Thị Thanh Hoa, một phụ huynh có con học tại một trường tiểu học ở Đống Đa, Hà Nội cho tôi hay, vụ việc "231 cái tát" xảy ra ở Quảng Bình quá điển hình nên dư luận nhanh chóng phát hiện. Vậy những vụ việc "bạo hành" học sinh "nhỏ lẻ", ai sẽ phát hiện khi mà phần đông phụ huynh vẫn nặng tâm lý "sợ cô giáo trù úm" con em mình, không dám đấu tranh. Chị Hoa kể, ở lớp con chị, cô giáo sẵn sàng xé vở của học sinh và vứt quyển vở vào sọt rác nếu em đó trót viết nguệch ngoạc (có bạn thay vở liên tục vì bị cô xé, không biết phụ huynh có biết hay không?). Có bạn viết xấu quá, cô nói như hét vào mặt, khiến học sinh sợ hãi, ám ảnh. Cô còn sẵn sàng dùng thước kẻ gỗ to dài quật thẳng vào tay, hoặc dùng tay đập mạnh vào lưng học sinh nếu để dây mực ra vở. Chị Hoa đề xuất: "Tâm hồn con trẻ vô cùng non nớt và nhạy cảm. Tôi chỉ mong các thầy, các cô hãy nghĩ đến cách giáo dục học sinh năm xưa của những thầy cô giáo lão thành mà học tập. Tôi mong các trường học được lắp camera để chúng tôi cùng giám sát việc dạy và học tại nhà trường".
Thu Phương
.
.