Ngã tư Bảy Hiền rợp bóng cờ giải phóng từ sáng 30/4

Thứ Hai, 27/04/2015, 13:29
Khu Bảy Hiền nằm ở cửa ngõ Tây Bắc của Sài Gòn. Trước năm 1975, đây là nơi dày đặc căn cứ quân sự, trại lính như sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu quân đội Việt Nam Cộng hòa (VNCH), căn cứ Hoàng Hoa Thám của Sư đoàn Dù tinh nhuệ bảo vệ sân bay… Thế nhưng, nhờ làm tốt công tác vận động quần chúng, tổng tấn công và nổi dậy nên ngay từ sáng 30/4/1975, Bảy Hiền đã tràn ngập cờ giải phóng.

Tròn 40 năm, ông Nguyễn Trọng Xuất, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên huấn T4 (mật danh của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định) vẫn nhớ từng diễn biến tại khu Bảy Hiền trong buổi sáng lịch sử đó. Bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, bộ phận chỉ đạo bên ngoài của cánh quân Tuyên huấn T4 có các đồng chí Hai Đúng, Sáu Nhân, Lê Văn Tôn (Chín Mét); bộ phận nội thành đứng chân tại khu Bảy Hiền có các đồng chí Nguyễn Trữ (Tư Bốn), Nguyễn Hồng Giáo…

Họ đều nắm vững yêu cầu tổng tấn công và nổi dậy giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân “Thời cơ 30 năm mới có một lần… Lực lượng cách mạng nội thành phải chuẩn bị sẵn sàng, nổi dậy khi có thời cơ địch tan rã, không nhất thiết chờ đại quân tiến vào thành phố”.

Ông Nguyễn Trọng Xuất (trái) và ông Nguyễn Hồng Giáo - những chiến sĩ kiên trung của Ban Tuyên huấn T4 năm xưa.

Khu Bảy Hiền đã thành lập Ban chỉ đạo Khởi nghĩa vùng và chuẩn bị danh sách UBND cách mạng, do ông Nguyễn Hồng Giáo đứng đầu. Đội vũ trang tuyên truyền gồm một trung đội, trang bị 7 khẩu súng giữ được từ Mậu Thân 1968. Nhờ có nội tuyến tại ấp Chí Hòa 2, ta nắm được kho súng 350 khẩu tại đây, dự kiến sẽ chiếm lĩnh để trang bị cho lực lượng thanh niên xung kích.

Bộ phận tuyên truyền huy động được 3 máy in ronéo, 2 máy đánh chữ, in các tài liệu: Tuyên bố của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam về chính sách đối với vùng giải phóng, Lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam... “Ban Cứu phòng chiến nạn” cũng được thành lập, mượn địa điểm chùa Phổ Hiền làm nơi tập hợp quần chúng hợp pháp, dùng trường Bồ đề Hạnh Đức làm trạm cứu thương, chuẩn bị 10 tấn lương thực, trữ tại nhà một cơ sở, cùng 18 triệu đồng là tiền người dân ủng hộ cuộc khởi nghĩa, có tính đến trường hợp phải chiến đấu dài ngày như hồi Mậu Thân 1968.

Không khí những ngày cuối tháng 4/1975 ở Sài Gòn rất khẩn trương. Ban Khởi nghĩa đã chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch giành chính quyền ở khu Bảy Hiền. Bỗng nhiên ngày 29/4/1975, địch đưa một số tiểu đoàn lính dù rải quân tràn ngập các con đường trong khu Bảy Hiền. Trước tình thế đó, Ban khởi nghĩa vận động Đại đức Thích Tâm Thanh cùng hàng chục đạo hữu kéo đến thuyết phục Ban chỉ huy lính dù. Vị Đại đức nói: “Tình hình không còn hy vọng nữa. Các quan thầy Mỹ còn phải bỏ chạy, lên trực thăng trốn hết rồi. Anh em chống cự với quân giải phóng làm gì? Tốt nhất là bỏ súng, trở về nhà”. Mới đầu bọn chỉ huy ngoan cố, đòi bắn bỏ các đạo hữu nhưng đến buổi chiều thì chúng rút hết về Bệnh viện Vì Dân.

Ngã tư Bảy Hiền hôm nay.

Tầm 3h sáng 30/4/1975, các mũi xung kích của lực lượng khởi nghĩa đã bám sát mục tiêu. Đến 5h 30, ông Nguyễn Hồng Giáo nổ phát súng lệnh. Các bộ phận vũ trang từ các đường Tái Thiết, Hồ Tấn Đức… xông vào trụ sở ấp Chí Hòa 2; ông Nguyễn Tấn, Nguyễn Tấn Thành vừa kéo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng lên đỉnh cột cờ ấp Chí Hòa 2 thì lính dù ở Bệnh viện Vì Dân bắn M79.

Ông Thành hy sinh tại chỗ, ông Tấn bị thương nặng. Ngay sau đó 350 khẩu súng trong kho ấp Chí Hòa 2 đã kịp thời được phân phát cho lực lượng thanh niên xung kích, sẵn sàng đánh trả địch. UBND cách mạng khu Bảy Hiền lấy xưởng Phạm Sanh ở số 166-168 đường Hồ Tấn Đức làm trụ sở, ra mắt nhân dân, công bố các chủ trương, chính sách của cách mạng. Những lá cờ Mặt trận lần lượt xuất hiện rồi cả khu Bảy Hiền là một rừng cờ sao vàng nền xanh – đỏ, trước khi Tổng thống VNCH Dương Văn Minh ra lệnh ngừng bắn trên Đài phát thanh Sài Gòn (lúc 9h 30 ngày 30/4/1975).

Đến 9h sáng 30/4/1975, đoàn xe tăng của Quân đoàn 3 và Trung đoàn Gia Định tiến vào khu Bảy Hiền; lực lượng thanh niên xung kích hăng hái dẫn đường giúp bộ đội tiến chiếm sân bay Tân Sơn Nhất; một số khác dẫn đường cho xe tăng tiêu diệt các ổ kháng cự cuối cùng... Cánh cửa phía Tây Bắc Sài Gòn đã mở toang để những đoàn quân rầm rập tiến vào chiếm lĩnh các mục tiêu trọng yếu, đánh dấu thời khắc lịch sử sang trang.

Với những thành tích, chiến công trong giai đoạn từ 1954 - 1975, căn cứ cách mạng Bảy Hiền (nay là phường 11, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) đã được vinh dự trao tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Huyền Nga
.
.